Mỹ không chỉ muốn cấm cửa và trừng phạt Huawei ở trên lãnh thổ của mình mà chính quyền Washington DC thậm chí ngày một tỏ rõ quyết tâm "bóp chết" công ty Trung Quốc khi không ngừng gây áp lực buộc các quốc gia châu Âu cũng không được sử dụng sản phẩm của nhà sản xuất này. Và dường như, sức ép từ Mỹ đang ngày càng trở nên có hiệu quả.
Hồi đầu năm nay, chính phủ Anh tuyên bố sẽ cho phép Huawei tham gia vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng mạng di động 5G tại nước này, bất chấp việc Mỹ liên tục cảnh báo và đe dọa các vấn đề bảo mật, an ninh đối với thiết bị viễn thông của Huawei.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang ảnh hưởng đến khả năng tồn tại của Huawei.
Tưởng chừng điều này sẽ trở thành cứu cánh cho Huawei, tuy nhiên theo báo cáo vừa mới đây của Financial Times, thủ tướng Anh Boris Johnson đã đưa ra tuyên bố có nội dung "quay ngoắt 180 độ". Theo đó, vì lo ngại các vấn đề về bảo mật, Anh sẽ loại bỏ tất cả các thiết bị viễn thông của Huawei ra khỏi cơ sở hạ tầng mạng 5G của mình. Nguyên nhân chính xuất phát từ một báo cáo do Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia, trực thuộc Cơ quan Tình báo Tín hiệu Anh, cho biết Huawei đang sử dụng những công nghệ "không đáng tin cậy".
Trước đó, chính phủ Anh vẫn cho phép Huawei tham gia phát triển mạng lưới 5G. Tuy nhiên giới hạn Huawei không được phép tham gia vào các lĩnh vực quan trọng như mạng lưới chính phủ và quân sự. Dẫu vậy, căng thẳng giữa Lon Don và Washington DC trong những tháng gần đây được cho là đã khiến dự định này thất bại bởi phía Mỹ muốn Anh cấm cửa hoàn toàn công ty Trung Quốc.
Anh cũng đang chuẩn bị ban hành dự thảo cấm lắp đặt các thiết bị viễn thông của Huawei trong ít nhất là 6 tháng, đồng thời sẽ loại bỏ các thiết bị hiện có. Dự tính đến năm 2023, sự tham gia của Huawei trong mạng 5G tại Anh sẽ giảm xuống còn 0.
Sự lựa chọn của Đức sẽ rất khó khăn.
Bên cạnh Anh, Đức cũng đang đứng giữa lằn ranh của việc chọn có hay không trong mối quan hệ với Huawei. Chủ trương của Thủ tướng Merkel là cân bằng việc xem xét an ninh về 5G với mối quan hệ kinh tế mong manh giữa Đức và Trung Quốc.
Nhưng phe có lập trường cứng rắn trong chính phủ, trong đó có các cơ quan tình báo và Bộ Nội vụ Đức, từ lâu đã cảnh báo mối quan hệ giữa Huawei và chính quyền Bắc Kinh có thể gây ra nguy cơ về an ninh. Các nghị sĩ cũng cho rằng Nokia (Phần Lan) và Ericsson (Thụy Điển) thừa sức thay thế những đối thủ "được nhà nước hỗ trợ" và có nguy cơ gây ra mối đe dọa về an ninh cho quốc gia mình.
Tuy nhiên, sự lựa chọn của Đức có lẽ sẽ khó khăn hơn, khi Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa trả nữa nếu chính phủ nước này ra quyết định bất lợi với Huawei.
"Nếu Đức có quyết định loại Huawei ra khỏi thị trường, nước này sẽ phải chịu hậu quả", Đại sứ Trung Quốc Wu Ken phát biểu trong một sự kiện của tờ báo Handelsblatt vào cuối năm ngoái. "Chính phủ Trung Quốc sẽ không ngồi yên".
Trụ sở Huawei tại Paris, Pháp.
Pháp thì chọn một giải pháp khôn ngoan hơn, với hi vọng vừa không làm phật ý Mỹ vừa giữ được mối quan hệ ngoại giao tốt với Trung Quốc. Cụ thể, chính quyền nước này "không cấm Huawei", nhưng khuyến khích các công ty viễn thông 5G tránh sử dụng công nghệ và sản phẩm của hãng này.
"Những gì tôi có thể nói là sẽ không có lệnh cấm hoàn toàn", Guillaume Poupard, người đứng đầu cơ quan an ninh mạng ANSSI của Pháp cho biết. "Nhưng đối với các nhà khai thác hiện không sử dụng Huawei, chúng tôi đang khuyến khích họ không sử dụng nó."
Còn đối với những người đã sử dụng công nghệ sản phẩm của Huawei, họ sẽ có khoảng thời gian khác nhau từ 3 đến 8 năm, để thay đổi. Orange, tập đoàn viễn thông đã quốc gia của Pháp mới đây đã chọn các đối thủ ở châu Âu của Huawei là Nokia và Ericsson để xây dựng hệ thống cơ sở 5G.
Poupard nói rằng sự lựa chọn được đưa ra để "bảo vệ nền độc lập của Pháp" chứ không phải là "một hành động thù địch với Trung Quốc".
Tham khảo Reuters, theguardian