Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Sự chuyển hướng ‘vô cùng kịp thời’
Theo ABC News, một dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng mới ngoài khơi bờ biển phía tây châu Phi có thể chỉ mới hoàn thành 80%, nhưng triển vọng về nhà cung cấp năng lượng mới nhằm thay thế Nga đã thu hút các chuyến thăm của giới lãnh đạo Ba Lan và Đức tới đây.
Mỏ đầu tiên, nằm gần bờ biển Senegal và Mauritania, dự kiến sẽ chứa khoảng 425 tỷ mét khối khí đốt, gấp 5 lần so với lượng khí đốt mà Đức từng sử dụng trong cả năm 2019. Tuy nhiên, quá trình sản xuất khí đốt tại mỏ này phải tới cuối năm sau mới bắt đầu.
Mặc dù không thể giúp giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu hiện nay nhưng diễn tiến này được đánh giá là “vô cùng kịp thời” trong bối cảnh châu Âu đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên từ Nga.
Trữ lượng khí đốt tự nhiên của châu Phi vốn rất lớn, các quốc gia Bắc Phi như Algeria thậm chí đã có đường ống dẫn tới châu Âu nhưng tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng và các thách thức an ninh từ lâu đã cản trở các nhà sản xuất ở lục địa này mở rộng quy mô xuất khẩu.
Nhà máy sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nigeria tại đảo Bonny, ngoài khơi Nigeria. Ảnh: Nigeria LNG.
Horatius Egua, phát ngôn viên của Bộ trưởng dầu khí Nigeria cho biết, Nigeria có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất châu Phi, mặc dù sản lượng do nước này cung cấp chỉ chiếm 14% tổng lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng mà Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu qua đường tàu biển.
Các quốc gia triển vọng khác như Mozambique có trữ lượng khí đốt lớn nhưng nhiều dự án của nước này bị trì hoãn do một số vấn đề liên quan tới các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Châu Âu đang vật lộn tìm kiếm các nguồn cung thay thế sau khi Moscow cắt giảm nguồn khí đốt tự nhiên đến các nước EU, khiến giá năng lượng tăng vọt. Bộ trưởng năng lượng của 27 quốc gia EU sẽ họp mặt trong tuần này để thảo luận về việc áp trần giá khí đốt.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã ‘đổ xô’ đến Na Uy, Qatar, Azerbaijan và đặc biệt là các nước ở Bắc Phi như Algeria – quốc gia vốn đã có sẵn đường ống khí đốt dẫn tới Italia và Tây Ban Nha.
Italia đã ký hợp đồng khí đốt trị giá 4 tỷ USD với Algeria vào tháng 7 năm nay [một tháng sau khi Ai Cập đạt được thỏa thuận với EU và Israel nhằm thúc đẩy cung cấp khí đốt hóa lỏng]. Nước này cũng đã ký thêm thỏa thuận khí đốt với Angola.
Những thách thức chờ đợi
Nhận định về hướng đi này của châu Âu, ông Mahfoud Kaoubi - Giáo sư kinh tế, đồng thời là chuyên gia về các vấn đề năng lượng tại Đại học Algiers cho biết, Algeria là nhà cung cấp khí đốt lớn, nước này và Ai Cập chiếm 60% sản lượng khí đốt tự nhiên ở châu Phi trong năm 2020 nhưng trong giai đoạn hiện nay, họ khó có thể bù đắp được lượng khí đốt mà Nga từng cung cấp cho châu Âu.
“Sản lượng sản xuất khí đốt thường niên của Nga là 270 tỷ mét khối – đây là một con số ‘khổng lồ’. Mặc dù Algeria có sản lượng lên tới 120 tỷ mét khối nhưng trong đó 70,50% dành cho nhu cầu tiêu thụ ở thị trường nội địa” – Ông Kaoubi cho hay.
Một cơ sở sản xuất khí đốt nằm gần thủ đô Cairo, Ai Cập. Ảnh: Reuters
Do gặp phải các vấn đề tài chính, Ai Cập cũng đang tìm cách xuất khẩu nhiều khí đốt tự nhiên hơn sang châu Âu. Một thỏa thuận ba bên mới sẽ cho phép Israel gửi nhiều khí đốt hơn đến châu Âu thông qua Ai Cập, bởi Cairo có sẵn các cơ sở hóa lỏng khí đốt phục vụ hoạt động xuất khẩu bằng đường biển.
Tại Nigeria, những dự án đầy tham vọng vẫn chưa mang lại kết quả dù họ đã lên kế hoạch trong nhiều năm qua. Nước này mới chỉ xuất khẩu chưa đầy 1% trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ trong năm ngoái.
Dự án đường ống dài 4.400km đưa khí đốt từ Nigeria đến Algeria qua Niger đã bị đình trệ từ năm 2009, nguyên nhân chủ yếu do dự án này có chi phí ước tính lên tới 13 tỷ USD.
Nhiều người lo ngại rằng, ngay cả khi hoàn thành, đường ống dẫn khí đốt xuyên Sahara vẫn sẽ phải đối mặt với các rủi ro an ninh, tương tự như đường ống dẫn dầu của Nigeria thường xuyên bị phiến quân phá hoại.
Theo chuyên gia dầu khí Olufola Wusu tại Lagos, những thách thức tương tự sẽ khiến sản lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu khó lòng gia tăng.
Ông Wusu kêu gọi các nước theo đuổi khí đốt hóa lỏng và gọi đây là chiến lược khí đốt “có lợi nhất” cho tới nay. Tuy nhiên, hướng đi này không hẳn là không có vấn đề. Tháng 7 vừa qua, người đứng đầu Nigeria LNG Limited – công ty khí đốt tự nhiên lớn nhất Nigeria – cho biết nhà máy của họ chỉ sản xuất được 68% công suất do phải đối mặt với tình trạng trộm cắp dầu.
Mozambique dự kiến sẽ trở thành nhà xuất khẩu khí đốt hóa lỏng lớn sau khi một số mỏ khí đốt với trữ lượng đáng kể được tìm thấy dọc bờ biển Ấn Độ Dương vào năm 2010.
Công ty TotalEnergies của Pháp đã đầu tư 20 tỷ USD vào dự án ở Mozambique và bắt đầu quá trình khai thác khí. Tuy nhiên, vấn đề bạo lực do các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Mozambique đã buộc TotalEnergies phải hủy bỏ vô thời hạn dự án của họ vào năm ngoái.