Sư tử là một loài sống theo bầy đàn, nhưng trên thực tế, những con sư tử đực lại khá cô đơn, vì chúng luôn phải một mình bảo vệ lãnh thổ, bởi vậy tính cách của chúng khá hung dữ và sẽ phản ứng một cách quyết liệt khi có những con sư tử xa lạ đến gần.
Mặc dù phản ứng quyết liệt của chúng phù hợp với nhu cầu sống trong tự nhiên, nhưng các nhà khoa học lại coi điều đó là một thách thức cần phải nghiên cứu và loại bỏ đối với những con sư tử sống trong khu bảo tồn hoặc trong không gian nuôi nhốt được kiểm soát tự nhiên.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng "Hormone tình yêu" oxytocin có tác động tích cực đến sự gắn kết của các loài mèo lớn trong điều kiện nuôi nhốt.
Sư tử có xu hướng trở nên hung dữ khi được giới thiệu với những con sư tử khác trong môi trường nuôi nhốt, nhưng theo kết quả nghiên cứu mới đây, việc phun một ít oxytocin lên mũi của chúng có thể khiến những loài động vật có vú này trở nên thân thiện hơn. Các nỗ lực bảo tồn có thể được thúc đẩy bởi những lợi ích chính này vì những loài mèo lớn ngày càng bị buộc phải sống cùng nhau trong các khu bảo tồn.
Gần đây, một nhóm các nhà nghiên cứu đã chia sẻ một phần công việc của họ với sư tử trong khu bảo tồn động vật hoang dã ở Dinokeng, Nam Phi, họ phát hiện ra rằng với việc sử dụng một liều lượng nhất định "hormone tình yêu" oxytocin qua đường mũi, những con sư tử tại đây sẽ trở nên hiền lành, ít hung hăng hơn, theo đó những cuộc gặp mặt hay tiếp xúc của chúng với những con sư tử lạ cũng sẽ trở nên ôn hòa hơn cũng như ít ảnh hưởng đến tính mạng hơn.
Jessica Burkhart, tác giả đầu tiên của bài báo và là chuyên gia Khoa Sinh thái, Tiến hóa và Hành vi tại Đại học Minnesota, Hoa Kỳ, nói: "Tôi luôn yêu thích sư tử. Tôi tham gia nghiên cứu vì cảm thấy mệt mỏi với việc kiểm tra não động vật trong phòng thí nghiệm và muốn nghiên cứu chúng ngoài đời thực".
Ở động vật có vú, oxytocin là phân tử chính giúp củng cố các liên kết xã hội. Nó phát sinh bên trong não của người mẹ khi nhìn vào mắt những đứa con, thúc đẩy cảm giác hạnh phúc và sung sướng. Các nhà khoa học từ các khu vực khác nhau đã tìm thấy tác dụng tương tự đối với các loài khác.
Đối với sư tử, hormone này có thể giúp gắn kết những con sư tử xa lạ sau khi chúng được giải thoát khỏi những điều kiện ngược đãi, chẳng hạn như vườn thú hoặc rạp xiếc trong vùng chiến sự, và sau đó được đưa vào các khu bảo tồn.
Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng 23 con sư tử được thực hiện theo phương pháp này dường như ngay lập tức có dấu hiệu dịu đi và nhìn chung trở nên khoan dung hơn và ít hung hăng hơn đối với những con sư tử khác.
Burkhart báo cáo cho biết: "Bạn có thể thấy các đặc điểm hung dữ của chúng dường như biến mất ngay lập tức, chúng chuyển từ khuôn mặt nhăn nheo và hung dữ sang phong thái hoàn toàn bình tĩnh này".
Để có thể cung cấp những số liệu về hiệu quả của thuốc, nhóm nghiên cứu đã đem đến một món đồ chơi yêu thích của chúng để những con sư tử chơi cùng nhau. Thông thường, các con sư tử sẽ giữ khoảng cách khoảng 7 mét với nhau, ngay cả khi có quả bí ngô để dụ chúng. Tuy nhiên, khi sư tử được sử dụng oxytocin chúng có xu hướng lại gần nhau hơn, lúc này, chúng chỉ cách nhau 3,5 mét.
Làm việc tại Khu bảo tồn Động vật Hoang dã ở Dinokeng vào mùa hè năm 2018 và 2019, Burkhart và các đồng nghiệp của mình tại Đại học Minnesota đã thực hiện một thử nghiệm sử dụng các mẩu thịt sống để dụ sư tử vào hàng rào, đồng thời cố gắng cho chúng hít oxytocin.
Loại hormone này phải được xịt trực tiếp qua mũi, với một thiết bị tương tự như một lọ nước hoa cổ để nó có thể truyền thẳng đến não của chúng. Kết quả là sau khi thí nghiệm được thực hiện, 23 con sư tử được tiêm hormone này sẽ trở nên hiền từ hơn với những con khác trong không gian của chúng.
Tuy nhiên, khi có thức ăn, tình yêu dường như tan biến hoàn toàn. Ngay cả khi được sử dụng "Hormone tình yêu", những con sư tử vẫn tỏ ra hung dữ khi những kẻ xâm nhập đến quá gần bữa ăn của chúng.
Cố gắng làm cho những con sư tử sống trong khu vực trở nên gần gũi, thân thiện hơn với nhau không chỉ có lợi trong các trường hợp bị nuôi nhốt. Với sự phát triển của dân số ngày càng tăng, sư tử thường được di chuyển đến các khu bảo tồn có hàng rào từ lãnh thổ ban đầu của chúng. Do đó việc những con sư tử xa lạ gặp nhau sẽ trở nên thương xuyên và dễ dàng hơn.
Oxytocin là một loại hormone ở động vật hữu nhũ, đóng vai trò sản sinh ra cảm giác yêu thương. Nó liên quan tới việc tạo cảm xúc nhận thức và gắn bó xã hội, và được cho là giữ một phần trong việc hình thành nên lòng tin giữa con người với nhau.
Nó là thứ khiến cho tình cảm mẹ con có sức mạnh vô cùng to lớn, cho nên nó còn được gọi là "hoá chất âu yếm" và "hormone tình yêu". Nhưng người ta cũng thấy rằng các con đực thuộc nhiều loài động vật khác cũng có phản ứng giống như có oxytocin trong thời gian mới làm cha.