Ngày 25-3, sau nhiều giờ lần mò theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi cũng tìm được vị trí mà cả một vạt rừng bị đốn hạ như đơn tố cáo của người dân thuộc Tiểu khu 305B của Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu (tên gọi khác: Tà Cú), xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Ai cũng thấy nhưng ban quản lý thì không!
Tại hiện trường, khu rừng đặc dụng nằm giáp ranh với đất vườn canh tác thanh long của người dân xã Tân Thuận. Phía sau tấm bảng cấm do Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu dựng lên, nhiều gốc cây rừng ngã xuống để các trụ thanh long trồng mới mọc lên.
Theo quan sát, những gốc cây bị chặt hạ nằm ngổn ngang trong khu vực rừng đặc dụng, có gốc đường kính hơn 30 cm. Đáng nói, bên cạnh một số gốc cây cưa hạ đã cũ còn có một số gốc dấu vết còn mới nguyên, chưa có dấu hiệu kiểm kê. Ở khu vực cây rừng bị đốn là vườn thanh long và khu chăn nuôi gà được trồng và dựng trái phép trên đất rừng. Bên trong các chuồng nuôi gà vẫn còn các cây rừng được rào chắn bằng lưới B40. Tiếp tục men từ hướng cửa rừng của Tiểu khu 305B về phía bảng cấm, chúng tôi phát hiện thêm hàng trăm trụ bê-tông trồng thanh long khác đang nằm trên đất rừng. Khu vực này, cây rừng bị chặt hạ không thương tiếc để những trụ thanh long mọc lên.
Cây rừng ngã xuống, các trụ bê-tông để trồng thanh long mọc lên
Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu được đánh giá là 1 trong 221 vùng sinh thái quan trọng trên thế giới cần được bảo tồn khẩn cấp. Cùng với hệ sinh thái rừng đa dạng là hệ động vật khá phong phú, một số loại nằm trong Sách đỏ Việt Nam”.
Một người dân dẫn đường cho biết việc chặt hạ cây rừng thuộc Tiểu khu 305B Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu bắt đầu diễn ra từ đầu năm 2021 đến nay. Toàn bộ vạt rừng bị tác động có diện tích gần 2 ha. Trong đó, có khoảng 300 trụ thanh long được trồng trái phép trên đất rừng. Sau đó, đến khoảng tháng 8-2021, các đối tượng tiếp tục vây lưới rào chắn để chăn nuôi gà, dựng chòi trên diện tích đất rừng đã tác động.
"Các đối tượng ngang nhiên chặt hạ cây rừng thuộc khu rừng đặc dụng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu diễn ra hơn 1 năm nay, cách chốt trực ban quản lý rừng không xa và ngay tại khu vực có bảng cấm của đơn vị bảo vệ rừng như các anh thấy nhưng không hiểu sao vẫn chưa được xử lý. Một số hộ dân chúng tôi phát hiện tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép để chăn nuôi, trồng trọt đã có đơn tố giác sự việc nhưng đơn gửi đi vẫn không thấy trả lời" - người dẫn đường bức xúc nói.
Kiểm tra nhưng... không biết ai phá (?)
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Võ Hữu Phương - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, xác nhận có sự việc các đối tượng tác động cây rừng để lấn chiếm đất chăn nuôi, trồng trọt tại Tiểu khu 305B.
Ông Phương cũng cho biết đến nay, chưa xác định được đối tượng phá rừng sau nhiều lần kiểm tra. "Hiện tại, khu vực rừng bị tác động không còn người sản xuất canh tác gì nữa.
Khu vực rào chắn chuồng gà thì UBND xã Tân Thành đã có hướng tháo dỡ. Riêng diện tích thanh long trồng trên khu vực lấn chiếm đất rừng thì đang lên kế hoạch nhổ bỏ, trả lại hiện trạng. Chúng tôi đang bảo vệ hiện trạng rừng bị tác động, chờ làm việc với Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan để phối hợp kiểm tra, đo đạc, sau đó mới có các bước xử lý tiếp theo. Hiện cũng chưa thể cung cấp thông tin gì thêm" - ông Phương cho biết.
Ông Phương nói là vậy nhưng theo quan sát của chúng tôi, các chuồng gà được dựng trong khu vực rừng đặc dụng bị đốn hạ vẫn còn nhiều gà.
Bình luận về thông tin ông Phương đưa ra, người dẫn đường cho chúng tôi bức xúc đặt hàng loạt câu hỏi. Đó là, tại sao một diện tích lớn rừng đặc dụng nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên lại dễ dàng bị chặt hạ, san ủi để trồng thanh long, rào chắn chăn nuôi gà mà đơn vị quản lý lại không phát hiện được đối tượng, dù sự việc đã diễn ra hơn 1 năm qua?
Để canh tác được trên diện tích lấn chiếm tại đây, các đối tượng phải vận chuyển trụ bê-tông, lưới rào và nhiều vật dụng khác vào rừng, trong khi đó hiện trường khu vực rừng bị tác động chỉ cách không xa chòi canh của trạm bảo vệ. Làm sao các đối tượng phá rừng qua mắt được cán bộ của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu nếu không có sự tiếp tay hay làm ngơ?
Gian nan thu hồi đất rừng bị lấn chiếm
Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Krông Bông, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, cho biết trong 5 năm qua, trên lâm phần của công ty bị lấn chiếm 220 ha rừng và đất rừng. "Dù hằng năm, công ty tìm cách thu hồi đất bị lấn chiếm nhưng không hiệu quả do xung đột giữa người dân và lực lượng bảo vệ rừng gay gắt.
Ngay cả những lán trại dựng trái phép trên đất rừng cũng phải có cơ quan pháp luật vào cuộc yêu cầu di dời hoặc tổ chức khám nghiệm xong mới xử lý được. Trước tình hình này, công ty vừa trình UBND huyện Krông Bông phương án cưỡng chế, thu hồi đất rừng bị lấn chiếm trái phép" - giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Krông Bông nói.