Linh kiện các hãng mua về tại Trung Quốc sẽ chỉ dùng để lắp xe tại Trung Quốc, họ sẽ không vận chuyển chúng ra các nhà máy toàn cầu nữa mà tìm nguồn cung gần và đa dạng hơn - Ảnh: Reuters
Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã từ vị trí số 0 vươn lên thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực cung ứng linh kiện ô tô trên toàn cầu.
Các hãng xe châu Âu và Bắc Mỹ ưu tiên các công ty cung ứng Trung Quốc để tận dụng chi phí nhân lực rẻ, chưa kể tới việc họ cũng có thể trực tiếp khai thác thị trường giàu tiềm năng khi đó (nay đã vươn lên vị trí số 1).
Tuy vậy, COVID-19 đã khiến các hãng xe quốc tế nhận ra một sự thực cay đắng, đó là họ không thể dựa dẫm vào thị trường Trung Quốc.
Theo Ted Cannis, một lãnh đạo cấp cao của Ford, "chuỗi cung ứng sẽ là mảng được nền công nghiệp ô tô tập trung ưu tiên trong thập kỷ này. Nhiều hãng xe đã bắt đầu cân nhắc lại toàn bộ chuỗi cung ứng logistics".
Có 2 nguyên nhân dẫn tới việc các hãng xe quốc tế đổi ý. Một, đó là COVID-19 khiến các nhà máy sản xuất tại đây có thể phải đóng cửa tạm thời bất cứ lúc nào, trực tiếp gây nghẽn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng lớn tới sản lượng của họ.
Hai, xung đột chính trị có tiềm năng xảy ra cũng có thể khiến chuỗi cung ứng gián đoạn và nếu vấn đề này xảy ra tại Trung Quốc, các hãng xe sẽ bất lực trong việc vận hành. Đây là bài học họ rút ra từ Nga trong năm 2022.
Do đó, chiến lược mới của các hãng xe lớn là chỉ sản xuất linh kiện/mua linh kiện từ Trung Quốc để phục vụ lắp ráp xe tại Trung Quốc.
Các dây chuyền quốc tế của họ sẽ dàn trải chuỗi linh kiện ra nhiều khu vực, nhiều quốc gia, đồng thời mỗi linh kiện lại có thể được cấp từ một vài nguồn khác nhau để có thể dễ dàng tìm bên thay thế một khi nguồn cung gốc bất ổn.
Tuy vậy, vấn đề này nói dễ hơn làm rất nhiều và quả thực các hãng xe sẽ phải mất một thập kỷ, một phần vì họ không thể thay nhà cung ứng linh kiện giữa vòng đời của một mẫu xe, thường rơi vào 6 - 7 năm.