Đây là nội dung cảnh báo trong một báo cáo mới của Liên Hợp Quốc và Hội Chữ thập đỏ.
Với tiêu đề "Chuẩn bị cho các đợt nắng nóng trong tương lai", báo cáo cho biết, 38 đợt nắng nóng đã khiến hơn 70.000 người trên toàn thế giới thiệt mạng từ năm 2010 đến năm 2019, và con số này có thể được coi là là thấp hơn so với thực tế .
Con số đó chiếm hơn 1/6 trong số hơn 410.000 trường hợp tử vong do thiên tai liên quan đến khí hậu và thời tiết khắc nghiệt trong cùng một khoảng thời gian, báo cáo cho biết thêm, trích dẫn những tính toán trước đó của Hội Chữ thập đỏ.
Các nhà khoa học đã nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C (2,7 độ F), cảnh báo rằng việc vượt qua ngưỡng này có nguy cơ gây ra các tác động biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn nhiều đối với con người, động vật hoang dã và hệ sinh thái.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA): "Với mức độ Trái đất nóng lên dưới 2°C, thậm chí một sự kiện nhiệt độ cực nóng được dự báo có khả năng cao gấp gần 14 lần, kéo theo mức nhiệt và độ ẩm còn nguy hiểm hơn nhiều".
Và Hội Chữ thập đỏ cho biết: "Theo quỹ đạo hiện tại, sóng nhiệt có thể vượt quá những giới hạn sinh lý và xã hội trong những thập kỷ tới, bao gồm cả ở các khu vực như Sahel, Nam và Tây Nam Á".
Người dân trong đợt nắng nóng ở ngoại ô Jacobabad, Pakistan. (Ảnh: Reuters)
Các tổ chức đã cảnh báo đặc biệt về tác động quá lớn đối với những nước đang phát triển, trích dẫn trường hợp Bangladesh, quốc gia đã trải qua mức tăng 20% số người tử vong trong những ngày có nắng nóng so với mức trung bình trong một ngày.
Martin Griffiths, người đứng đầu OCHA, nói với các phóng viên tại Geneve: "Sóng nhiệt là nguyên nhân dẫn đến một số thảm họa gây chết người nhất được ghi nhận. Những đợt hạn hán tàn phá, tương tự như đợt hạn hán đẩy Somalia đến bờ vực của nạn đói, sẽ trở nên chết chóc hơn, và nhiều khi chúng kết hợp với nắng nóng khắc nghiệt. Chúng ta có thể chứng kiến nhiều hơn tình trạng này trong tương lai".
Báo cáo cảnh báo, tác động của các đợt nắng nóng tái diễn sẽ bao gồm "đau khổ và thiệt hại nhân mạng trên diện rộng", sự dịch chuyển dân cư và gia tăng bất bình đẳng, đồng thời cho biết thêm rằng những xu hướng này "đã và đang nổi lên".
Ông Griffiths nói: "Thật bất công khi các quốc gia yếu thế phải gánh chịu những tổn thất và thiệt hại chết người do nắng nóng khắc nghiệt, trong khi đây lại là những nước ít chịu trách nhiệm nhất về biến đổi khí hậu.
Các quốc gia giàu có hơn có những nguồn lực để giúp người dân của họ thích nghi và đã cam kết sẽ làm như vậy. Các quốc gia nghèo hơn không chịu trách nhiệm về những đợt nắng nóng kinh hoàng này lại không có những nguồn tài nguyên đó".
Báo cáo kêu gọi các chính phủ khẩn trương thực hiện "các bước tích cực" để ngăn chặn thảm họa nắng nóng tái diễn trong tương lai: "Việc quan trọng nhất là làm chậm và ngăn chặn biến đổi khí hậu. Giới hạn nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C thay vì 2°C có thể giảm tới 420 triệu người thường xuyên tiếp xúc với sóng nhiệt khắc nghiệt và giảm khoảng 65 triệu người thường xuyên tiếp xúc với sóng nhiệt đặc biệt".
Ngoài ra, báo cáo khuyến khích các chính phủ tăng cường những hệ thống cảnh báo sớm về nắng nóng, đào tạo nhiều hơn và tài trợ cho những người làm công tác ứng phó với nắng nóng trong nước, những người thường có mặt đầu tiên khi sóng nhiệt ập đến.