Đồng thời, khiến hàng chục triệu người phải di dời và 1.400 người thiệt mạng.
Trong khi sông Indus đã giúp sự thịnh vượng nông thôn của Pakistan phát triển qua nhiều thế hệ, thì tần suất và cường độ của lũ lụt vẫn đang tăng đều đặn trong những thập kỷ gần đây. Hơn 13 trận lũ lụt đã xảy ra ở Pakistan kể từ năm 1992 đến nay. Mỗi trận lũ lụt đã khiến nhiều người thiệt mạng và không ít hộ dân phải di dời.
Sự phẫn nộ của biến đổi khí hậu, lịch sử quy hoạch tài nguyên nước kém và phát triển cơ sở hạ tầng bừa bãi đã biến Indus trở thành biểu tượng của sự nguy hiểm.
Tính đến tháng 9, lũ lụt đã giết chết 8 triệu động vật và phá hủy khoảng 2 triệu mẫu cây trồng. Điều đó cũng đồng nghĩa là 90% cây trồng của Pakistan đã bị nước lũ phá hủy. Những con số này dự kiến tiếp tục tăng. Việc phục hồi sau thảm họa được cho là vô cùng khó khăn. Bởi, cây trồng cũng như vật nuôi là một phần thiết yếu của nền kinh tế nông thôn và sinh kế của Pakistan.
Khoảng 40% lực lượng lao động của Pakistan làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, các chuyên gia dự báo, lạm phát có thể sẽ tồi tệ hơn và tình trạng thiếu việc làm sẽ tăng. Các lĩnh vực giao thông, y tế và giáo dục của Pakistan cũng sẽ chịu ảnh hưởng trong dài hạn.
Các hoạt động của con người và biến đổi khí hậu đều là nguyên nhân dẫn tới lũ lụt. Pakistan đã trải qua thời kỳ nắng nóng khắc nghiệt, với nhiệt độ dao động trên 45 độ C trong suốt thời gian dài của mùa hè.
Nhiệt độ ở Jacobabad - một trong những nơi nóng nhất thế giới, đã tăng lên mức đáng kinh ngạc là 51 độ C. Các sông băng tan chảy trên dãy Himalaya đã đưa lượng nước dư thừa vào hệ thống sông của Pakistan.
Khi gió mùa đến, các con sông không thể thoát nước đủ nhanh. Lượng nước tăng do gió mùa sớm và kéo dài đã khiến nhiều băng tan. Pakistan ghi nhận lượng mưa trung bình năm tăng gấp đôi. Một số tỉnh, như Sindh và Baluchistan, ghi nhận lượng mưa tăng gấp 7 - 8 lần mức trung bình.
Trong khi đó, yếu tố “do con người gây ra” là sự phát triển cơ sở hạ tầng tràn lan. Cơ sở hạ tầng được xây dựng dọc theo và xung quanh các con sông. Đó được coi là một yếu tố làm tăng thiệt hại về người.
Một số người chỉ trích việc phát triển cơ sở hạ tầng tràn lan mà không tính đến hệ thống thoát nước tự nhiên hoặc độ dốc của đất. Số khác lập luận rằng, người nghèo không phải lúc nào cũng có sự lựa chọn ngoài việc sống ở những khu vực dễ bị tổn thương.
Theo các chuyên gia, để giải quyết những thách thức cũng như chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, Pakistan cần thực hiện các chiến lược ngắn và dài hạn được thiết kế, thảo luận, thực hiện một cách cẩn thận.
Thảm kịch ở Pakistan là hồi chuông cảnh tỉnh đối với khu vực đông dân cư nhất thế giới. Nếu các biện pháp tức thời không được thực hiện để cải thiện khả năng thích ứng với khủng hoảng khí hậu, thiên tai sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Như Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã nói: “Hôm nay, đó là Pakistan. Ngày mai, đó có thể là đất nước của bạn”.