Các bà mẹ chồng giờ văn minh lắm, chả ai ghê gớm vô lí thế đâu!

MEI |

Những bà mẹ chồng hiện đại, họ đã khác rồi. Họ đã trải qua đủ những cay đắng, những oan ức trong đời sống làm dâu từ cách đây hàng chục năm. Họ đã hiểu thấu những nỗi thiệt thòi, những ấm ức của các cô dâu mới.

Nhiều trong những câu chuyện mà tôi lớn lên được nghe, đó là chuyện về nỗi khổ hạnh của mẹ tôi khi sống cùng gia đình nhà chồng.

Dù khoảng thời gian đấy không quá dài trước khi nhà tôi có khả năng ra ở riêng, thế nhưng - sức ép từ cuộc sống làm dâu ấy vẫn đè nặng lên mẹ tôi mỗi khi gia đình có giỗ chạp, hoặc những dịp tụ họp hàng tuần.

Mẹ tôi đã từng kể câu chuyện khi mẹ tôi mang bầu 4 tháng, bà đã bê một rổ bát đĩa to gấp đôi bụng bầu của mình - từ trên cầu thang (rất cao, dốc và trơn) - để mang xuống bể nước của khu tập thể và hì hục ngồi rửa.

Không chỉ là trong lời kể của mẹ, đến bây giờ, trái tim tôi vẫn nhói lên mỗi khi nhớ đến hình ảnh mẹ mình lẻ loi trong những cuộc tiệc tùng của gia đình.

Mẹ đứng ngoài những cuộc nói chuyện của hội chị em nhà chồng và chỉ cặm cụi rửa bát. Trong một chuyến về quê, mẹ bị bỏ lại khi những bà cô khác rủ nhau đi ăn cháo lươn-ngay-trước-mặt-mẹ.

Hay một lần, mẹ tôi bị cả gia đình nhà nội quay lưng trong một cuộc cãi nhau căng thẳng với bố, dù người đúng và thiệt thòi là mẹ.

Và tôi vẫn còn nhớ những cái nhìn lạnh nhạt, những lời mai mỉa mà mẹ đã phải chịu đựng trong suốt quá trình hàng chục năm làm dâu, hay sự soi mói mỗi khi đứng bếp và cái thở dài của bà nội: "Làm thế mà cũng làm" - khi mẹ làm sai ý bà một món ăn trong bữa cỗ.

Các bà mẹ chồng giờ văn minh lắm, chả ai ghê gớm vô lí thế đâu! - Ảnh 1.

Có một bức tường giữa mẹ tôi và gia đình nhà chồng, mà đến tận bây giờ, khi nghĩ lại sức nặng của nó, tôi vẫn dành cho mẹ một sự khâm phục to lớn vì những gì bà đã trải qua, đã gồng gánh trên mình để nuôi tôi khôn lớn và gìn giữ gia đình này.

Câu chuyện của mẹ không chỉ để lại cho tôi một nỗi ám ảnh không nguôi về cái gọi là "gia đình nhà chồng", mà còn tạo cho tôi một lòng kiêu hãnh lớn hơn tất thảy mọi thứ khi nói về chuyện "phải làm dâu".

Nhiều năm sau đó khi tôi lớn lên, những câu chuyện mà tôi nhìn thấy, tôi đọc được về cách các bà mẹ chồng hành xử với nàng dâu càng củng cố cho nỗi ám ảnh ấy của bản thân mình.

Khái niệm "mẹ chồng" trở thành cái gì đó đồng nghĩa với sự xét nét, ghê gớm và vô lý, một nỗi ám ảnh và sợ hãi không tên với bất cứ đứa con gái nào khi bắt đầu tính đến chuyện lập gia đình.

Tất cả những điều đó càng khiến tôi không đồng tình với mọi lý thuyết của nhà bà nội tôi về một đứa con gái khi đi lấy chồng, và có cuộc sống gần như đi ngược lại mọi chuẩn mực của một cô con dâu ngoan trong mắt các bà, các cô.

Và khi tôi lớn lên, tiếp nhận đủ những thông tin và kiến thức về quyền lợi của một người phụ nữ trẻ trong cuộc sống hôn nhân - tôi lại càng kiên định hơn với những quan điểm của mình.

Cũng như giữ trong mình một sự cảnh giác rất bản năng mỗi khi nghĩ đến việc sẽ làm dâu một gia đình nào đó.

Dù vậy, tôi đã gặp một người khiến tôi thay đổi khá nhiều quan điểm của mình về cuộc sống với gia đình chồng. Một người khiến tôi có thể tự hào mỗi khi nhắc đến, khi kể về cuộc sống của mình.

Đó là mẹ chồng của tôi.

Nói đơn giản là thế này, trong một gia đình mà người mẹ chồng của tôi có thể làm việc để kiếm tiền xây cả một ngôi nhà lớn cho từng cậu con trai, trong khi vừa nấu một mâm cơm vĩ đại cho 3 người ăn với 6 món (tất cả đều ngon).

Chưa kể đến việc, mẹ chồng tôi có khả năng tìm thấy mọi vết bẩn ở bất cứ đâu trong nhà, dù là nó được giấu kín đáo đằng sau cái ghế sofa nặng trịch, nhưng đồng thời vẫn kiểm soát được lượng quần áo bẩn trong rổ giặt luôn giữ ở mức tối thiểu.

Mỗi khi nghĩ đến bà, tôi luôn cảm thấy sự cảm phục hiện hữu rõ trong trái tim mình.

Nhưng nếu chỉ nghe về bà trước khi thật sự gặp gỡ, có lẽ tôi sẽ thật sự hoang mang và thậm chí là nể sợ bà, bởi theo những câu chuyện của bạn bè về những "bà mẹ chồng" với khả năng quán xuyến từ chuyện đất đai đến bếp núc – trong phút chốc – tôi thấy mớ quan điểm của mình trở nên… vô nghĩa.

Thế nhưng, ngay từ đầu cuộc hành trình này, mọi nỗi lo sợ của tôi trở nên vô căn cứ khi tôi gặp bà. Mẹ chồng của tôi là một người phụ nữ hết sức hiện đại và văn minh.

Văn minh ở đây là gì, đó là bà hoàn toàn không có ý nghĩ rằng: Xuất hiện thêm đứa con dâu có nghĩa là nhà có người để dọn dẹp.

Nếu như tôi đã từng nghĩ rằng mình sẽ bị soi chết mất khi cầm cái chổi, hay coi việc rửa bát như một sứ mệnh thì không!

Mẹ chồng tôi coi mọi việc nhà đều là trách nhiệm của cả hai vợ chồng. Và sẽ không bao giờ có chuyện, con trai bà chỉ có việc về nhà, ăn cơm và ngồi xem TV cho đến giờ đi ngủ.

Các bà mẹ chồng giờ văn minh lắm, chả ai ghê gớm vô lí thế đâu! - Ảnh 2.

Có 1 việc rất nhỏ thôi nhưng tôi có thể cảm nhận được rõ nhất sự công bằng của mẹ chồng mình.

Dù là trước hay sau khi tôi về nhà này, mẹ chồng tôi đều rất rõ ràng trong việc: Nếu tôi nấu cơm (hoặc giúp bà nấu cơm) thì chồng tôi sẽ phải rửa bát.

Hoặc nếu tôi về muộn và không kịp cùng phụ bà chuẩn bị, tôi rửa và chồng tôi lĩnh phần tráng bát. Quan điểm của bà rất rõ ràng: Vợ chứ không phải người giúp việc!

Nếu lấy việc dọn dẹp, bếp núc ra để đánh giá một người vợ có tốt hay không - chẳng khác nào đi tìm một cô giúp việc và không phải trả tiền hàng tháng.

Điều tuyệt vời hơn việc mẹ chồng tôi không bắt tôi làm hết việc nhà, đấy là bà yêu thương tôi thật lòng – như một đứa con gái ruột.

Tôi vẫn nhớ, đó là sau 2 ngày tôi và chồng mình cãi nhau, tôi đã không kiềm được mà nói một câu gây hấn ngay trước mặt mẹ chồng (điều mà chúng tôi không bao giờ làm, dù cãi nhau to đến thế nào đi nữa).

Dĩ nhiên, chẳng cần phải đến câu nói ấy của tôi, mẹ chồng mới biết rằng chúng tôi đang cãi vã.

Bà im lặng và coi như không nghe thấy, nhưng liền sau đó khi chồng tôi đang tắm, bà đã khuyên tôi bình tĩnh lại và ngồi lắng nghe câu chuyện của chúng tôi.

Sáng hôm sau, khi bà đã đi vắng, chồng tôi chủ động xin lỗi tôi sau trận cãi vã – một cách chân thành. Và khi đó tôi hiểu rằng, người đã khiến chồng tôi ngoan ngoãn nhận thua chẳng phải ai khác, mà chính là mẹ.

Nhưng tất nhiên, không phải lúc nào, bà cũng đứng về phía tôi. Có một lần, bà đã giận tôi, một cách thật sự.

Tôi hoàn toàn không biết điều đấy cho đến khi bà nói rằng, bà đã rất thất vọng vì tôi, và điều làm bà buồn hơn cả - đó là bởi bà yêu thương tôi như con gái mình, và tình yêu ấy đôi khi còn lớn hơn cả tình cảm bà dành cho con trai của bà.

Giây phút ấy – cái giây phút bà nói về tình yêu thương bà dành cho tôi chứ không phải lời mắng nhiếc nào – đã khiến tôi ước rằng mình đã không làm bà đau lòng, và luôn nhắc tôi nhớ phải cư xử khác đi.

Tôi kể lại tất cả những điều này không nhằm mục đích nói rằng tôi là một đứa may mắn thế nào, hay mẹ chồng tôi tuyệt vời ra sao.

Bởi tôi biết chắc rằng, có đến hàng triệu bà mẹ chồng tuyệt vời như thế trong cuộc sống này.

Tôi đã đọc được những câu chuyện, những dòng tâm sự của các chị em thật hãnh diện khi kể về mẹ chồng của mình.

Những bà mẹ chồng hiện đại, với lối suy nghĩ và hành xử văn minh. Những bà mẹ chồng đặt hạnh phúc của con cái lên trên những xét nét hay tiêu chuẩn xưa cũ.

Những bà mẹ chồng tuyệt vời yêu thương họ như con đẻ, thông cảm với công việc bận rộn và luôn là người hỗ trợ tận tâm và nhiệt tình nhất mỗi khi các cô dâu trẻ bị cuốn đi với công việc, hay bị chính chồng mình… bắt nạt.

Những bà mẹ chồng trở thành người bạn thân, luôn sẵn sàng lắng nghe những đau khổ, những nỗi buồn của cô con dâu nhỏ và đưa ra những lời khuyên chân thành, ấm áp nhất.

Các bà mẹ chồng giờ văn minh lắm, chả ai ghê gớm vô lí thế đâu! - Ảnh 3.

Đó đều là những người đàn bà đã trải qua một cuộc hôn nhân với đầy những thăng trầm, đã mang theo những trải nghiệm xương máu về một đời sống gia đình trắc trở và sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng trở thành bến đỗ để vỗ về cho những cô con dâu hiện đại non nớt và đầy cái tôi.

Tôi đã nhìn thấy ở bạn bè mình, những người phụ nữ mỗi khi gặp đau khổ hay thậm chí là tan vỡ với chồng – vẫn có thể dựa vào mẹ chồng của mình để tâm sự, để thủ thỉ và để được tiếp thêm sức mạnh.

Những bà mẹ chồng hiện đại, họ đã khác rồi. Họ đã trải qua đủ những cay đắng, những oan ức trong đời sống làm dâu từ cách đây hàng chục năm.

Họ đã hiểu thấu những nỗi thiệt thòi, những ấm ức của các cô dâu mới. Họ đọc nhiều, xem nhiều, tiếp xúc nhiều với thế giới, lắng nghe những cảnh ngộ, những câu chuyện. Họ tiếp thu lối suy nghĩ và cách sống, cách cư xử văn minh và tử tế.

Họ đã quên đi những chuẩn mực khắt khe một thời đã từng khiến họ phải gồng mình chịu đựng.

Họ hiểu sự quan trọng của những lễ nghi hay tiêu chuẩn rườm rà ấy, nhưng không dùng nó như một thước đo phẩm chất của cô con dâu.

Họ biết rằng, đánh giá một con người không thể chỉ đánh giá qua việc cô ấy có thể rửa được bao nhiêu bát đĩa, nấu được bao nhiêu món hay có thể dọn nhà sạch mà không còn một hạt bụi hay không.

Các bà mẹ chồng giờ văn minh lắm, chả ai ghê gớm vô lí thế đâu! - Ảnh 4.

Những bà mẹ chồng hiện đại, họ nhìn thấu cái đúng và cái sai, tỉnh táo là "trọng tài" trong mọi cuộc tranh luận của con trai và con dâu mình.

Họ không mù quáng bênh vực con trai, không chỉ lắng nghe hay chiều chuộng vô điều kiện một phía.

Họ hiểu rằng, sự công bằng của mình chính là cách tốt nhất để chính con trai họ và gia đình của nó – được trọn vẹn, hạnh phúc và tốt đẹp hơn mỗi ngày.

Những bà mẹ chồng hiện đại, họ cảm thông với những nỗi cô đơn, những lo lắng của con dâu – bởi đơn giản, họ cũng từng có những cảm xúc như vậy.

Họ hiểu cho những lóng ngóng, hiểu cho những phút giây buồn tủi, họ ở đó như một người bạn lớn để chia sẻ, để lắng nghe và để cho lời khuyên.

Nhưng hơn hết, những bà mẹ chồng hiện đại, họ đã hiểu rằng: Chỉ có mở rộng trái tim, thật lòng yêu thương cái đứa con gái sẽ về làm dâu nhà mình – thì khi đó, cô gái ấy mới nuôi dưỡng một tình yêu chân thành với không chỉ con trai của bà, mà còn với gia đình của cậu ấy.

Và những gì chân thành nhất sẽ mang lại điều tuyệt vời nhất, khi từ tình yêu thì sự săn sóc, những quan tâm và ý thức hoàn thiện chính bản thân mình sẽ cùng đến, chứ chẳng cần một sự gượng ép hay dạy dỗ khắt khe nào đâu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại