Cá mặt quỷ: "Quái vật" có nọc độc khủng khiếp bậc nhất đại dương

Trang Ly |

Chỉ 20 giây sau khi nhiễm nọc độc của "quái vật đại dương" này, con người sẽ chết sau khi trải qua những cơn đau khủng khiếp chưa từng có.

Đại dương luôn là một thế giới tuyệt vời mà con người muốn khám phá đến tận cùng. Tuy nhiên, ẩn chứa trong những rạn san hô tuyệt đẹp, trong làn nước xanh thẳm tưởng chừng yên bình là những mối nguy hiểm chết người có thể "tiễn" con người chúng ta về cõi chết trong một giây bất cẩn.

Không chỉ có các sinh vật to lớn, sở hữu vẻ ngoài và sức mạnh có thể cắn nát con mồi trong chớp mắt như cá mật trắng và cá voi sát thủ, đại dương còn là nơi sinh sống của những sinh vật có nọc độc chết chóc nhất hành tinh.

Không phải rắn biển Belcher, cũng không phải sứa hộp (Box Jellyfish) có hàng trăm xúc tu chứa độc, "quái vật" sở hữu nọc độc khủng khiếp nhất đại dương chính là một loài cá. Và cái tên của nó cũng đủ gợi nên nỗi ám ảnh kinh hoàng: Cá mặt quỷ.

Cá mặt quỷ: Quái vật có nọc độc khủng khiếp bậc nhất đại dương - Ảnh 1.

Cá mặt quỷ - Sinh vật kỳ dị và đáng sợ bậc nhất của đại dương.

Fact File

Cá mặt quỷ

Tên khoa học: Synanceia

Tên gọi khác: Cá mang ếch, cá mao ếch, cá đá

Chỉ số cơ thể: Dài tối đa: 1 mét; Nặng tối đa: 1,5 kg.

Phân bố: Ven biển Ấn Độ - Thái Bình Dương, Vùng Caribe, Ngoài khơi Florida (Mỹ).

Những "vũ khí" đáng sợ nhất của "quái vật" khủng khiếp của đại dương

Là một trong những sinh vật có nọc độc khủng khiếp nhất đại dương, cá mặt quỷ sở hữu hàng loạt các loại "vũ khí" có thể khiến con người và nhiều động vật biển tử mạng trong thời gian cực kỳ ngắn.

Chưa phải chất độc mà cá mặt quỷ có thể tiết ra, "vũ khí" tự nhiên đầu tiên phải kể đến của loài sinh vật độc này chính là vẻ ngoài đáng sợ và dễ gây hiểu lầm của nó.

Với thân hình xù xì, màu sắc nâu đỏ loang lổ cùng khả năng bất động để săn mồi, người ta thường nhầm chúng với tảng đá vô tri vô giác. Đó là lý do vì sao, nhiều nhà khoa học nhận định, tạo hóa đã tặng cho cá mặt quỷ khả năng "ngụy trang" đỉnh cao trong môi trường chúng sinh sống.

Nhưng đó chưa phải là điều đáng sợ nhất của cá mặt quỷ. Với 13 cái gai mọc tua tủa tập trung nhiều nhất tại sống lưng và chứa độc, kẻ thù to lớn của cá mặt quỷ rất khó tiếp cận chúng và cũng khó mà nuốt chửng chúng vào bụng.

Không chỉ sắc nhọn, những cái gai này còn là những chiếc kim bơm độc vào đối phương bất cứ khi nào chúng cảm thấy nguy hiểm. Lượng nọc độc nhiều hay ít tỉ lệ thuận với "cảm giác" bị đe dọa nhiều hay ít mà cá mặt quỷ nhận thấy.

13 chiếc gai độc mang theo sự đen đủi chết người này vẫn có thể phát huy tác dụng gây độc ngay cả khi cá mặt quỷ đã chết trước đó vài ngày.

Cá mặt quỷ: Quái vật có nọc độc khủng khiếp bậc nhất đại dương - Ảnh 3.

13 cái gai độc của cá mặt quỷ thể hiện cho sự đen đủi chết chóc.

Khi nọc độc được bơm vào cơ thể người, chúng lập tức phát huy tác dụng. Sau 10 giây, nọc độc chứa độc tố thần kinh sẽ đi thẳng đến hệ thệ thần kinh, hệ cơ vận động và hệ cơ trơn của tim, khiến cho toàn thân chúng ta tê liệt tức thì, nhịp tim cùng nhịp thở và huyết áp rối loạn hoàn toàn.

Theo các nhà sinh vật học, nọc độc của cá mặt quỷ khiến cho con người cảm thấy "những nỗi đau khủng khiếp chưa từng được biết đến".

Chất độc tiếp tục phát tác dụng trong vòng 20 giây tiếp theo, nếu không được can thiệp y tế kịp thời, người bị nhiễm độc sẽ chết vì suy tim, suy hô hấp và tê liệt.

Để không phải chịu những cơn đau đớn tột cùng và khả năng tính mạng bị đe dọa, người đi biển cần trang bị đầy đủ đồ an toàn. Vì cá mặt quỷ không cố ý tấn công con người nên "cẩn thận" luôn là điều chúng ta nên đặt lên hàng đầu mỗi khi xuống biển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại