Buýt đường sông tại TPHCM: Đi chơi thì ổn - đi làm thì bất tiện

MINH QUÂN |

Cơ sở để ra đời dự án buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) là vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy nội địa, nhằm giảm áp lực vận tải đường bộ, giảm kẹt xe, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách của người dân. Tuy nhiên, sau gần một tháng đi vào hoạt động, tuyến buýt này hiện chỉ chở khoảng 1.000 khách/ngày – quá ít để giảm tải cho đường bộ và người đi chủ yếu là khách du lịch đi một lần cho biết chứ không phải người thường xuyên đi làm.

Đi 1 giờ, chờ 3 tiếng

9h sáng 14.12, chúng tôi có mặt tại bến Bạch Đằng (Q.1) để đi buýt sông về Linh Trung (Q.Thủ Đức).

Hàng trăm hành khách khác có mặt ở khu vực này nhưng không mua được vé đành thất vọng ra về.

Theo nhân viên bán vé, hiện vé các chuyến buổi sáng đã bán hết, hành khách muốn đi thì phải đợi tới chuyến 14h30 hoặc có thể mua vé trước để đi những chuyến… sáng hôm sau.

“Nói là buýt sông mà muốn đi phải đặt vé trước và chỉ có vài chuyến một ngày còn gì là buýt sông. Tôi từ Gò Vấp lên đây tưởng mua vé dễ dàng như xe buýt, giờ không có vé phải ra về, coi như mất buổi sáng” - ông Lầm (65 tuổi) tỏ ra thất vọng.

Do mua vé từ ngày hôm trước nên chúng tôi được lên tàu trải nghiệm buýt sông. Tàu xuất phát lúc 9h30, khách trên tàu chủ yếu là người lớn tuổi, đã nghỉ hưu chứ không phải là sinh viên hoặc người đi làm.

Họ đi buýt sông vì tò mò, muốn được trải nghiệm hình thức di chuyển bằng đường sông giữa lòng phố thị.

Ngồi sát cửa sổ, bà Nguyễn Thị Lan (65 tuổi, quận 8) cho hay, bà đọc thông tin báo chí nên tò mò muốn khám phá tuyến buýt sông và cho biết thích thú khi có mô hình này trên sông Sài Gòn.

“Cảm giác đi buýt sông mang nhiều điều mới lạ, thú vị khi được hòa mình trong thiên nhiên mát mẻ, di chuyển êm, không gặp cảnh “kẹt xe” đầy khói bụi lại được nhìn khu vực mình ở từ bờ sông và tàu ghe qua lại trên sông” - bà Lan hồ hởi nói.

Dọc bến giữa hành trình, tàu dừng 3 lần với thời gian 3-5 phút tại các bến để đón, trả khách. Tàu đến bến Linh Đông (Q.Thủ Đức) khoảng 10h15. Như vậy, tổng thời gian di chuyển hết khoảng 45 phút cho chiều dài toàn tuyến hơn 10km.

Tuy nhiên từ bến Linh Đông, khách muốn quay lại bến Bạch Đằng bằng buýt sông thì phải đợi đến 13h.

Điều này gây không ít bất tiện cho hành khách, trong khi tại bến Linh Đông cũng rất ít các dịch vụ để hành khách giải trí trong lúc chờ tàu nên hầu hết đều đón xe buýt, taxi hoặc xe ôm để về quận 1.

Để so sánh với thời gian di chuyển với buýt thường, chiều cùng ngày, chúng tôi đón xe buýt số 19 từ Q.Thủ Đức đi Q.1.

Dù cùng quãng đường di chuyển, nhưng đi buýt thường thời gian chỉ mất 25 phút, mặc dù trên đường đi, xe buýt dừng đón trả khách ở 10 trạm và dừng 15 lần chờ đèn đỏ.

Xét về bài toán kinh tế, việc di chuyển 1 chuyến cả đi lẫn về bằng buýt sông trong một ngày sẽ “tiêu tốn” của hành khách 30.000 đồng, trong 1 tháng sẽ “tiêu” hết 900.000 đồng.

Trong khi đó, nếu đi xe buýt, người dân chỉ mất từ 112.500 - 135.000 đồng/1 tập 30 vé. “Buýt thường vừa nhanh hơn, nhiều chuyến hơn và giá vé rẻ hơn buýt sông.

Nếu đi du lịch (không thường xuyên) thì được nhưng nếu đi buýt sông hằng ngày vì công việc sẽ không ổn” - anh Trần Văn Bình (Q.Thủ Đức) phân tích.

Cần thêm nhiều tàu buýt sông

Theo thống kê của Công ty Thường Nhật, thời gian qua trung bình mỗi ngày buýt sông phục vụ gần 1.000 khách. Nếu so sánh với gần 7,5 triệu xe máy và hơn 650.000 xe ôtô của toàn thành phố hiện nay thì số người đi buýt sông chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Trong khi đó, đa phần người dân đi thử một lần cho biết, còn lượng khách đi theo lộ trình tuyến thường xuyên để đi làm, công tác thay cho phương tiện đường bộ vẫn chưa nhiều.

Vì vậy, chủ đầu tư cần đánh giá xem lượng khách hàng thực thụ của buýt sông là bao nhiêu, từ đó bố trí thời gian, số lượng vé, số lượng tàu cho phù hợp.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt - nếu đã xác định buýt sông là vận tải hành khách công cộng thì chưa đạt do kết nối giao thông còn kém.

Các tuyến xe buýt kết nối buýt sông hiện chỉ chạy trên các đường lớn, người dân trong các đường nhỏ muốn đi buýt sông buộc phải đi xe máy tới bến tàu rồi gửi.

Nhưng một khi người dân đã đi xe máy thì không việc gì người ta phải gửi xe rồi đi buýt sông. Trong khi nếu buýt sông phục vụ khách du lịch thì cũng không đạt do các bến lên xuống không có gì hấp dẫn, cảnh quan dọc sông cũng khá đơn điệu.

Theo ông Mỹ, nếu không rạch ròi các tiêu chí để vận hành, phát triển tương thích tuyến buýt sông số 1 sẽ khó thu hút khách về lâu dài, đặc biệt là hành khách thường xuyên đi học hoặc đi làm.

“Muốn duy trì và phát triển lâu dài tuyến buýt sông, ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng, trước hết dự án phải làm tốt vai trò ban đầu là vận tải hành khách, chính quyền hỗ trợ phát triển du lịch hai bờ sông, nếu không sẽ xảy ra tình trạng người dân được miễn phí vé hoặc đi trải nghiệm một lần nhưng lần sau không mặn mà đi lại” - ông Mỹ nói.

Theo ông Phan Công Bằng - Trưởng phòng Quản lý giao thông thủy (Sở GTVT TPHCM) - do tuyến buýt đường sông mới đưa vào khai thác nên nhu cầu trải nghiệm của người dân cao hơn nhiều lần khả năng cung cấp của chủ đầu tư.

Sở GTVT và chủ đầu tư cần có thời gian theo dõi, đánh giá nhu cầu thực sự của khách hàng. Đồng thời, phải tính toán lại khả năng tài chính của chủ đầu tư chứ không thể tăng số lượng tàu lên ngay được.

Tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) có chiều dài 10,8km từ bến Bạch Đằng (Q.1) đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông (Thủ Đức).

Sau 10 ngày miễn phí, từ ngày 5.12, chủ đầu tư bắt đầu bán vé 15.000 đồng/người, hành trình mỗi chuyến khoảng 1 giờ qua 5 điểm đón trả khách.

Theo kế hoạch, tuyến buýt sông số 1 có 5 tàu, mỗi tàu 75 hành khách. Hiện, chỉ mới đưa vào hoạt động 3 tàu, trong đó có 2 chiếc chạy thường xuyên, 1 chiếc dự phòng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại