Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 1/9/2016, đã xóa bỏ vấn nạn quay vòng hàng hóa vào Khu Kinh tế - Thương mại (KTTM) Lao Bảo để "hút bầu vú ngân sách" từ chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng.
Song cuộc chiến chống buôn lậu trên tuyến biên giới này cũng như cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng cấm ở khu vực nội thành và vùng ven tỉnh Quảng Trị vẫn còn lắm gian nan, nhất là vào thời điểm áp Tết Mậu Tuất này.
BUÔN LẬU BẰNG MA NƠ CANH
Từ TP Đông Hà ngược lên con đường số 9, cảnh xe cộ không còn tấp nập như trước. Cán bộ Cục Hải quan Quảng Trị Lê Mai Anh giải thích, nhờ luật thuế trên, tình trạng xe cộ tấp nập chở hàng hóa vào ra Khu KTTM Lao Bảo để "hút bầu vú ngân sách" như trước đây đã không còn.
Nhưng vẫn có nhiều ngày trong tuần, xe cộ trên con đường này rất đông đúc, tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng lậu từ tuyến biên giới về nội địa không hề giảm.
Vào vai là những người đi mua chuối, chúng tôi đã "lọt" vào được bến đò Duy Tân ở thị trấn biên ải Lao Bảo. Người dẫn đường bảo, phải đợi đến sau nửa đêm, hàng lậu tập kết sẵn ở bờ sông Sê Pôn phía Lào mới được vận chuyển bằng đò về bên này tập kết, nhưng địa điểm thường không cố định.
Kiên trì chờ đợi đến 12h45 mới thấy bờ sông Sê Pôn phía Lào xuất hiện một nhóm người. Dưới ánh trăng mờ đục, bóng họ như thoi đưa. Người dẫn đường rỉ tai: "Họ đang chất hàng lên thuyền".
Hơn 30 phút sau, con thuyền di chuyển, mũi thuyền hướng sang phía bờ sông bên này. Nhưng lúc con thuyền ra đến đoạn gần giữa dòng sông, phía trên gần đó, một con thuyền khác bất ngờ nổ máy, rẽ nước tiến đến.
Trong bóng đêm, chúng tôi phát hiện 2 con thuyền có vài giây "chạm mặt nhau", rồi con thuyền chở hàng kia nhanh chóng quay mũi vào lại bờ. Người dẫn đường kéo áo chúng tôi ra khỏi bụi cây rậm: "Lộ rồi, thoát nhanh!".
Về thủ đoạn vận chuyển, buôn bán hàng lậu hiện nay ở tuyến biên giới Lao Bảo, Phó Cục trưởng Hải quan Quảng Trị Hồ Sĩ Trị cho hay, xưa nay khu vực cánh gà Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo dọc theo tuyến sông Sê Pôn vẫn là điểm trung chuyển hàng hóa trái phép từ Lào về Việt Nam.
Các đối tượng buôn lậu tập kết hàng hóa ở Lào sát bờ sông Sê Pôn rồi lợi dụng đêm tối, địa hình sông nước, rừng núi hai bên bờ sông hiểm trở để vận chuyển hàng hóa đó sang bên này. Sau đó, chúng nhanh chóng chất lên các loại phương tiện vận tải chờ sẵn, với thủ đoạn cất giấu ở tất cả các ngõ ngách khó tìm, khó phát hiện, thậm chí gia cố hầm hào trên tất cả các loại xe để cất giấu chúng.
Các mặt hàng lậu vẫn chủ yếu đường kính Thái Lan, bia, rượu, thuốc lá, mỹ phẩm và các mặt hàng điện tử ngoại. Mới đây, lực lượng CSGT Trạm Đakrông (đóng trên QL9 thuộc xã Hướng Hiệp, huyện miền núi Đakrông) thuộc Phòng CSGT Công an Quảng Trị đã phát hiện, bắt giữ một vụ vận chuyển hàng lậu với phương thức thủ đoạn rất mới.
Lái xe Chu Đức Anh (32 tuổi, xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, TP. Hải Phòng) cùng 3 đối tượng Phạm Thị Mai, Đoàn Thị Tuyết, Đoàn Thị Minh, cùng trú Hải Phòng đã cất giấu, vận chuyển số lượng lớn hàng lậu trên xe khách BKS 15B-01135 đi từ Lao Bảo về.
Chúng dùng nhiều ma nơ canh, choàng áo khoác lên các ma nơ canh đó rồi đặt chúng vào ghế hành khách y hệt như có khách ngồi trên xe để qua mặt các lực lượng chức năng. Qua khám xét, lực lượng CSGT Trạm Đakrông đã phát hiện 2.000 chai rượu và bia ngoại, 1.800 gói thuốc lá ngoại với tổng trị giá khoảng 500 triệu đồng.
Ông Hồ Sĩ Trị bày tỏ lo ngại, so với năm 2016, năm 2017 hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa lậu qua địa bàn đã được kiềm chế rất đáng kể. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là trong dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Theo thông lệ, cứ vào dịp này một số mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết như đường, bia, rượu, thuốc lá… có xu hướng tăng cao. Các đối tượng buôn bán, vận chuyển hàng lậu sẽ tìm mọi thủ đoạn để đưa hàng hóa thẩm lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bên cạnh vấn nạn hàng lậu, Quảng Trị hiện vẫn còn phải đối mặt với vấn nạn hàng giả, hàng nhái rất nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Quảng Trị, tại những địa điểm như chợ Đông Hà, tuyến QL1A từ Ngã Tư Sòng, xã Cam An, huyện Cam Lộ đến Dốc Miếu, xã Gio Phong, huyện Gio Linh và tại Trung tâm Thương mại Lao Bảo, tỷ lệ các cơ sở kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm, áo quần, đồ điện - điện tử làm giả nhãn mác, nhãn hiệu Thái Lan, vi phạm sở hữu trí tuệ hiện vẫn còn chiếm từ 5 - 10%. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế con số đó cao hơn nhiều lần.
TĂNG CƯỜNG CHỐNG BUÔN LẬU DỊP TẾT
Vào thời điểm cuối năm, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới Việt-Lào, nơi tiếp giáp với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo càng trở nên sôi động, đặc biệt là các hoạt động vận chuyển, buôn bán một số mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết như đường, bia, rượu, thuốc lá...
Vì vậy, các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Công an đã tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát dọc tuyến sông Sê Pôn, các đường mòn, lối mở hai bên cánh gà cửa khẩu và dọc Quốc lộ 9.
Đồng thời đẩy mạnh việc nắm bắt thông tin, rà soát đối tượng, kiểm soát các địa bàn trọng điểm để kịp thời ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, chất ma túy qua biên giới.
Thượng tá Tạ Quang Hậu, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, cho biết: "Để thực hiện tốt công tác đấu tranh với hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép, đặc biệt là các loại ma túy, đơn vị đã xây dựng các kế hoạch chuyên đề, quyết tâm không để hình thành các đường dây, ổ nhóm buôn lậu trên khu vực biên giới; chủ động kiểm tra, phát hiện và xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm.
Trước sự tấn công quyết liệt của các lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, hình thành nhiều đường dây buôn lậu quy mô lớn, được tổ chức chặt chẽ có sự tham gia của nhiều thành phần, đối tượng trong và ngoài nước.
Thực tế này khiến cho cuộc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới trở nên cam go hơn bao giờ hết.