Bức tranh "nữ nhi quốc" đáng buồn ở Syria sau 7 năm chiến tranh bom đạn tàn khốc

Tất Đạt |

Sau 7 năm giao tranh, phụ nữ đã chiếm phần đông dân số ở Syria. Đây là hiện thực đáng buồn và cũng mở ra cơ hội mới cho những người dân đất nước này.

Khi đi dạo quanh khắp các đường phố thủ đô Syria, qua các cửa hàng quần áo và trường đại học, người ngoài sẽ không khỏi ngạc nhiên và tự đặt ra câu hỏi: tại sao không thấy bóng dáng người đàn ông Syria nào?

Trước khi cuộc chiến 7 năm nổ ra tại đất nước này, rất hiếm khi người ta có thể bắt gặp phụ nữ lái taxi hoặc phục vụ đồ uống trong các quán cà phê - những công việc từ trước tới nay chỉ có nam giới làm.

Nhưng ngày nay, phụ nữ Syria đang ngày càng "tiếp quản" nhiều nghề nghiệp mới, chiếm số đông cả trong các trường đại học và trên những công trường.

Có nhiều nguyên nhân đằng sau vấn đề này. Theo Middle East Eye, hàng triệu nam giới Syria đã rời khỏi đất nước để tránh nhập ngũ hoặc để theo đuổi ước mơ sống ở nước ngoài. Những người khác - bất kể thuộc phe nào trong cuộc chiến - đã ngã xuống. Có những người tình nguyện chiến đấu, có những người không còn lựa chọn nào khác ngoài chiến đấu.

Bức tranh nữ nhi quốc đáng buồn ở Syria sau 7 năm chiến tranh bom đạn tàn khốc - Ảnh 1.

Một khu chợ ở Damascus. Ảnh: MEE/Maher al-Mounes

Hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng trong chiến tranh Syria - phần đông trong số họ là nam giới.

Trong nhiều năm, cư dân tại thủ đô Damascus hiếm khi rời khỏi nhà vì sợ trở thành nạn nhân của những đợt ném bom của phe nổi dậy nhằm vào khu dân cư.

Hiện tại, mối đe dọa này không còn nữa bởi các vùng trọng điểm đã trở lại dưới quyền kiểm soát của chính phủ.

Tuy nhiên, theo các báo cáo, vẫn có những nam giới tránh xuất hiện ở nơi công cộng để không bị gọi nhập ngũ.

Vai trò mới

Trước chiến tranh, tỉ lệ nam nữ ở Syria gần như tương đương. Hiện tại, tổ chức phi chính phủ có tên Ủy ban Gia đình Syria thống kê tỉ lệ này chỉ còn 1 nam: 7 nữ.

Tuy nhiên, các số liệu chính phủ lại cho thấy một bức tranh hơi khác biệt. Theo Tishreen, một tờ báo nhà nước, nếu không tính các chiến binh và người di cư thì nữ giới Syria chiếm 65% và nam giới chiếm 35% dân số đất nước.

Trong bộ đồ truyền thống màu đen, nữ tài xế taxi 40 tuổi Jamila Ashkar vừa lái vừa kể: "Chồng tôi hi sinh trong cuộc chiến. Tôi mất nhà và rất cần tiền nuôi các con. Sau đó tôi quyết định lái taxi của chồng để kiếm sống."

Bức tranh nữ nhi quốc đáng buồn ở Syria sau 7 năm chiến tranh bom đạn tàn khốc - Ảnh 2.

Một khu nghĩa trang ở Damascus. Ảnh: MEE/Maher al-Mounes

Nhiều hành khách tỏ ra ngạc nhiên khi biết tài xế là nữ giới. Nhưng cô Ashkar cho rằng việc này chẳng có gì lạ lẫm trong xã hội Syria ngày nay. Nữ tài xế cho biết cô còn phải cứng rắn hơn trước các đồng nghiệp nam giới trước khi họ có ý định quấy rối hoặc chế nhạo cô.

Quyết tâm kiếm tiền để nuôi 3 con đã giúp cô vượt qua những ánh mắt soi xét của người ngoài.

"Chẳng có gì đáng xấu hổ khi lao động," Ashkar nói.

"Nữ nhi quốc"

Trong một thị trấn nhỏ ở tỉnh ven biển Tartous - cách Damascus vài giờ đồng hồ đi xe về phía bắc, bức hình những người đàn ông thiệt mạng trong chiến tranh được dán trên khắp các bức tường.

Cùng với đó cũng có bức hình của những người mất tích, với những dòng chữ bên dưới như "Cầu Chúa giúp anh ấy trở về an toàn".

Bức tranh nữ nhi quốc đáng buồn ở Syria sau 7 năm chiến tranh bom đạn tàn khốc - Ảnh 3.

Ảnh những người hi sinh được dán trên tường. Ảnh: MEE/Maher al-Mounes

Mỗi ngày, khi Alia đến cánh đồng trồng ô liu, cô nhìn thấy hình ảnh của những người bạn cũ treo trên tường. Bây giờ chỉ còn các bạn nữ của cô ở lại.

"Tôi sợ tôi sẽ độc thân đến cuối đời, chẳng còn người đàn ông nào ở đây cả. Tôi sẽ cưới ai cơ chứ?" nữ sinh đại học 23 tuổi băn khoăn.

Trong những ngày đầu cuộc chiến, khi phe nổi dậy bắt đầu tiến quân mạnh mẽ, nhiều người dân trung thành với tổng thống Bashar al-Assad lo ngại rằng các chiến binh đối lập sẽ tấn công vào các ngôi làng.

Sau đó, hàng loạt nam giới quyết định tham gia vào lực lượng của chính phủ để chiến đấu, trong khi những người khác buộc phải nhập ngũ theo quy định.

Tình cảnh ở những vùng bị quân nổi dậy kiểm soát cũng không hề khả quan hơn: khi chiến tranh kéo dài, chiến đấu không chỉ là vì lí tưởng, mà còn là công việc thiết yếu để kiếm sống.

Alia và nhóm bạn nữ ở Sheikh Badr lo lắng sẽ không tìm được bạn đời. Phụ nữ dần làm hết các công việc của nam giới và họ đùa với nhau rằng họ cảm tưởng như đã trở thành đàn ông.

Alia nói cô chưa tỉa lông mày trong một thời gian dài.

"Tại sao tôi phải trang điểm cơ chứ? Có ai ngắm tôi đâu. Những bức tranh là thứ duy nhất còn ở lại," cô nói.

Những nam giới hiếm hoi

Chỉ có 3 nam giới theo học tại Đại học Damascus.

"Đây là kỷ nguyên của phụ nữ ở Syria. Không chỉ ở chỗ làm, mà còn ở trường học," Mirella Ahmad, một sinh viên 27 tuổi, cho biết.

Số liệu tại trường đại học Damascus cho thấy ngoại trừ khoa dược, số nữ sinh viên đều vượt số nam sinh viên.

Ahmad chỉ vào tay mình và tay các bạn nữ ngồi cạnh: "Không ai đeo nhẫn và không bàn tay nào được nắm bởi nam giới cả".

Bức tranh nữ nhi quốc đáng buồn ở Syria sau 7 năm chiến tranh bom đạn tàn khốc - Ảnh 5.

Giảng đường đại học Syria - nơi nữ giới chiếm đa số. Ảnh: MEE/Maher al-Mounes

Tuy nhiên, nhìn về hướng tích cực, nhiều phụ nữ Syria cho rằng tình trạng hiện nay đã cho họ cơ hội để chứng tỏ năng lực bản thân, đuổi kịp với những đồng nghiệp nam giới.

Catherine là một trong những người như vậy. Trong 5 năm qua cô đã làm thợ chụp ảnh, cung cấp tư liệu cho một hãng truyền thông thế giới.

Trước đây, báo chí cũng là một trong những ngành nam giới chiếm số lượng "áp đảo".

Catherine nói: "Tôi thích mặc đồ như nam giới. Đây là cơ hội để tôi thể hiện hết khả năng của mình. Tôi nghĩ tình cảnh hiện tại có những mặt tích cực đối với tôi và nhiều phụ nữ khác."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại