3 bài học Nga muốn nhắc Mỹ tại chiến trường Syria

Hoàng Lê |

Trong đó, Nga cho rằng sự xâm lược và các tiêu chuẩn kép của Mỹ sẽ không phải là chìa khóa giải quyết vấn đề Syria.

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã xác nhận vòng đàm phán hòa bình Syria tiếp theo sẽ diễn ra trong tháng này, thúc đẩy một bước tiến lớn cho tiến trình chính trị lâu dài giải quyết cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này.

Dù quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad với hỗ trợ của Nga đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn các vùng lãnh thổ từ tay các nhóm đối lập và khủng bố, song thực tế vẫn luôn tồn tại những thách thức lớn để thúc đẩy thành công giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng và xung đột đã bước sang năm thứ 8 tại Syria.

Chỉ mới đây, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã công khai rằng Mỹ sẽ tiếp tục triển khai các lực lượng tại Syria để đối phó với sự hiện diện của quân đội Iran tại chiến trường này. Đề cập những cách tiếp cận của Nga và Mỹ trong tiến trình hòa bình tại Syria, Chủ tịch Nhóm Hợp tác và Hữu nghị giữa Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) và Quốc hội Syria, nghị sĩ Dmitry Sablin khẳng định đối thoại và hợp tác chân thành chứ không phải là hành động xâm lược và những tiêu chuẩn kép, mới là chìa khóa giải quyết cuộc nội chiến Syria.

Trả lời Sputnik, ông Dmitry Sablin cũng nêu rõ 3 bài học lớn mà Mỹ cần để xây dựng hòa bình tại Syria.

Bài học thứ 1: Giải pháp quân sự có thể là không đủ

Bài học nhãn tiền và đơn giản nhất với Mỹ đó chính là tiến trình xây dựng hòa bình Syria không thể thực hiện với chỉ riêng giải pháp quân sự.

Theo ông Dmitry Sablin, người vừa có chuyến thăm Syria lần thứ 18, phía Nga đang thúc đẩy hợp tác chính trị-xã hội ở nhiều cấp độ với Syria, cũng như tăng cường cung cấp viện trợ nhân đạo cho Syria ở giai đoạn này.

“Điều thực sự cần thiết là chiến thắng quân sự đạt được bởi chính các lực lượng Syria, với hỗ trợ từ Không quân Nga. Phát triển quan hệ song phương là mục tiêu quan trọng giữa chính phủ Nga và Syria. Phái đoàn Quốc hội Nga tới Syria để thúc đẩy thêm mối quan hệ song phương”, nghị sĩ Sablin nhấn mạnh.

Một mục tiêu lớn trong chuyến thăm mới nhất của nghị sĩ Sablin tới Syria là đàm phán lộ trình triển khai thỏa thuận hợp tác giữa đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất với đảng cầm quyền Syria Ba’ath, tiến tới tiến trình hòa bình cho quốc gia Trung Đông này. Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tiếp ông Sablin trong chuyến thăm này và nhấn mạnh sự hiệu quả trong hợp tác giữa 2 bên.

Trong chuyến thăm Syria, phái đoàn nghị sĩ Nga cũng gặp mặt nhà các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Syria.

Và cuối cùng, ông Sablin có cuộc gặp Đệ nhất phu nhân Syria Asma al-Assad để thảo luận kế hoạch phân phối hàng viện trợ nhân đạo thông qua các tổ chức phi chính phủ của Nga tại Syria. Theo nghị sĩ Sablin, giữa Nga và Mỹ có những khác biệt lớn trong cách tiếp cận tại Syria.

“Trong chiến dịch chống IS, Mỹ thường xuyên lờ đi vấn đề nhân đạo và có những vụ ném bom vào các mục tiêu là cơ sở hạ tầng dân sự. Theo đó, để lại hậu quả lớn cho người khác giải quyết”, ông Sablin nói.

Hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạm ngừng khoản viện trợ nhân đạo 200 triệu USD cho Syria và khoản viện trợ này cũng chỉ tập trung vào những khu vực nằm trong tầm kiểm soát của các lực lượng đối lập Syria được Mỹ hậu thuẫn.

Đó là chưa kể đến, việc Mỹ thông qua các kênh không hiệu quả để phân phối viện trợ nhân đạo, như tổ chức White Helmets (tạm dịch: Mũ bảo hiểm trắng), vốn thường xuyên công bố những thông tin về các vụ tấn công giả nhằm vào dân thường để đổ tội cho quân đội chính phủ Syria.

Bài học thứ 2: Muốn kết thúc xung đột hãy từ bỏ chính sách giả tạo

Nhiều ý kiến quan sát quốc tế chứ không chỉ riêng tại Nga cho rằng, rào cản với nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt cuộc nội chiến Syria chính là những “tiêu chuẩn kép” của Mỹ, vốn luôn được Washington viện dẫn lý do là chống chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.

Mỹ đến Syria với lý do chính là chống khủng bố, tuy nhiên, không ít vũ khí Mỹ hỗ trợ cho các lực lượng phiến quân mà Washington cho là ôn hòa lại rơi vào tay các nhóm khủng bố.

“Khi chính phủ Mỹ nói về việc tiêu diệt các tên trùm khủng bố hay chiến thắng tại chiến trường nào đó tại Syria, tôi luôn hoài nghi liệu những điều này có thực sự đóng góp cho cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố hay không”, ông Sablin nói.

Rất nhiều ý kiến đồng tình với ông Sablin rằng, nếu Mỹ thực sự chiến đấu chống khủng bố, nước này từ lâu đã phải ngăn cản vũ khí và đạn dược tuồn vào Syria.

“Trên khắp các mặt trận ở chiến trường Syria, Mỹ đã hỗ trợ rất nhiều lực lượng đối lập để đánh bại IS và Mặt trận al-Nusra (hiện là Tahrir al-Sham). Và cuối cùng thì vũ khí của Mỹ lại rơi vào tay các nhóm khủng bố”, Sputnik dẫn lời ông Sablin.

Phía Nga đưa quân đội tới Syria theo đề nghị từ chính quyền Tổng thống al-Assad. Với hỗ trợ từ các chiến dịch không kích của Nga, quân đội Syria xoay chuyển tình thế tại nhiều mặt trận và giành chiến thắng thực sự.

Bên cạnh hỗ trợ không kích, Nga chính là bên dàn xếp các thỏa thuận ngừng bắn hay sơ tán với các lực lượng đối lập Syria từ Đông Ghouta tới trận địa mới nhất hiện nay ở Deraa.

Ngay cả cuộc đàm phán hòa bình Syria do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran dàn xếp cũng thể hiện nỗ lực đưa tất cả các bên tại Syria ngồi vào bàn thảo luận một giải pháp chấm dứt nội chiến. Các vòng đàm phán diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan được Liên Hợp Quốc hoan nghênh, coi là một phần hỗ trợ cho nỗ lực hòa bình của Liên Hợp Quốc với Syria.

Bài học thứ 3: Hành động xâm lược đơn phương sẽ phản tác dụng

Chính sách đơn phương của Mỹ và các đồng minh thân cận nhất không giúp giải quyết nội chiến Syria, cũng không buộc được Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi, vốn là mục tiêu Mỹ và các đồng minh phương Tây tìm kiếm lâu nay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khó có thể hiện thực hóa trong tương lai gần những gì mình đã tuyên bố về việc rút quân khỏi chiến trường Syria. Trong tháng Tư, Tổng thống Mỹ đã nhiều lần nhắc tới tuyên bố sớm rút khỏi Syria.

Tuy nhiên, khi đó, không có một lời xác nhận nào từ Nhà Trắng hay Lầu Năm Góc. Trong tuyên bố mới nhất, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã công khai rằng Mỹ sẽ tiếp tục triển khai các lực lượng tại Syria để đối phó với sự hiện diện của quân đội Iran tại chiến trường này.

Tuy nhiên, cục diện chiến trường Syria đã thay đổi khi quân đội của Tổng thống al-Assad với hỗ trợ của Nga liên tiếp giành được những chiến thắng quan trọng. Với Syria hiện nay, nỗ lực tái thiết đất nước và hỗ trợ nhân đạo người dân sẽ là nền tảng cho tiến trình hòa bình lâu dài tiếp theo.

Theo đó, tình hình nhân đạo Syria sẽ còn cải thiện thuận lợi hơn nếu các lực lượng đang có mặt trái phép tại Syria rút đi.

Một tuyên bố của Lầu Năm Góc nói rằng quân đội Mỹ hiện diện hợp pháp tại Syria theo sự ủy nhiệm của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã bị Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phản bác là “lố bịch”.

Phía Nga đồng thời khẳng định, Moscow luôn để mở đối thoại xây dựng và hợp tác, trong khi các hành động đơn phương của Washington không phải là chìa khóa để giải quyết thành công cuộc xung đột Syria./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại