Sáu ứng cử viên mới sẽ chính thức trở thành thành viên BRICS – cùng với Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – vào ngày 1/1/2024, hãng tin Reuters đưa tin.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 ở Johannesburg rằng: “Việc mở rộng thành viên này mang tính lịch sử. Nó thể hiện quyết tâm của các nước BRICS trong việc thống nhất và hợp tác với các nước đang phát triển ở tầm rộng lớn hơn”.
Mong muốn chung của nhiều thành viên khối là làm sao tạo ra sự cân bằng trên một sân chơi kinh tế toàn cầu mà họ cảm thấy đang quá phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ (USD).
Sáu thành viên mới của khối BRICS đã tạo thêm động lực thú vị cho khối này. Hầu hết các thành viên mới của BRICS đều là đồng minh hoặc đối tác thương mại thân thiết với các thành viên hiện tại trong khối.
Ví dụ, UAE đã ký một thỏa thuận thương mại song phương với Ấn Độ, trong đó hai nước sẽ giao dịch dầu và các tài sản khác bằng đồng nội tệ của họ chứ không phải bằng đồng đô la Mỹ (USD). Cường quốc dầu mỏ Ả-rập Xê-út cũng đang tìm cách nới lỏng sự kiểm soát của Mỹ đối với ngành năng lượng toàn cầu.
Trong khi đó, Brazil từ lâu đã kêu gọi sự tham gia của nước láng giềng Argentina, Ai Cập có mối liên hệ thương mại chặt chẽ với Nga và Ấn Độ, còn Iran chia sẻ chung các vấn đề của Nga liên quan đến những biện pháp trừng phạt và sự cô lập ngoại giao do Mỹ dẫn đầu.
Theo các quan chức Nam Phi, hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập khối. Khi công bố sáu thành viên mới, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa ám chỉ về việc mở rộng hơn nữa và nói: “Chúng tôi có sự đồng thuận về giai đoạn đầu của quá trình mở rộng này và các giai đoạn khác sẽ tiếp theo đó”.
Một số thành viên BRICS - chủ yếu là Trung Quốc và Nga - từ lâu đã kêu gọi mở rộng khối như một cách để thách thức sự thống trị của phương Tây, nhưng các thành viên khác - như Brazil và Ấn Độ - vẫn tiếp tục nuôi dưỡng mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và châu Âu.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva hồi đầu tuần này cho biết: “Chúng tôi không muốn trở thành đối trọng với G7, G20 hay Mỹ. Chúng tôi chỉ muốn một tổ chức của riêng chúng tôi.”
Ông Luiz Inacio Lula da Silva cũng bảo vệ ý tưởng về một loại tiền tệ giao dịch chung giữa các nước BRICS, nhấn mạnh rằng đó không phải là việc “từ chối” đồng bạc xanh hay các loại tiền tệ quốc gia khác. Thay vào đó, Nhà lãnh đạo Brazil cho biết đồng tiền chung của BRICS sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại giữa các nền kinh tế mới nổi - đồng thời giảm chi phí giao dịch và giảm nguy cơ biến động toàn cầu cũng như rủi ro địa chính trị.
Trung Quốc và Nga đang kỳ vọng BRICS có thể làm đối trọng với nhóm G7, cạnh tranh với nhóm G7. Liệu BRICS có trở thành siêu cường vượt qua G7 như Tổng thống Nga Putin từng dự đoán hay không vẫn còn là điều phải chờ xem ở phía trước. Điều rõ ràng là thương mại toàn cầu sẽ được tiến hành bằng các loại tiền tệ khác ngoài đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, đồng bạc xanh hiện vẫn chiếm ưu thế và Mỹ cho đến nay vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới.