Nghĩ tới bóng đá Brazil, gần như mặc nhiên chúng ta sẽ nghĩ tới hàng công và những ngôi sao tấn công. Nhưng cuộc cách mạng chiến thuật đã làm thay da đổi thịt bóng đá xứ Samba lại bắt đầu từ những điều chỉnh liên quan tới hàng thủ: Brazil ở World Cup 1958 chính là đội tuyển đầu tiên chơi bóng với một sơ đồ chiến thuật sử dụng 4 hậu vệ ở một giải đấu lớn.
Có nhiều câu chuyện liên quan tới sự ra đời của nền bóng đá Brazil. Nhưng theo những tài liệu chính thức, cũng là theo câu chuyện được nhiều người chấp nhận nhất, thì "cha đẻ" của bóng đá Brazil là Charles Miller, con trai của một doanh nhân người Anh ở Sao Paulo.
Miller, sau khi được bố gửi về Anh học đại học, đã trở lại Sao Paulo vào năm 1894 với 2 trái bóng. "Bằng cấp của con đây", anh nói với người bố đang tròn mắt ngạc nhiên của mình.
Ban đầu, như ở nhiều nước khác, bóng đá chủ yếu phát triển trong cộng đồng người Anh. Những CLB đầu tiên ở Brazil cũng do người Anh, hoặc người Brazil gốc Anh, thành lập. Không có gì ngạc nhiên, các đội bóng ban đầu mang phong cách Anh chính hiệu, từ cách phục trang, cách... tỉa râu, cho tới phong cách chơi bóng. Tính kỷ luật, tinh thần hiệp sỹ là những điều được đề cao.
Người Brazil bản địa, trong khi xem ké các trận đấu từ mái nhà, nhanh chóng nhận ra bóng đá là môn thể thao có thể chơi được.
Nhưng do điều kiện không cho phép, họ buộc phải chơi bóng trên các góc phố, hay bất kỳ bãi đất trống chật hẹp nào, với những trái bóng tự chế từ vỏ cây hay vải cũ.
Từ đây, những kỹ năng chơi bóng hoàn toàn khác biệt với của người Anh được phát triển. Trong khi người Anh đề cao tinh thần đồng đội, thì người Brazil lại đặc biệt khuyến khích sự thể hiện những kỹ năng cá nhân.
Nhưng dù đã phát triển được một phong cách riêng, rất Brazil, bóng đá Brazil về cơ bản kém phát triển hơn hẳn so với hai người hàng xóm Argentina và Uruguay. Trước năm 1940, Brazil chỉ thắng được 6 trong 20 trận đối đầu với Argentina, và 5 trong 13 trận gặp Uruguay.
Phải tới năm 1933, bóng đá ở Brazil mới được chuyên nghiệp hóa. Năm 1934, họ dự kỳ World Cup đầu tiên, nhưng bị loại chỉ sau có 1 trận. Những ai theo dõi Brazil thời đó đều nói đội bóng này sở hữu kỹ thuật cá nhân thượng thặng, nhưng về mặt chiến thuật thì lại quá ngây ngô.
Như đã trình bày ở bài trước, sơ đồ W-M (3-2-2-3) gần như trở thành chuẩn mực sau khi được Herbert Chapman phát triển thành công ở Arsenal. Trong giai đoạn từ năm 1930 tới cuối những năm 1950, gần như mọi đội tuyển quốc gia đều chơi với sơ đồ W-M hoặc những biến thể của nó. Và như một lẽ tất yếu, W-M cũng "tìm được đường" đến Brazil.
Nỗ lực mang W-M tới Brazil đầu tiên là của Gentil Cardoso. Làm việc trong lực lượng hải quân thương mại, Cardoso thường xuyên lui tới châu Âu, và dành phần lớn thời gian rỗi giữa các chuyến đi để xem bóng đá.
Ông này tự khẳng định là một trong những người đầu tiên theo dõi sự phát triển của W-M ở Arsenal. Là người ưa thích phân tích chiến thuật, ông nhanh chóng nhận ra tiềm năng to lớn của sơ đồ này.
Cardoso
(đội mũ) là người đầu tiên cố gắng đưa W-M về Brazil
Tuy nhiên, khó có thể nói là Cardoso đã thành công trong việc phổ biến W-M ở Brazil. Một phần vì ông gần như chưa từng chơi bóng nghiêm túc. Phần khác vì ông là người da đen.
Hai CLB mà ông dẫn dắt trong những ngày đầu là Sirio Libanes và Bonsucesso đều quá nhỏ bé, nên những ý tưởng của ông không có cơ hội để phát triển, không thu được thành công đáng kể nào, và do đó không được thừa nhận rộng rãi.
W-M chỉ có được chỗ đứng vững chắc ở Brazil nhờ một người châu Âu, Dori Kurschner. Kurschner vốn là một học trò của Jimmy Hogan, một nhà tiên phong bóng đá người Anh, cha đẻ của bóng đá Hungary, Áo và Đức.
Nhưng không như thầy của mình luôn theo đuổi 2-3-5 theo trường phái sông Danube, Kurschner đánh giá rất cao W-M. Nên khi được chủ tịch Flamengo, Jose Bastos Padilha, tiếp cận vào năm 1937, Kurschner quyết định mang tới Rio de Janeiro sơ đồ mà sau này sẽ tạo ra một cuộc cách mạng cho bóng đá Brazil.
Tuy nhiên, những ý tưởng của Kurschner không đến thẳng được với người Brazil. Một phần vì chúng quá mới mẻ và "cao siêu". Phần khác, vì ông bị chơi xấu bởi người trợ lý Flavio Costa.
Do Kurschner không biết tiếng Bồ Đào Nha, những chỉ đạo của ông phải "đi vòng" qua Costa, và chúng đã bị làm cho méo mó. Kết quả trên sân tất nhiên không được như mong đợi, và chỉ sau 1 năm thì Kurschner đã bị Flamengo sa thải. Người lên thay, không ai khác chính là Flavio Costa.
May mắn cho bóng đá Brazil, là Costa sau khi nắm quyền đã quyết định tiếp tục phát triển W-M, thay vì trở lại với 2-3-5 lúc ấy vẫn còn được sử dụng khá nhiều.
Tuy nhiên, ông ta đã có những điều chỉnh của riêng mình, và khai sinh ra cái gọi là "đường chéo". Nếu ở W-M truyền thống, 4 tiền vệ tạo thành một ô vuông, thì ở W-M của Costa, sẽ có 2 tiền vệ chơi thấp hơn/cao hơn so với người bên cạnh, tạo thành những đường chéo ở giữa sân.
Đó chính là nền tảng cho sự ra đời của 4-2-4. Tuy nhiên, trước khi cuộc cách mạng ấy xảy ra, người Brazil còn phải trải qua một "thảm họa quốc gia" đã.
Flavio nhanh chóng thu được những thành công vang dội cùng W-M đường chéo. Trong giai đoạn từ 1938 tới 1950, ông đã giành được 4 chức vô địch bang Rio với Flamengo, và 3 chức vô địch bang Rio khác với Vasco da Gama.
Từ năm 1944, Flavio còn nắm luôn cả ĐTQG, và đã giúp Selecao vô địch Copa America 1949 với phong độ hủy diệt. Brazil ghi tới 31 bàn trong 7 trận trước trận play-off tranh chức vô địch. Trận đó, họ vùi dập Paraguay với tỉ số 7-0.
Từ W-M
truyền thống tới W-M đường chéo
Ở World Cup 1950 tổ chức trên sân nhà, Brazil nhanh chóng thể hiện họ là ứng viên số 1 của giải đấu khi vùi dập Mexico 4-0 trong trận đấu mà họ sút trúng xà, cột tới 5 lần.
Tuy nhiên, rắc rối nảy sinh khi Flavo đưa vào sân 3 tiền vệ người bang Paulista trong trận đấu tiếp theo với Thụy Sỹ để... chiều lòng các CĐV (do trận đấu tổ chức ở Sao Paulo). Đó có thể là một phần nguyên nhân khiến Brazil đánh mất sự mượt mà thường thấy.
Trận đó, họ bị cầm hòa 2-2 dù 2 lần vượt lên dẫn trước, đồng nghĩa với việc phải đánh bại Nam Tư trong trận đấu cuối cùng của vòng bảng đầu tiên.
Brazil cuối cùng đã đánh bại Nam Tư, với tỉ số 2-0. Tuy nhiên, ở trận đấu này, Flavio đã quyết định quay lại với W-M truyền thống, do ông đã mất hết niềm tin vào W-M đường chéo sau trận hòa Thụy Sỹ.
Không biết đó có phải nguyên nhân hay không, nhưng với W-M truyền thống, Brazil đã trở thành nhân vật chính trong thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử, một "Hiroshima của Brazil": Thất bại 1-2 trước Uruguay trong trận đấu cuối cùng của vòng bảng cuối cùng, một trận đấu mà Brazil chỉ cần hòa là vô địch.
Chung kết World Cup 1950: Uruguay 2-1 Brazil
Thất bại ấy đã khiến người Brazil, đặc biệt là những người trong cuộc, bị ám ảnh suốt một thời gian dài. Thủ thành Barbosa cho tới chết vẫn không được người dân Brazil tha thứ. Nhưng cũng từ thất bại ấy, người Brazil bắt đầu nhận ra nhu cầu về một sơ đồ mới cân bằng hơn, và quan trọng là phù hợp với những đặc biệt của các cầu thủ Brazil hơn. Đó chính là 4-2-4.
Ai là người đã phát minh ra 4-2-4 tới nay vẫn là một câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, người đầu tiên thực sự áp dụng sơ đồ này một cách có chủ đích, và có hệ thống, là Martim Francisco, HLV của Vila Nova trong giai đoạn 1951-1952.
Với 4-2-4, Francisco đã đưa Vila Nova tới chức vô địch bang ngay trong năm đầu tiên ông dẫn dắt, và tới nay thì đó vẫn là chức vô địch bang cuối cùng của đội bóng này.
Đội hình Brazil vô địch World Cup 1958
Về lý thuyết, 4-2-4 sẽ gồm 4 hậu vệ, 2 tiền vệ và 4 tiền đạo. Nhưng thực tế, rất ít khi các đội bóng chơi với 4-2-4 thuần chất, do trong sơ đồ này, áp lực lên các tiền vệ luôn là quá lớn.
Thực tế, Vila Nova khi có bóng và tấn công sẽ chơi với sơ đồ 3-3-4 - một trong hai trung vệ sẽ được đẩy lên cao để chơi như một tiền vệ. Còn khi không có bóng, họ sẽ chuyển thành 4-3-3, với một tiền đạo lùi về giữa sân hỗ trợ phòng ngự.
Sơ đồ 4-2-4 nhanh chóng trở nên phổ biến ở Brazil, nhất là sau khi Flamengo giành 3 chức vô địch bang Rio liên tiếp từ 1953 tới 1955 với sơ đồ này, với 2 điều chỉnh quan trọng. Đầu tiên là sự xuất hiện của hệ thống phòng ngự khu vực thay cho một kèm một trong W-M.
Nhờ thay đổi này, các hậu vệ biên ở Brazil được tự do dâng cao nhiều hơn, và dần dần, hậu vệ biên tấn công trở thành một "đặc sản" của bóng đá Brazil. Điều chỉnh thứ hai là sự trở lại của khái niệm ponta de lanca (mũi giáo). Nôm na là trong 4 tiền đạo, sẽ có một người thường xuyên lùi xuống sâu hơn để kết nối với hàng tiền vệ.
Với 4-2-4, Brazil đã đăng quang World Cup 1958 sau khi đánh bại chủ nhà Thụy Điển 5-2 ở trận chung kết. Đội hình của họ năm đó được đánh giá là đội hình giàu sức tấn công bậc nhất trong lịch sử World Cup, với một Garrincha bùng nổ bên cánh phải, Pele xuất sắc trong vai trò tiền đạo lùi, Didi đầy sáng tạo ở giữa sân, và một Mario Zagallo không biết mệt mỏi bên cánh trái.
Chung kết World Cup 1958: Thụy Điển 2-5 Brazil
Bốn năm sau, trong kỳ World Cup được tổ chức tại Chile, Brazil lại lên ngôi một lần nữa. Pele vắng mặt chỉ sau 2 trận đầu vì chấn thương, nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều tới sức mạnh của Brazil bởi họ đã một Garrincha đang ở trong giai đoạn đẹp đẽ nhất của sự nghiệp.
Và để giải phóng Garrincha khỏi nhiệm vụ phòng ngự, đồng thời tạo ra sự cân bằng trong lối chơi, Zagallo đã được kéo hẳn xuống hàng tiền vệ. Đó cũng là lúc Brazil giới thiệu với thế giới thêm một sự đột phá mới khác: 4-3-3!