Bphone là sản phẩm mang tinh thần Việt, nhưng đừng bao giờ nói người không thích Bphone thì không có tinh thần dân tộc

Nguyễn Dương, Chuyên gia Quản trị Trải nghiệm Khách hàng |

Nói cho cùng, thì sản phẩm là của bạn, giá trị thương hiệu là của bạn, bạn muốn xây dựng nó, nhưng người thực sự "sở hữu" và "định đoạt" thương hiệu lại là khách hàng vì họ mới quyết định nó là tròn, méo hay vuông trên cơ sở nhận thức và trải nghiệm của họ.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết "Bphone là sản phẩm mang tinh thần Việt, nhưng đừng bao giờ nói người không thích Bphone thì không có tinh thần dân tộc" của Chuyên gia quản trị trải nghiệm khách hàng - Nguyên giám đốc quốc gia Singtel Việt Nam Nguyễn Dương. Mời độc giả đón đọc.


Trên toàn thế giới này, có thể có nhiều người không yêu mến chính quyền, không tin cái chính phủ của họ; nhưng hầu như không có ai, không có người dân nào không có tinh thần dân tộc, không yêu đất nước và quê hương của mình. Vì vậy, không nên thể hiện tình yêu đất nước của mình bằng cách chỉ trích những người khác là không có tinh thần dân tộc chỉ vì họ có định kiến với Bphone. Nhiều bạn đang làm điều này.

Cách làm truyền thông của Bphone là gắn với tinh thần dân tộc, đó là một lựa chọn có thể khôn ngoan và cũng là vì, theo cảm nhận của tôi, họ có tinh thần ấy thật sự. Nhưng với những người không thích Bphone thì đừng quy cho họ là thiếu trách nhiệm với đất nước, coi thường người Việt. Khi nói như vậy, bạn đang tự suy diễn rằng, một thương hiệu gắn mình với tinh thần dân tộc mà bạn ghét thì bạn không vì dân tộc.

Có nhiều góc nhìn khác nhau để một đánh giá về một vấn đề. Không nên nhầm lẫn giữa thông điệp một nhãn hiệu muốn xây dựng và điều mà thương hiệu đó đã đạt được trong lòng khách hàng. Đó là hai thứ khác nhau; chỉ là chúng ta, người làm kinh doanh doanh, muốn nó trở thành một thôi.

Nói cho cùng, sản phẩm là của bạn, giá trị thương hiệu là của bạn, bạn muốn xây dựng nó. Nhưng người thực sự "sở hữu" và "định đoạt" thương hiệu lại là khách hàng vì họ mới quyết định nó là tròn, méo hay vuông trên cơ sở nhận thức và trải nghiệm của họ.

Thái độ luôn là thứ vô cùng quan trọng kể cả là giao tiếp giữa các cá nhân với nhau hay là giao tiếp giữa một thương hiệu với khách hàng. Tôi đã chứng kiến một người giàu và được cho là rất giỏi thuộc hàng đầu của Việt Nam bị tổng xỉ vả trong một cộng đồng mà họ mới có ý định tổ chức để người đó chia sẻ về kinh nghiệm kinh doanh với cộng đồng ấy.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng, người khác yêu mến bạn, tin bạn, theo bạn thì rất ít khi vì bạn giàu và chỉ thoảng là vì bạn giỏi thôi. Họ tin bạn và theo bạn chủ yếu là vì thái độ của bạn đối với cuộc đời này, hẹp hơn là đối với một vấn đề nào đó.

Và phần nhiều thì hiện nay cả người khen và chê đang xuất phát từ điều này vì sản phẩm thực sự thì chưa mấy người được trải nghiệm thực tế. Thái độ của Bkav là rất đáng trân trọng về tinh thần Việt và đã được rất nhiều người đánh giá cao. Vì sao lại có nhiều người chê? Vì mỗi người có nhận thức và kỳ vọng khác nhau.

Và tôi nghĩ cũng vì cách làm của Bphone khác với cách làm truyền thống từ trước đến nay nên dĩ nhiên sẽ gặp phải những rào cản mang tính "cách mạng". Bphone sẽ khuất phục những khách hàng đang có định kiến với họ nếu họ nói điều mình làm và làm điều mình nói. Hãy chờ xem.

Bphone là sản phẩm mang tinh thần Việt, nhưng đừng bao giờ nói người không thích Bphone thì không có tinh thần dân tộc - Ảnh 2.

Sau những thất bại nặng nề của lần đầu, anh Nguyễn Tử Quảng và đồng đội của mình ở Bkav vẫn rất can đảm tiếp tục hành trình của mình. Vì thế, dù rất ít khi đến những sự kiện launching, tôi đã đến sự kiện ra mắt Bphone 2017. Tôi thực sự khâm phục ý chí và tinh thần của họ. Họ cũng đã thừa nhận sai lầm ở lần đầu và sự thừa nhận đó được cộng đồng tán đồng và ghi nhận. Một lần nữa quy luật "khi bạn thừa nhận một khuyết điểm, khách hàng sẽ cho bạn một ưu điểm" lại đúng.

Tại buổi launching, có rất nhiều tính năng hay được trình diễn và so sánh với những chiếc smartphone hàng đầu hiện nay, rất ấn tượng! Nhưng cuối cùng thì phải chờ xem đã, trải nghiệm của khách hàng khi dùng sản phẩm Bphone mới là kiểm chứng cuối cùng. Giá công bố 9,789 triệu đồng, có đắt không? Sao không phải là 4 hay 5 triệu cho phù hợp với túi tiền của người Việt như nhiều bạn đã comment? Đơn giản vì họ không chọn phân khúc trung bình.

Tôi cho rằng nếu sản phẩm tốt, bảo hành và hậu mãi tốt, Bphone vẫn có khả năng thành công khi đi vào phân khúc mà chưa doanh nghiệp Việt Nam nào dám làm này, chỉ có điều, thách thức là rất lớn. Một tín hiệu tốt nữa là hơn 800 người đã "đặt gạch" mua Bphone chỉ sau vài ngày trên hệ thống của Thế giới Di động.

Theo anh Trần Kinh Doanh, TGĐ Thế giới Di động, thì đó là tín hiệu tốt. Song, kể cả Bkav có bán được hàng nghìn hay chục nghìn chiếc trong ngày mở bán sắp tới thì điều đó cũng chưa nói lên nhiều điều về tương lai; bởi vì hiệu ứng truyền thông của Bphone là rất lớn, đó là cơ hội tốt, số lượng bán ra ban đầu chắc chắn sẽ nhiều.

Tuy nhiên, khách hàng chọn bạn, họ chọn lại và giới thiệu với người khác mới là minh chứng chắc chắn cho sự thành công của Bphone. Một sản phẩm đã thất bại một lần, một nỗ lực rất lớn mới có thể làm "sống lại" nó, nhưng tôi thực sự nghĩ rằng sản phẩm chất lượng tốt, chinh phục được người tiêu dùng sẽ là cứu cánh cuối cùng cho câu chuyện của Bphone. Nên nhớ, hầu hết người Việt Nam luôn chờ cơ hội để ủng hộ hàng Việt. Chúc Bphone 2017 thành công.

Cuối cùng, xin tặng anh Nguyễn Tử Quảng và người Bkav câu nói mà tôi rất yêu thích của cha đẻ quản trị hiện đại Peter Drucker: "Bất cứ khi nào bạn chứng kiến một doanh nghiệp thành công, thì ở thời điểm nào đó, có ai đó, đã can đảm đưa ra một quyết định sống còn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại