“Nhà trẻ” bóng đá và giấc mơ vùng vẫy nơi biển lớn

Bỏ qua những mục tiêu cỏn con như SEA Games hay AFF Cup , một doanh nhân đã lên bản kế hoạch cụ thể để nâng tầm bóng đá Việt Nam.

Năm qua điểm son lớn nhất của bóng đá Việt Nam là lứa U19 trong đó đa phần là “gà” bầu Đức. Lạ ở chỗ ông bầu này ăn nói rất bạt mạng thế mà “gà” ông ra sân lại chơi một thứ bóng đá làm say lòng người. Những đôi chân trần tập suốt ở Hàm Rồng từ năm 12-13 tuổi đến nay đã sáu năm trời và mới chỉ xỏ đôi giày móng được hơn 6 tháng đã tạo nên một hiện tượng và trở nên sự kiện của làng bóng nước nhà.

7 năm trước, khi bóng đá VN thua thảm hại đến 5 bàn trong trận tranh huy chương đồng trước Singapore thì ông Đoàn Nguyên Đức lặng lẽ cùng trợ lý của mình bay sang Anh làm việc với Arsenal. Không ai ngờ đấy lại là tiền đề cho việc một ông chủ sống quen với hơi rừng lại về nhà phá 6 hecta rừng cao su của mình để xây học viện.

Hồi đấy nhiều người cứ nói ông Đức khùng vì nuôi một đội bóng hàng năm đã tốn 60-80 tỉ nay lại mở “nhà trẻ” bóng đá mà lại thuê thầy ngoại từ lò Arsenal về.

Đội trưởng U19 Việt Nam Xuân Trường bị gãy tay vì đối phương chơi xấu vẫn vui vẻ đẩy xe cho đồng đội ở sân bay sau khi được trao danh hiệu đội bóng Fair Play nhất. Ảnh: ĐỨC HỒ

Đội trưởng U19 Việt Nam Xuân Trường bị gãy tay vì đối phương chơi xấu vẫn vui vẻ đẩy xe cho đồng đội ở sân bay sau khi được trao danh hiệu đội bóng Fair Play nhất. Ảnh: ĐỨC HỒ

Ngày triển khai công trình học viện, nhiều người ngạc nhiên khi thấy ông Đức đứng giữa những ông Tây to lớn tay nới rộng cà vạt rồi xúc từng xẻng cát trong lễ đặt viên đá đầu tiên để xây học viện.

Ông lau mồ hôi cười cợt với giới truyền thông đang nghi ngờ cái dự án “nhà trẻ” bóng đá và nói: “LĐBĐ VN cả mấy chục năm nay không làm được chuyện đầu tư cho các em nhỏ trưởng thành và đi đá quốc tế cho ra trò thì tôi làm. Việt Nam không thiếu tài năng, chỉ thiếu người khai thác đúng và dạy dỗ các em từ thuở mới học đá bóng. Một năm mỗi hecta rừng cao su của tôi thu lợi biết bao nhiêu nhưng tôi chấp nhận phá rừng để mở trường học nhằm khai phá những tài năng bóng đá. Có thầy dạy giỏi đẳng cấp thế giới, có tài năng tìm kiếm từ hơn 80 triệu dân, chẳng lẽ cứ ì ạch mãi đá cái SEA Games hoài. Giờ là phải bước ra sân chơi thế giới. Brazil, Tây Ban Nha… có những cầu thủ đâu có to lớn hơn ta mà ra sân đâu có thua ai…”.

Bảy năm qua, ông Đức tốn biết bao nhiêu cho đám trẻ đấy. Cứ hàng ngày ăn, tập và đi học, tiếng í ới vang cả khu Hàm Rồng xen lẫn tiếng cười nói vui vẻ. Có ai biết đấy là những tinh hoa của bóng đá nước nhà được tìm kiếm ở khắp mọi miền đất nước với công nghệ cao của lò đào tạo Arsenal. Gọi là công nghệ cao vì chính các chuyên gia bóng đá của Việt Nam đi Đông đi Tây học rất nhiều thế mà cũng ngạc nhiên về cách tuyển chọn. Họ không chú trọng thể hình nhiều mà chú trọng vào yếu tố thông minh với những cách xử lý dù chỉ là chọn ngẫu nhiên mỗi bên ba em chơi đá phủi. Họ không nặng chuyện kỹ thuật mà chú trọng cái cách xử lý… Cứ thế, đội tuyển chọn đi khắp mọi miền đất nước và lập nên một “nhà trẻ” ăn bóng đá, ngủ bóng đá và dạy cả nhân cách trong xử thế trên sân lẫn ngoài đời.

Bảy năm qua, ông Đức như người đi gieo mầm và thấy cây mọc lên rồi muốn đốn ngay nhưng nào ông được phép. Có lần ông dẫn các đối tác đến xem các em tập và đối tác ông phì phèo thuốc lá thì liền bị mời đi chỗ khác. Gặp ở chỗ làm ăn là ông “dập” ngay nhưng khi nghe các thầy của lò Arsenal nói cấm là để đảm bảo môi trường cho cái “nhà trẻ” của ông thì ông “tắt” ngay rồi lôi các đối tác đi chỗ khác hút xong điếu thuốc rồi vào xem.

Cũng có lần ông Đức sốt ruột vì thấy đám nhỏ tập hoài mà không thi đấu, thế là ông xắn tay vào nói các cháu chia phe ra đá chơi trên thửa 6 hecta rừng cũ của ông thì bị “la”.

Bảy năm qua bầu Đức từ một tay hét ra lửa không biết sợ ai nhưng mỗi khi nghe “bảo mẫu” cái “nhà trẻ” đấy nói để yên cho họ làm và giúp các cầu thủ trẻ mọc thẳng thì ông lại im thin thít.

Năm 2013 vừa qua là lần đầu tiên lứa cầu thủ ở “nhà trẻ” của bầu Đức được xỏ giày ra sân. Những đôi chân trần ngày nào giờ đã chững chạc và biểu diễn trên sân như ta dùng tay chơi với quả bóng. Bầu Đức hạnh phúc khi các cầu thủ trẻ đấy vẫn còn hơn một năm nữa mới kết thúc khóa học thế mà đứa nào đứa nấy đều ngoan ngoãn với lối ứng xử trên sân lẫn ngoài đời. Hóa ra ở “nhà trẻ” điều đầu tiên các em được học là văn hóa và cách ứng xử để nên người trước rồi mới nên cầu thủ chuyên nghiệp sau. Thế nên nhiều người khi xem các em thi đấu chung kết U19 Đông Nam Á với Indonesia và bị bầm dập, bị đá đau đến nằm sân, lên cáng thế mà vẫn bình thản lo chơi với quả bóng chứ không đá trả, đánh trả.

Tuổi chỉ hơn 17 nhưng các em đã học chất chuyên nghiệp của một cầu thủ lớn, đó là đạo đức sân cỏ và không phải nhận cái tát thì giáng trả bằng cái tát.

Đến giải U19 Châu Á thì các em lại làm nhiều người ngạc nhiên với ba chiến thắng thuyết phục trong đó thắng vẻ vang nhất là trước những cầu thủ Australia to cao như cầu thủ Châu Âu.

Thắng bằng kỹ thuật, bằng sự thông minh và bằng sự mềm mại đúng chất của bóng đá Việt Nam ngày nào được khu vực nể phục như thời Đỗ Thới Vinh, thời Phạm Văn Rạng…

Còn quá sớm để nói về cái “nhà trẻ” đấy của bầu Đức nhưng rõ ràng giấc mơ bơi ra biển lớn từ lứa cầu thủ được học ăn, học nói và học những văn hóa đá bóng là có thật.

Hy vọng sau bầu Đức sẽ có nhiều ông bầu tiếp tục đi theo con đường đấy. Con đường của người phá rừng để trồng người trong lĩnh vực bóng đá.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại