Chiều 13-4, Bộ Y tế đã tổ chức buổi cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 sau khi ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao bất thường trong những ngày qua.
GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết số ca mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng nhanh. Trong tuần qua, số mắc đã tăng gấp 4,2 lần so với tuần trước nhưng dịch vẫn trong tầm kiểm soát.
GS-TS Phan Trọng Lân cho biết ca mắc COVID-19 tăng nhưng dịch vẫn được kiểm soát. Ảnh: Trần Minh
"Với số mắc hiện nay, nếu đánh giá về sơ bộ về cấp độ dịch tại từng địa phương tất cả "đang màu xanh", có nghĩa là không vượt qua cấp độ 1. Đánh giá này dựa trên nhiều yếu tố: số ca mắc, ca bệnh nặng, tiêm vắc-xin, thu dung người bệnh, đáp ứng điều trị..." - ông nói
Theo đại diện Bộ Y tế, vừa qua có 2 địa phương gia tăng số ca mắc là Lào Cai và Hà Nội. Trong đó, Lào Cai có 2 ổ dịch đã được khống chế, còn ở TP Hà Nội cũng thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, giảm lây nhiễm.
Về diễn biến số ca mắc trong tháng 4 tăng cao đột biến so với 3 tháng trước, Giáo sư Lân cho biết để đánh giá tình hình dịch COVID-19, cần dựa trên 3 yếu tố: virus SARS-CoV-2, môi trường sống, hành vi của người dân và các biện pháp đáp ứng.
"Với virus SARS-CoV-2, biến thể Omicron vẫn đang chiếm ưu thế trên thế giới, thống kê có thể tạo ra trên 500 biến thể phụ, có đặc tính lây lan nhanh nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng các ca nặng. Những nơi có số ca nặng tăng là do số mắc tăng tương ứng. Tại miền Bắc, thời điểm giao mùa cũng là yếu tố thuận lợi làm gia tăng ca mắc" - ông Lân phân tích.
Chuyên gia của Bộ Y tế cũng khẳng định vắc-xin phòng COVID-19 vẫn có hiệu quả trong phòng lây nhiễm đối với biến thể Omicron, trong đó giúp giảm tình trạng nặng, nhập viện, tử vong. "Với 90% dân số đã có miễn dịch do tiêm vắc-xin hoặc mắc phải, điều này khiến các trường hợp khi mắc bệnh có biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không triệu chứng"- GS Lân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, với việc nới lỏng toàn bộ các biện pháp phòng chống, việc giao lưu đi lại sau 3 năm dịch gia tăng mạnh, thêm vào đó, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan đã tiêm vắc-xin, nên không thực hiện biện pháp phòng bệnh cá nhân như đeo khẩu trang, khử khuẩn là yếu tố làm tăng số ca mắc.
Biểu đồ dịch COVID-19 có nhiều thay đổi trong những ngày qua
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 8 ngày vừa qua (từ ngày 5-4 đến ngày 12-4), cả nước đã ghi nhận 900 ca mắc mới, riêng ngày 12-4 ghi nhận tới hơn 261 ca. Trung bình có 112 ca mắc mới mỗi ngày, tăng so với 7 ngày trước đó. Số ca nhập viện cũng có xu hướng gia tăng. Số bệnh nhân nặng ghi nhận trong tuần là 10 ca, trung bình ghi nhận 1-2 ca nặng mỗi ngày.
"Với tình hình dịch hiện nay chúng ta chưa có khuyến cáo hạn chế bất cứ hoạt động nào trong xã hội. Dịch tới đâu sẽ thực hiện kiểm soát tới đó"- ông Lân nói.
Đại diện Bộ Y tế cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần theo dõi sát các số liệu, đề nghị các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tăng cường rà soát cấp độ dịch và công bố rõ ràng để người dân biết và phòng chống. Cấp độ dịch này có ý nghĩa, ở cấp xã, phường, phát hiện sớm nhất, khoanh vùng hiệu quả nhất, xử lý dịch tại nguồn để không ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, xã hội. Điều đó phụ thuộc lớn vào các địa phương, tránh sự hoang mang cũng như chủ quan của người dân.
Trước đó, chiều 12-4, Bộ Y tế có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố sẵn sàng ứng phó tình huống xảy ra của dịch bệnh sau thời gian ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng nhanh.
Theo Bộ Y tế tỉ lệ tiêm vắc-xin COVID-19 tại một số địa phương chưa đạt độ bao phủ, trong khi đó, một số bệnh truyền nhiễm khác đang trong giai đoạn vào mùa, nguy cơ dịch chồng dịch cao. Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành thúc đẩy tiêm vắc-xin, nhất là nhóm nguy cơ cao. Đồng thời, khuyến cáo người dân nâng cao nhận thức, hành vi của người dân để bảo vệ sức khỏe trong đó có việc thực hiện thông điệp 2 K (khẩu trang, khử khuẩn).