Dựa trên những email thu được trong quá trình điều tra liên bang, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng công ty Huawei đã cố tình khuyến khích thu thập bí mật doanh nghiệp và các nhân viên được thưởng dựa trên giá trị thông tin mà họ đánh cắp được.
Hồi tháng 12, Giám đốc Tài chính của Huawei Mạng Vãn Chu đã bị bắt giữ trong khi chờ quá cảnh ở sân bay Canada vì cáo buộc vi phạm cấm vận của Mỹ với Iran.
Huawei được cho là quân cờ quan trọng trong chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính quyền Mỹ cũng bày tỏ lo ngại với việc công ty Huawei đang hợp tác với chính phủ Trung Quốc để làm tổn hại doanh nghiệp Mỹ. Huawei đã phủ nhận các cáo buộc nói trên.
Ngày 28/1, Bộ Tư pháp Mỹ gọi Huawei và bà Mạnh là mối đe dọa quốc gia, tuyên bố đã truy tố công ty Huawei, giám đốc điều hành, hai công ty liên kết với tội danh lừa đảo ngân hàng và cáo buộc Huawei phạm tội đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, cáo buộc liên quan tới việc nhân viên Huawei đã từng đánh cắp thông tin liên quan tới công nghệ robot được dùng để thử nghiệm điện thoại thông minh tại cơ sở của T-Mobile ở Washington.
Theo đó, Huawei đã vi phạm các thỏa thuận bảo mật và không tiết lộ với T-Mobile vào năm 2012 khi nhân viên Huawei chụp ảnh, thu thập các số liệu và thậm chí lấy đi một mảnh robot thử nghiệm của T-Mobile với tên gọi "Tappy".
Thông tin mật sau đó được gửi về Huawei thông qua địa chỉ email được mã hóa.
Khi T-Mobile phát hiện rằng bí mật thương mại của công ty đã bị xâm phạm, Huawei lên tiếng khẳng định nhân viên trong vụ trộm là "kẻ giả mạo".
Huawei cho biết đã dàn xếp các vấn đề với T-Mobile vào năm 2017.
Tối ngày 28/1, phát ngôn viên Huawei nói với Business Insider: "Công ty Huawei phủ nhận bản thân công ty, công ty con hoặc các công ty liên kết đã vi phạm bất kì điều khoản nào được nêu trong bản cáo buộc. Huawei không biết về những vi phạm của bà Mạnh, và tin rằng tòa án Mỹ cũng sẽ có kết luận tương tự như vậy."
Bộ Tư pháp Mỹ từ chối đưa ra bình luận trong thời điểm hiện tại.