Bộ Tư pháp mới đây đã tổ chức cuộc họp khẩn với đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) để làm rõ một số vấn đề xung quanh việc ghi tên các thành viên gia đình trên sổ đỏ theo Thông tư 33 mà Bộ TN-MT ban hành.
Cuộc họp có sự tham gia của nhiều cán bộ chuyên sâu về Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai.
Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết sau cuộc họp với với Bộ TN-MT, tổ công tác đã có báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp, trong đó nêu rõ quy định tại Thông tư 33 có cơ sở pháp lý, tuy nhiên cần phải có giải pháp để bảo đảm tính khả thi.
Theo ông Ba, Thông tư 33 quy định nhiều nội dung, trong đó có quy định hướng dẫn cách ghi cụ thể các thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Quy định này là có cơ sở pháp lý, căn cứ theo Luật đất đai 2013, Bộ luật dân sự 2015.
"Cục Kiểm tra văn bản không được giao thẩm quyền kiểm tra, kết luận về tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, qua rà soát, nghiên cứu tổng thể quy định pháp luật và thực tiễn triển khai các quy định pháp luật về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, chúng tôi chưa thực sự yên tâm về tính khả thi của quy định này’’ - ông Đồng Ngọc Ba cho hay.
Nói về mặt tích cực, ông Ba cho rằng việc quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất là cần thiết, tiến bộ, nhằm minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người có chung quyền sử dụng đất.
Đồng thời, giúp hạn chế những khó khăn, vướng mắc, ngăn ngừa tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất.
Theo thời gian ấn định có hiệu lực của Thông tư 33 là ngày 5-12 tới đây, ông Ba cho rằng nếu quyết tâm thực hiện quy định này thì phải rất khẩn trương chuẩn bị các giải pháp thực hiện, bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi, yên tâm cho người dân.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản nhấn mạnh, phải có cách thức, phương pháp cụ thể để xác định đầy đủ, chính xác những người có chung quyền sử dụng đất, kể cả phần quyền của mỗi người trong hộ gia đình, nhất là trong các trường hợp: cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình đang sử dụng đất ổn định mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất (quy định tại điều 101 luật Đất đai 2013).
Ngoài ra, giải quyết đối với những giấy chứng nhận đã cấp trước đây chỉ ghi tên chủ hộ hoặc người đại diện khi có sự kiện pháp lý phát sinh liên quan đến quyền sử dụng đất như: chuyển quyền sử dụng đất, thế chấp, thi hành án dân sự; cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình; một hoặc các thành viên hộ gia đình yêu cầu, đề nghị ghi cụ thể tên thành viên có chung quyền sử dụng đất...
Từ những phân tích nêu trên, ông Đồng Ngọc Ba cho rằng trong trường hợp các điều kiện cần thiết để triển khai quy định này chưa được chuẩn bị đầy đủ, chưa có giải pháp để giải quyết được những vướng mắc phát sinh, những khó khăn nhất thì Bộ TN-MT nên xem xét việc lùi thời điểm có hiệu lực của quy định này.
"Việc lùi thời gian có hiệu lực để có thêm thời gian chuẩn bị, trong đó cũng cần quan tâm việc truyền thông, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội’’ - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nêu quan điểm.
Mới đây, đại diện Bộ TN-MT, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cũng thừa nhận những "thiếu sót" của mình khi ban hành Thông tư 33 khiến dư luận hiểu chưa thật đúng.
Theo bà Hoa, cách diễn đạt trong thông tư "trong ngành sẽ hiểu nhưng bên ngoài có thể chưa hiểu đúng ý". Bà Hoa khẳng định Bộ sẽ rút kinh nghiệm về việc này.
"Các nội dung liên quan đến sổ đỏ luôn luôn được dư luận quan tâm, nhất là những nội dung liên quan đến hộ gia đình.
Trong các luật bao giờ cũng có điều liên quan đến giải thích từ ngữ. Chúng tôi nghĩ khi đã quy định như thế đương nhiên là hiểu rồi vì mình làm chuyên môn.
Nhưng ra đến bên ngoài thì phải làm sao ban hành văn bản quy phạm pháp luật để ai cũng hiểu mới là quan trọng. Chúng tôi xin tiếp thu trong quá trình tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên môi trường"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nói.