Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tạo và khai thác dữ liệu để sinh ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Chuẩn bị sẵn hạ tầng cho dữ liệu số quốc gia
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm Dữ liệu số sẽ tập trung vào các vấn đề gồm bảo vệ dữ liệu cá nhân, công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ ngành và địa phương, mở dữ liệu để kết nối chia sẻ, đồng thời cần quan tâm đến an toàn dữ liệu.
Trong đó, năm 2022 là năm mà Bộ TT&TT được Chính phủ bổ sung thêm một số chức năng, nhiệm vụ quan trọng về chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, về công nghiệp công nghệ số, về giao dịch điện tử.
“Nghị quyết Trung ương 6 khoá XIII đã chính thức coi chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới có tính đột phá giúp đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình CNH, HĐH đất nước; công nghiệp công nghệ số trở thành ngành công nghiệp nền tảng.
Nhiệm kỳ này, nhiều bộ luật của ngành được sửa đổi: Luật Tần số, Luật Giao dịch điện tử, Luật Viễn thông, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Báo chí”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, năm 2022 là năm mà Bộ TT&TT tập trung làm các chiến lược quốc gia cho từng lĩnh vực, một số chiến lược đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, các chiến lược còn lại đang ở giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Đó là: Chiến lược Bưu chính, Chiến lược Hạ tầng số, Chiến lược Chính phủ số, Chiến lược Kinh tế số và xã hội số, Chiến lược An toàn, an ninh mạng (Bộ Công an chủ trì), Chiến lược Công nghiệp công nghệ số, Chiến lược Chuyển đổi số báo chí.
“Năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số (CĐS). CĐS đã trở thành toàn dân và toàn diện với việc tất cả các bộ ngành và địa phương đã ban hành nghị quyết và chương trình CĐS. 500 triệu tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam là con số chưa từng có. Các giao dịch về kết nối và chia sẻ dữ liệu tăng gần 5 lần. Các tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn bản đã được thành lập và đi vào hoạt động”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Theo Bộ trưởng, năm 2022 cũng là năm mà các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tấn công mạnh mẽ thị trường nước ngoài, đi đầu tư kinh doanh, đi làm chuyển đổi số cho các nước phát triển như Mỹ, Nhật. Doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel về viễn thông đã đạt 3 tỷ USD, của FPT về CNTT và CĐS đã đạt 1 tỷ USD.
“Có cái CĐS Việt Nam rồi ra nước ngoài, có cái lại CĐS nước ngoài trước rồi về Việt Nam. Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao được”, Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tháng 11/2022, lần đầu tiên, chúng ta đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về truyền thông chính sách nhằm nhấn mạnh vai trò của truyền thông chính sách, đa dạng hoá các phương tiện truyền thông và đặc biệt là thay đổi nhận thức về truyền thông. Thủ tướng Chính phủ đã phát đi thông điệp về việc truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, phải tổ chức bộ máy và có ngân sách dành riêng cho truyền thông.
“Năm 2022 cũng là năm chúng ta ban hành các nghị định về quản lý nền tảng xuyên biên giới, với tinh thần là, dù bất kỳ ai đến Việt Nam làm ăn, kinh doanh thì cũng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam thì được quản lý giống nhau, loại bỏ tình trạng “bảo hộ ngược” - là khi doanh nghiệp trong nước thì quản lý chặt còn doanh nghiệp nước ngoài thì buông lỏng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Bộ trưởng cho rằng, công tác thanh kiểm tra đã tập trung vào các nội dung, các đơn vị có vấn đề tồn tại kéo dài, gây bức xúc xã hội, tức là các việc khó. Làm xong việc khó, làm xong việc khó nhất thì tự các việc khác sẽ được giải quyết. Trong một số trường hợp thì lại nên làm từ khó đến dễ.
Năm 2022 cũng là năm đầu tiên mà cán bộ nhận nhiệm vụ mới của Bộ TTTT đã hứa sau một năm, nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì chủ động xin từ chức, nhường chỗ cho người khác có năng lực hơn.
Hoàn thành nhiệm vụ chuyển đổi số với tinh thần chiến binh
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ ra một số nhiệm vụ của năm 2023 mà Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực hiện, gồm: Năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu. Đó là bảo vệ dữ liệu cá nhân; là công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ ngành và địa phương; là mở dữ liệu để kết nối chia sẻ; là an toàn dữ liệu. Bộ TTTT sẽ cầm nhịp về năm dữ liệu, tạo ra sự thay đổi căn bản về dữ liệu. Tạo ra dữ liệu và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của CĐS.
“Năm 2023 là năm thực hiện các chiến lược đã được ban hành. Bộ TTTT sẽ ban hành các hướng dẫn thực thi chiến lược, tiến hành đo lường và công bố công khai các chỉ tiêu chiến lược. Từ trước đến nay, chúng ta thường thiếu những việc này, không hướng dẫn, không đo lường, và vì vậy, mà gọi là chiến lược “ngăn kéo”. Tức là chiến lược làm ra và để trong ngăn kéo”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Đặc biệt, năm 2023 là năm mà Bộ TT&TT sẽ tập trung vào các kết quả thực chất. Về bưu chính, sẽ đo lường và kiểm soát chất lượng dịch vụ. Về viễn thông, giải quyết triệt để sim rác và là năm thương mại hoá 5G. Về dịch vụ công trực tuyến, sẽ tập trung nâng cao tỷ lệ hồ sơ thực sự được xử lý trực tuyến.
Về CĐS, nâng số lượng tài khoản sử dụng các nền tảng số Việt Nam lên ít nhất 50%. Về công nghiệp công nghệ số, xây dựng CSDL đầy đủ về các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nhằm tạo ra sự cộng hưởng trong nước và đi ra nước ngoài. Về báo chí, xuất bản và truyền thông, là sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới, là giải quyết các vấn đề về tư nhân hoá báo chí, báo hoá tạo chí, trang tin, mạng xã hội.
Năm 2023, sau 3 năm Covid-19, các hoạt động hợp tác quốc tế bị cầm chừng, Bộ TTTT sẽ mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài. Mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi mở cõi. Nhà nước mở đường, rồi người đi trước kéo người đi sau.
“Để thế giới biết đến Việt Nam không chỉ vì Việt Nam là nơi đến mà còn là do nơi Việt Nam đến. Ngành VT, CNTT, CNS của chúng ta có rất nhiều câu chuyện để kể với thế giới. Đi ra thế giới cũng là để cạnh tranh với những công ty xuất sắc nhất. Chúng ta chỉ có thể xuất sắc khi có đối thủ xuất sắc.
10 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng: từ công nghệ thông tin sang công nghệ số; từ ứng dụng CNTT sang CĐS; từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số; từ gia công phần mềm sang Make in Vietnam; từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính; công nghệ trở thành lực lượng sản xuất cơ bản; nhân tài trở thành nguồn lực cơ bản; đổi mới trở thành động lực cơ bản”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trước đây, chúng ta đã từng nói KHCN là lực lượng sản xuất, thì nay là lực lượng sản xuất cơ bản. Chúng ta nói nhân lực là nguồn lực, nay chúng ta nhấn mạnh tài năng, nhân tài là nguồn lực cơ bản. Trước đây, chúng ta nói ĐMST là động lực của phát triển, thì nay là động lực cơ bản của phát triển. Cả 3 yếu tố: công nghệ, nhân tài và đổi mới sáng tạo, thì đối với lĩnh vực CNTT, CNS lại càng có ý nghĩa quyết định. 3 yếu tố ấy mà vận vào ngành của chúng ta thì là: công nghệ số, nhân tài số và chuyển đổi số.
“Đôi cánh để Việt Nam bay lên hùng cường thịnh vượng chính là khát vọng và công nghệ. Báo chí, xuất bản và truyền thông hãy thổi khát vọng “hoá rồng, hoá hổ” ngấm vào từng người Việt Nam. Công nghệ số, nhân tài số và chuyển đổi số hãy tạo lên chiếc cánh công nghệ Việt Nam”, Bộ trưởng chia sẻ.
Theo Bộ trưởng, ngành TT&TT luôn tạo ra những thách thức mới cho chính mình để từ đó vươn lên, và cũng luôn sẵn sàng nhận những nhiệm vụ mà Thủ tướng sẽ giao. Nhiệm vụ khó khăn, thách thức lớn luôn tạo ra sự phát triển mới và giữ chúng ta ở vị trí xuất sắc, nếu không thì ngành TTTT sẽ chỉ là trung bình.
“Với tinh thần chiến binh, chúng tôi xin nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cam kết./.