Bộ GTVT chỉ đạo "nóng" sau khi nhiều trung tâm đăng kiểm bị công an khám xét

Phi Long/VOV.VN |

Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định để kịp thời khắc phục sơ hở, bất cập, tiêu cực trong hoạt động kiểm định phương tiện.

Bộ GTVT vừa phát đi văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam; Sở GTVT các địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Bộ GTVT chỉ đạo nóng sau khi nhiều trung tâm đăng kiểm bị công an khám xét - Ảnh 1.

Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 98-02D của tỉnh Bắc Giang mới bị đình chỉ do đăng kiểm xe cũ nát chở công nhân trong các khu công nghiệp.

Phía Bộ GTVT đánh giá hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của phương tiện và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, qua công tác thanh tra của Thanh tra Bộ GTVT và phản ánh trong thời gian vừa qua cho thấy, công tác kiểm định còn nhiều thiếu sót, đặc biệt tồn tại, vi phạm của đăng kiểm viên, đăng kiểm viên thực tập có chiều hướng gia tăng, tập trung ở các lỗi như: không thực hiện đầy đủ nội dung kiểm định, bỏ lỗi vi phạm (đèn phương tiện, kích thước thùng xe tải...), thực tập, báo cáo kết quả thực tập kiểm tra phương tiện không đúng quy định...

Để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, thiếu sót và nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định để kịp thời khắc phục sơ hở, bất cập nhằm loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm định phương tiện; nhận diện từng khâu, từng vị trí công tác tiềm ẩn, dễ phát sinh tiêu cực để xây dựng, thực hiện các giải pháp, biện pháp cụ thể phòng ngừa, kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định.

Cục Đăng kiểm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; tập trung kiểm tra hoạt động kiểm định của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới; thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thông qua hệ thống giám sát trực tuyến tại Cục Đăng kiểm.

Đơn vị này cũng được giao kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác tập huấn nghiệp vụ đăng kiểm viên xe cơ giới; nghiên cứu xây dựng, thực hiện các giải pháp hiệu quả để kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm của trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên.

Yêu cầu các Sở GTVT tăng cường công tác quản lý hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tập trung thanh tra, kiểm tra hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT./.

Đường dây hối lộ, giả mạo tại 9 trung tâm đăng kiểm đã bỏ qua lỗi của hơn 70.000 xe

Chiều 20/12, Công an TP.HCM tổ chức buổi họp báo, cung cấp thông tin về đường dây đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác tại 9 Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp.

Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM xác định các giám đốc trung tâm đăng kiểm có vai trò cầm đầu trong đường dây nói trên.

Tại họp báo, Công an TP.HCM cho biết, sau khi xác định rõ vai trò, phương thức thủ đoạn hoạt động của các nghi phạm, Công an TP.HCM đã triển khai kế hoạch phá án, bắt giữ các nghi phạm, khám xét khẩn cấp tại 9 trung tâm đăng kiểm, gồm: 62-03D (Long An); 71-02D (Bến Tre); 83-02D (Sóc Trăng); 66-02D (Đồng Tháp); 63-03D (Tiền Giang, cùng do Trần Lập Nghĩa làm giám đốc); 50-15D (TP.Thủ Đức, do Nguyễn Trọng Vĩnh làm giám đốc); 50-07V (Q.Bình Tân), 50-10D (H.Củ Chi), 50-17D (H.Nhà Bè, cùng TP.HCM).

Theo Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, để có tiền chia cho các nhân viên và làm "quỹ hoạt động", giám đốc các trung tâm đăng kiểm nêu trên đã chỉ đạo nhân viên trung tâm, bao gồm các phó giám đốc, đăng kiểm viên, thực tập viên, nhân viên văn phòng… trong quá trình kiểm định chất lượng, đo tiêu chuẩn khí thải bảo vệ môi trường đã cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Thủ đoạn cụ thể: bỏ qua các lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công, cho thuê các phụ tùng thay thế các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn, sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải…

Tất cả các phương tiện được bỏ qua lỗi vi phạm này đều do “cò mồi” đưa đến kiểm định, hối lộ tiền, từ đó các trung tâm thu lợi bất chính gần 10 tỉ đồng.

Đáng chú ý, tại các trung tâm đăng kiểm do Trần Lập Nghĩa làm giám đốc, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM phát hiện nhóm hành vi “giả mạo trong công tác” với thủ đoạn lập danh sách đăng kiểm viên nhưng không làm việc tại trung tâm và chỉ đạo nhân viên cấp dưới giả mạo chữ ký của các đăng kiểm viên để ký vào các hồ sơ kiểm định. Các trung tâm này đã cấp 52.291 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho các xe ô tô đến đăng kiểm trái với quy định.

Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM cho biết đến nay CQĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt 23 bị can để tạm giam về các hành vi “môi giới hối lộ”, “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ” và “giả mạo trong công tác”.

Theo thiếu tá Hưng, trong hôm nay 20/12, Công an TP.HCM tiếp tục bắt giữ 10 nghi phạm tại Trung tâm đăng kiểm 50-10D, Trung tâm đăng kiểm 50-07V để điều tra làm rõ về các hành vi sai phạm. Hiện vụ án đang được CQĐT điều tra mở rộng, làm rõ trách nhiệm của những người liên quan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại