Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Ross nói: "Tôi nghĩ rằng virus Corona sẽ giúp đẩy nhanh đưa công việc trở về Bắc Mỹ".
Sự lây lan nhanh chóng của căn bệnh này đã làm dấy lên lo ngại về tác động đối với nền kinh tế Trung Quốc và tăng trưởng toàn cầu.
Trả lời câu hỏi trên Fox Business News về việc liệu dịch bệnh có gây rủi ro cho nền kinh tế Mỹ hay không, ông Ross nói: "Tôi không muốn nói về một chiến thắng khi nhắc đến bệnh dịch nghiêm trọng".
"Thực tế là, căn bệnh này mang lại cho doanh nghiệp một lý do nữa để cân nhắc khi tính toán đến chuỗi cung ứng của họ ... Vì vậy, tôi nghĩ rằng nó sẽ giúp đẩy nhanh việc quay trở lại công việc ở Bắc Mỹ," ông nói tiếp.
Sau đó, Bộ Thương mại Mỹ một lần nữa nhắc lại ý kiến của ông Ross: "Như Bộ trưởng đã nói, bước đầu tiên là kiểm soát virus và giúp đỡ các nạn nhân của căn bệnh này".
Một điều quan trọng nữa là phải xem xét việc kinh doanh với một quốc gia đã nhiều lần giấu diếm những rủi ro thực sự, Người phát ngôn Bộ Thương mại nói thêm.
Các nhận xét đã bị chỉ trích nặng nề. Nghị sĩ đảng Dân chủ Don Beyer đặt câu hỏi về việc tìm kiếm lợi thế kinh doanh trong đợt bùng phát bệnh dịch chết người trên Twitter cá nhân.
Nhà kinh tế Simon Baptist của Economist Intelligence Unit tại Singapore nói với BBC rằng những bình luận của ông Ross là "kỳ lạ".
"Các công ty sẽ không đưa ra quyết định đầu tư nghiêm túc và dài hạn trên cơ sở sự bùng phát của một căn bệnh có thể kéo dài 3 đến 6 tháng," ông nói.
Ông lập luận rằng virus có nhiều khả năng có tác động tiêu cực đến Mỹ hơn là tích cực: "Trên thực tế, Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn đối với Mỹ, vì vậy nếu nền kinh tế Trung Quốc chậm lại đáng kể cũng sẽ có tác động ngược trở lại đối với Mỹ", ông Baptist nói thêm.
Đáp trả, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích bình luận Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross là không tử tế.
Người bạn trong lúc khó khăn là người bạn thực sự. Nhiều quốc gia đang hỗ trợ Trung Quốc chiến đấu với sự lây lan thông qua các phương tiện khác nhau. Ngược lại, những lời nói và hành động của Mỹ không đúng với thực tế và thậm chí không phù hợp, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.
Về thông tin Trung Quốc che giấu các rủi ro, bà Hoa Xuân Oánh cũng nói rằng, Trung Quốc đang chia sẻ dữ liệu và thông tin về coronavirus với cộn đồng quốc tế, bao gồm cả Mỹ một cách minh bạch, có trách nhiệm và kịp thời.
Các nhà kinh tế cho rằng virus Corona có thể có tác động lớn hơn đến nền kinh tế thế giới so với dịch SARS diễn ra hồi năm 2002. Dịch SARS đã lây nhiễm hơn 8.000 người, khiến hơn 700 người tử vong và ước tính gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hơn 30 tỷ USD.
Virus Corona đã buộc các công ty toàn cầu trong đó có cả các đại gia công nghệ, nhà sản xuất xe hơi và các hãng bán lẻ tạm thời đóng cửa ở Trung Quốc khi chính quyền kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và áp đặt các lệnh hạn chế đi lại trên cả nước.