Bộ trưởng Bộ Công thương và 2 "sếp" Sabeco, Habeco sẽ bị kiểm điểm nếu chậm niêm yết trong năm 2016?

Trước thông tin việc niêm yết Habeco và Sabeco lên sàn chứng khoán có thể bị lùi lại vào quý I/2017, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định Bộ trưởng Công Thương và lãnh đạo hai doanh nghiệp này sẽ bị kiểm điểm.

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều ngày 4-10, câu chuyện thoái vốn của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) được nhắc đến.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng về việc thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, trong đó có Sabeco và Habeco, Bộ Công Thương đã nhanh chóng triển khai các khâu liên quan để thực hiện mục tiêu là đưa hai doanh nghiệp này lên sàn trong năm 2016 theo yêu cầu của Thủ tướng.

Được biết, hiện nay Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện vấn đề này, triển khai công tác rất quyết liệt, để làm sao trong thời gian sớm nhất đưa lên sàn. Tuy nhiên, Thứ trưởng cho biết việc niêm yết hai doanh nghiệp này lên sàn sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến.

“Thủ tục mất nhiều thời gian, thông thường thì thủ tục lên sàn cũng đã mất 12 – 14 tuần. Song lại vướng một số vấn đề nữa như Habeco hiện đang có vướng mắc chưa giải quyết được với nhà đầu tư chiến lược là Carberg giải quyết mất nhiều thời gian, nên khả năng lên sàn trong năm nay khó khăn. Việc lên sàn nếu có chậm thì cũng sang quý I-2017” – Thứ trưởng nói.

Trước thông tin thoái vốn Nhà nước tại Sabeco và Habeco, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ một lần nữa khẳng định chủ trương của Chính phủ là cương quyết sắp xếp lại DNNN trong đó có bán vốn nhà nước tại DN. Việc này sẽ được thực hiện minh bạch và công khai, bán cho DN trong và ngoài nước.

Việc yêu cầu hai DN phải lên sàn là nhằm tạo cơ sở tham chiếu giá để các cơ quan nghiên cứu và tư vấn thêm.

Bởi về nguyên tắc là khi thoái vốn các DN này thì phải có tư vấn đấu thầu để xác định giá trị DN, trên cơ sở đó bán cho đơn vị nào mua được giá cao nhất và không có lợi ích nhóm trong bán cổ phần cho DN.

Bộ trưởng cũng khẳng định, việc bán là nhằm mang lại mục tiêu lợi ích cao nhất cho Nhà nước nên không bán chỉ định và không bán giới hạn.

“Chủ trương là bán dứt khoát và phải đấu giá, không bán chỉ định cho một nhà đầu tư. Hai DN lên sàn chậm thì là lỗi của hai DN, vì hai DN này đã cổ phần hóa lâu rồi nhưng không lên sàn.

Chỉ đạo của Chính phủ là niêm yết ngay trong năm 2016, nếu thực hiện chậm thì Bộ trưởng Bộ Công Thương phải kiểm điểm và hai DN phải kiểm điểm” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại