Bộ Quốc phòng thông tin về giải pháp bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông

Hoàng Đan |

Bộ Quốc phòng nêu rõ, quan điểm nhất quán của Việt Nam là những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ kiên quyết không nhân nhượng, song phải có đối sách phù hợp.

Chuẩn bị sẵn hồ sơ đấu tranh pháp lý đưa ra quốc tế vào thời điểm phù hợp

Nêu ý kiến trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14, cử tri TP. Đà Nẵng đã kiến nghị Chính phủ có biện pháp kiên quyết hơn nữa với hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc. Cùng với đó, xem xét giải pháp khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Trả lời về vấn đề này, Bộ Quốc phòng nêu rõ, chúng ta thống nhất rằng, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, lâu dài. Do đó, quan điểm chung của ta là quán triệt tinh thần "kiên quyết, kiên trì", "dĩ bất biến, ứng vạn biến"; những gì thuộc về nguyên tắc kiên quyết giữ.

Những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ kiên quyết không nhân nhượng, song phải có đối sách phù hợp, vì truyền thống văn hóa giữ nước của chúng ta là hòa hiếu, hòa bình, giữ vững chủ quyền biển, đảo nhưng phải ổn định chính trị, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Trên cơ sở đó, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán Quốc gia đối với các vùng biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo đúng Luật Biển 1982.

Vừa hợp tác, vừa đấu tranh, chủ động, kiên trì giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế; xây dựng lực lượng biển đủ mạnh để xử lý thắng lợi các tình huống. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, khu vực, các nước lớn, tránh để bị cô lập.

Giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ không để các nước khác chi phối, lôi kéo, chia rẽ, làm phương hại tới lợi ích Quốc gia, dân tộc.

Theo Bộ Quốc phòng, dự báo tình hình Biển Đông sẽ còn diễn biến phức tạp, để đấu tranh kiên quyết hơn nữa đối với các hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp về chính trị, kinh tế, ngoại giao, thông tin tuyên truyền trong và ngoài nước, nhất là truyền thông báo chí để nâng cao nhận thức về cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, đảo; cũng như quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong giải quyết tranh chấp trên biển; đồng thời nâng cao lòng yêu nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế trong đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cùng với đó, theo Bộ Quốc phòng, cần tích cực chuẩn bị, thu thập tài liệu, chuẩn bị sẵn hồ sơ đấu tranh pháp lý đưa ra quốc tế vào thời điểm phù hợp; kiên quyết phản bác các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng tình hình phức tạp trên Biển Đông để kích động, lôi kéo gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bộ Quốc phòng cũng nhấn mạnh, cần đẩy mạnh các giải pháp về quốc phòng, an ninh, có phương án bảo vệ vững chắc chủ quyền trên thực địa, sẵn sàng đấu tranh với các nhóm tàu Trung Quốc có khả năng xâm phạm vùng biển Việt Nam, cũng như chủ động bảo vệ an ninh, an toàn, trật tự xã hội trên các tỉnh, thành, địa phương trong cả nước, đặc biệt trong các tình huống trên biển có diễn biến phức tạp xảy ra, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, củng cố tình hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Giáo dục về Biển đảo đã được đưa vào dạy khá toàn diện trong nhà trường

Trước đó, cử tri tỉnh An Giang kiến nghị về vấn đề liên quan sự kiện tàu Hải Dương Địa Chất 8 và tàu hải cảnh của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã có nhiều trang mạng xã hội đăng tải, phản ánh thông tin không chính thống, làm cho người dân khó khăn trong tiếp cận sự thật, hiểu đúng bản chất sự việc.

Cử tri đề nghị Chính phủ cần có thông tin đầy đủ và chính xác, kịp thời truyền tải đến nhân dân, bên cạnh đó cần đưa vào trường học để giáo dục học sinh tinh thần dân tộc, hình thành tư tưởng về độc lập, chủ quyền Quốc gia; bên cạnh đó, đề nghị sử dụng mọi nguồn lực để tăng cường bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên biển.

Trả lời về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, nội dung giáo dục về biển đảo đã được đề cập ở nhiều bài học trong sách giáo khoa hiện hành của một số môn học cấp THCS, THPT, đặc biệt là các môn khoa học xã hội.

Trong nội dung lịch sử địa phương, hầu hết các tỉnh ven biển (28 tỉnh) đã biên soạn được nội dung về vị trí địa lý, lịch sử, phát triển kinh tế. Các tiềm năng, hiện trạng phát triển kinh tế vùng biển đảo và cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Nội dung đề cập đến quá trình hình thành, phát triển của tỉnh, lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, hải đảo và tiến hành tập huấn, giảng dạy những tài liệu này.

Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đã kết hợp với các hoạt động ngoại khóa để giáo dục chủ quyền biển đảo, giáo dục lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương như ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Như vậy, vấn đề giáo dục về biển đảo đã được đưa vào dạy học khá toàn diện trong nhà trường.

Theo Bộ GD&ĐT, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung biển đảo đã được quy định trong chương trình các môn Tự nhiên và xã hội, Khoa học, Lịch sử và Địa lí (ở cấp tiểu học); Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí (ở cấp THCS); Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật (ở cấp HPT).

Đồng thời, các địa phuơng sẽ tổ chức biên soạn nội dung biển đảo vào nội dung giáo dục địa phuơng trong chuơng trình giáo dục phổ thông mới theo huớng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại