Tại phiên họp báo thường kỳ quý 4-2017 của Bộ Nội vụ vào ngày 12/12, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, sau khi có chuyện xe biển xanh (tháng 6 năm 2016) khi bầu HĐND, QH xong thì phát hiện chuyện hồ sơ Trịnh Xuân Thanh, Tổng Bí thư chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền làm rõ việc này.
"Tại thời điểm tháng 6 cá nhân tôi không phụ trách Vụ chính quyền địa phương. Tôi được phân công lại, từ tháng 4 năm 2016 không phụ trách Vụ chính quyền địa phương mà từ thời điểm đó (15/4/2016 đến nay đồng chí) thứ trưởng Trần Anh Tuấn phụ trách Vụ Chính quyền địa phương.
Khi có vụ việc đó tôi có báo cáo Bộ trưởng đề nghị Vụ chính quyền địa phương báo cáo lại xem hồ sơ đó để xem bút tích lãnh đạo Bộ phê như thế nào và đề xuất của Vụ chính quyền địa phương về trường hợp này ra sao thì lúc đó anh em báo cáo không tìm thấy", báo Infonet ghi lời Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng tại buổi họp.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nói về việc mất hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh. Ảnh: PL&XH
Trả lời về vấn đề thất lạc hồ sơ Trịnh Xuân Thanh, ông Nguyễn Duy Thăng nói "hiện Bộ Công an điều tra, trường hợp thấy có vấn đề cần phải truy tố vì cái này liên quan đến nhiều người, trong đó có cả cá nhân tôi. Khi nào Bộ Công an có kết luận sự việc, Bộ Nội vụ sẽ thông báo cụ thể".
Ông Thăng khẳng định lại rằng, "thời điểm đó tôi không còn phụ trách Vụ Chính quyền địa phương nữa", thông tin trên báo Tuổi trẻ.
Đối với việc lộ lọt thông tin, ông Thăng cho biết: "Tại phiên họp 19 của Ủy ban kiểm tra TƯ khi thông báo kết luận của phiên họp đó không có nội dung liên quan đến Bộ Nội vụ. Khi làm việc với Ủy ban kiểm tra TU đồng chí Cao Văn Thống ủy viên ủy ban kiểm tra, trưởng đoàn có yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ bảo mật thông tin cuộc họp ngày 28/11.
Tại phiên họp báo tôi cũng đã trả lời không hiểu nhà báo lấy thông tin ở đâu. Thông tin không công bố, ủy ban kiểm tra trung ương yêu cầu bảo mật mà nhà báo lại đưa lên báo có những thông tin gây dư luận không tốt, cái này thông tin phải bảo mật không được công khai nếu vi phạm thì phải xử lý theo quy định cả pháp luật.
Cán bộ công chức cũng quy định rồi, đặc biệt quy định Đảng, điều lê đảng cũng quy định anh làm làm lộ lọt thông tin thì xử lý như thế nào?", báo Infonet ghi.
Cũng theo ông Thăng, trong trường hợp thấy có vấn đề thì phải truy tố chuyện mất hồ sơ, vì đây là hồ sơ cán bộ, phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về văn thư lưu trữ và quy chế làm việc của Bộ, của đơn vị.
Trịnh Xuân Thanh - nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) - được xác định là người chịu trách nhiệm chính về các vi phạm và thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng ở PVC trong giai đoạn từ 2011 - 2013.
Ngày 16/9/2016, Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can số 363/C46(P12) đối với Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Trịnh Xuân Thanh.
Tuy nhiên, sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn, căn cứ các điều 34, 82, 161, 169, 187, 256 và 260 Bộ luật tố tụng hình sự, Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định số 19/C46-P12 truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.
Ngày 31/7, Bộ Công an cho biết Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú.
Theo TAND TP Hà Nội, tháng 1-2018, tòa sẽ xét xử vụ án của Trịnh Xuân Thanh, thông tin trên báo Tuổi trẻ.
Tổng hợp