Thời gian gần đây, dư luận đang có nhiều tranh cãi trước Dự thảo Luật giáo dục Đại học (GDĐH) mới tại khoản 2, Điều 6 quy định về trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học.
Theo đó các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo tập trung và đào tạo không tập trung. Điều đó đồng nghĩa hai hình thức đào tạo chính quy và tại chức sẽ không còn ghi trên văn bằng nữa.
Tuy nhiên, điều này khiến nhiều người lo lắng, vì chất lượng đào tạo chính quy và tại chức ở Việt Nam hiện nay vẫn khác xa nhau.
Trả lời về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cho biết, Luật GDĐH năm 2012 đã quy định:
“Chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học gồm mục tiêu, chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp; nội dung đào tạo, phương pháp đánh giá đối với mỗi môn học và ngành học, trình độ đào tạo” và “Chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục thường xuyên có nội dung như chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục chính quy” (Điều 36)...
Như vậy, Luật hiện hành đã quy định từ chương trình đào tạo (bao gồm cả chuẩn đầu ra) đến điều kiện dạy-học, chuẩn giảng viên… của hình thức giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên đều như nhau. Hai hình thức này chỉ khác nhau ở khâu tổ chức đào tạo, để phù hợp với điều kiện, nhu cầu học tập khác nhau của người học.
Cũng theo bà Kim Phụng, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GDĐH lần này dự kiến quy định: Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được thực hiện theo các hình thức là đào tạo tập trung, đào tạo không tập trung (sửa Điều 6).
Cụm từ “đào tạo tập trung hoặc không tập trung” với hàm ý là hai hình thức chỉ khác nhau về phương thức tổ chức đào tạo; còn từ chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, cách thức tổ chức, kiểm tra đánh giá... đến chuẩn đầu ra đều phải được xây dựng và thực hiện đúng như hình thức tập trung.
Vì vậy, dự kiến sẽ không còn 2 loại văn bằng với tên gọi riêng biệt là bằng chính quy, bằng vừa học vừa làm nữa. Điều này phù hợp với thông lệ chung trên thế giới.
Bà Kim Phụng cũng giải thích thêm: Dự thảo Luật sửa đổi lần này cũng hướng đến việc yêu cầu các trường đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn để người học được xã hội đánh giá bình đẳng như nhau khi theo học đại học với các hình thức đào tạo khác nhau.
“Các cơ sở đào tạo thực sự quan tâm đến chất lượng đào tạo của cơ sở mình thì sẽ phải thận trọng khi cấp văn bằng. Tất cả văn bằng cấp ra là phải đạt chuẩn chất lượng” – đại diện Bộ GDĐT nhấn mạnh.