Bộ Công thương lên tiếng vụ "ba cán bộ trốn ở lại Đức"

NGỌC AN - VIỆT HÀ |

Bộ Công thương khẳng định trong quyết định về đoàn công tác không có tên ba cá nhân bỏ trốn.

Ngày 4-11, Bộ Công Thương đã chính thức thông tin về vụ việc có ba cán bộ lợi dụng đoàn xúc tiến thương mại trốn ở lại Đức mà báo chí đã nêu ngày 3-11.

Bộ Công thương cho hay ngày 26-12-2014, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2015.

Theo đó, Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức đoàn xúc tiến thương mại tại Đức và Ba Lan trong năm 2015. Theo quy định, Vụ Thị trường châu Âu đã đăng thông tin mời các doanh nghiệp tham gia.

Đến ngày 29-10-2015, có 19 doanh nghiệp đăng ký theo thư mời tham gia Đoàn xúc tiến thương mại. Trong quá trình triển khai, Bộ đã chỉ đạo rà soát trên tinh thần tiết kiệm và hiệu quả.

Do vậy, Vụ Thị trường châu Âu rà soát lại và chỉ lấy 16 doanh nghiệp. Bộ đã ban hành Quyết định ngày 13-11-2015 thành lập Đoàn.

Ngày 16-11-2015, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu đã ký công hàm gửi Đại sứ quán Đức tại Hà Nội thông báo danh sách chính thức của Đoàn và 3 cá nhân không được duyệt tham gia Đoàn phải tự chịu trách nhiệm về chuyến công tác của mình (nếu có).

Công hàm này được chuyển trực tiếp tới Đại sứ quán Đức trước khi phía Đức cấp visa.

Bộ Công Thương xin khẳng định:

- Quyết định thành lập Đoàn xúc tiến thương mại tại Đức và Ba Lan không có tên các cá nhân được cho là lợi dụng đoàn xúc tiến thương mại trốn sang Đức như đã được đề cập trên báo.

Giải thích cụ thể hơn với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Quốc Vượng - thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định không có chuyện một số cá nhân đi cùng đoàn xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương để trốn sang Đức.

Theo Thứ trưởng Vượng, các cá nhân được cho là “lợi dụng đoàn công tác để trốn ra nước ngoài” sau khi không được nằm trong danh sách thành viên đoàn xúc tiến thương mại sang Cộng hòa Liên bang Đức và Ba Lan, các thành viên này đã tự làm các giấy tờ, thủ tục và sang nước ngoài, trốn ở lại nước Đức chứ không đi theo đoàn công tác của Bộ Công Thương.

“Khi chưa thành lập đoàn xúc tiến thương mại, các cá nhân này có nhận được giấy mời của thương vụ Việt Nam bên Đức, cùng các giấy tờ khác thì họ đã chủ động làm visa với đại sứ quán Đức.

Sau đó họ đã đi sang Đức và Ba Lan cùng thời gian với đoàn công tác của Bộ, chứ không đi cùng đoàn xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức” - Thứ trưởng khẳng định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại