Là loài côn trùng được nuôi để làm thức ăn, chế biến các loại tinh dầu… cà cuống được nhiều nông dân nuôi thành công, cho thu nhập tốt. Mô hình nuôi cà cuống của anh Hoàng Anh (Xóm Mít, Đông Ngàn, Đông Anh, Hà Nội) là một ví dụ.
Xuất phát từ sở thích cá nhân, ban đầu chỉ nuôi vài cặp cà cuống để chơi và thử nghiệm, anh Hoàng Anh đã xây dựng được mô hình cà cuống, cho thu nhập hơn nửa tỷ đồng mỗi năm.
Cà cuống được nuôi thành công, mang nguồn thu ổn định cho anh Hoàng Anh (Xóm Mít, Đông Ngàn, Đông Anh, Hà Nội).
Anh Hoàng Anh kể, từ năm 2019, anh bắt đầu nuôi cà cuống. Khi này, anh nhận thấy loài động vật này đã ít nhìn thấy trong tự nhiên. Năm đầu tiên, ông chủ 9X bỏ ra 100 triệu đồng sang Campuchia để nhập con giống.
"Khi mới nuôi, do thiếu kinh nghiệm, không có mô hình để tham khảo, số lượng cà cuống bị chết nhiều. Chưa kể, cá cho cà cuống ăn cũng chết, có khi nhiều cả chục kg, bốc mùi khắp nhà, khiến tôi rất nản lòng. Bố mẹ cũng bảo tôi bỏ công việc này đi, mọi thứ rất khó khăn", ông chủ trang trại chia sẻ.
Hoàng Anh cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến cà cuống chết như nguồn nước, hay là tập tính ăn thịt đồng loại của loài vật này. "Khi thay đổi môi trường, cà cuống sẽ dễ hoảng và tự tấn công, ăn thịt lẫn nhau.
Đến khi hiểu được, tôi chỉ dùng nước giếng khoan sạch nuôi cà cuống. Nếu dùng nước máy thì phải phơi nắng 1 ngày để bay hết clo. Đồng thời tạo các giá thể nilon để cà cuống làm nơi tránh trú", Hoàng Anh cho biết.
Cà cuống được nuôi trong các bể riêng.
Theo kinh nghiệm nuôi cà cuống, thức ăn cho loài côn trùng này không quá phức tạp, chỉ cần cá nhỏ, ếch nhái nhỏ thả vào bể để cà cuống tự săn mồi. Tuy nhiên, số lượng thức ăn cũng luôn được duy trì ổn định tương đương với số lượng cà cuống trong bể.
Trung bình với mỗi bể hiện nay khoảng 70-100 con cà cuống, anh Hoàng Anh luôn duy trì lượng cá khoảng 100 con cá nhỏ. Mỗi sáng, anh sẽ kiểm tra lượng cá còn lại, vớt bỏ cá chết bởi cà cuống chỉ săn bắt sinh vật sống.
Thức ăn cho cà cuống là các loại cá nhỏ.
Anh Hoàng Anh chia sẻ, cà cuống là loài sinh sản nhanh với số lượng lớn và đẻ quanh năm. Mỗi lần đẻ chỉ cách nhau từ 1 - 1,5 tháng/lứa. Mỗi ổ cà cuống có khoảng 100 trứng, sau từ 5 - 7 ngày trứng nở thành ấu trùng. Từ khi nở đến lúc xuất bán thương phẩm khoảng 45 ngày, còn nuôi để sinh sản thì khoảng 75 ngày.
Để hỗ trợ chúng sinh sản, Hoàng Anh làm các cọc gỗ trong bể nuôi. Đây là điểm để cà cuống đực trèo lên tiết ra tinh dầu dụ dỗ cà cuống cái đến giao phối. Cà cuống cũng đẻ trứng trên cọc, việc ấp trứng sẽ do con đực phụ trách.
Cà cuống đẻ trứng trên các cọc gỗ trong bể.
Với kinh nghiệm của mình, 9x khuyên những người muốn nuôi cà cuống nên nuôi từ con giống. Ngoài ra, cần chú ý duy trì số lượng cặp con giống đủ trong một diện tích nhất định mới có được tỷ lệ sinh cao. "Ví dụ, một thùng xốp nên duy trì ít nhất 7-10 cặp cà cuống giống", anh cho biết.
Sau 1 năm, nhờ kiên trì, Hoàng Anh xuất được lứa cà cuống đầu tiên ra thị trường. Đến nay, khu nuôi cà cuống đã rộng rãi hơn với hơn 60m2 bể nuôi tại Đông Anh. Mỗi tháng, anh xuất ra thị trường khoảng 1000 - 2000 con.
Bể cà cuống của anh Hoàng Anh.
Cà cuống đực còn sống, nguyên con có giá 50.000 đồng/con, 1kg dao động từ 80 - 100 con. Tuỳ theo người mua thường xuyên hay khách lẻ, mua lẻ hay mua buôn mà giá cả cũng có thể dao động từ 27.000-32.000 đồng/con. Trừ hết mọi chi phí, Hoàng Anh thu về được 20- 50 triệu đồng.
Bên cạnh việc bán cà cuống giống, thịt, Hoàng Anh cũng đã đẩy mạnh thêm sản xuất, chế biến nước mắm để đa dạng hóa các sản phẩm từ cà cuống, tăng giá trị và có thêm đầu ra ổn định hơn.