Bitcoin tăng giá sốc là 1 thảm họa đối với môi trường

Thanh Hải |

​Cơn tăng điên cuồng của Bitcoin trong năm nay có thể giúp cho nhiều nhà đầu cơ trở nên rất giàu có, nhưng một số nhà quan sát lại cho rằng đó là điều khủng khiếp cho môi trường.

Từng bị xa lánh vì được cho là nơi trú ẩn của những kẻ lập dị và giới tội phạm, Bitcoin đã bắt đầu hấp dẫn những nhà đầu tư chính thống. Giá của đồng tiền số này đã tăng từ mức chưa tới 1.000 USD hồi đầu năm lên hơn 17.000 USD (tính đến thứ Năm tuần này).

Những người chỉ trích cho rằng đồng tiền số này là một sự lừa đảo và họ cảnh báo rằng sẽ có một vụ vỡ bong bóng. Về phần mình, những người quan tâm đến môi trường lại lo lắng về một nguy cơ khác: nó đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu.

“Bitcoin đang làm chậm lại nỗ lực nhằm đạt được sự chuyển đổi nhanh chóng nhằm thoát khỏi các nhiên liệu hóa thạch”, nhà khí tượng học Eric Holthaus viết trong một bài báo cho trang tin tức về môi trường Grist trong tuần này.

Không giống như đồng USD hay bảng Anh, những đồng tiền số này không gắn liền với một ngân hàng trung ương nào. Thay vào đó, các đồng Bitcoin được “đào” bởi những chiếc máy tính tại các trung tâm dữ liệu khổng lồ đang “ngốn” những lượng năng lượng “khủng”.

Mỗi năm Bitcoin dùng khoảng 32 terawatt năng lượng, tương đương với khối lượng đủ để cung cấp cho 3 triệu hộ gia đình Mỹ, theo chỉ số tiêu thụ năng lượng Bitcoin được xuất bản bởi Digiconomist, một trang web chuyên về các đồng tiền kĩ thuật số.

Trong khi đó, việc xử lý hàng tỉ vụ giao dịch thẻ Visa diễn ra mỗi năm chỉ tiêu thụ một lượng năng lượng chỉ đủ cung cấp cho 50.000 hộ gia đình Mỹ, Digiconomist cho biết.

Đáng lo hơn là, nhu cầu năng lượng của Bitcoin có thể sẽ bùng nổ.

“Khi Bitcoin phát triển, những bài toán mà máy tính phải giải để kiếm được Bitcoin sẽ trở nên càng ngày càng khó hơn, nghĩa là năng lượng dùng cho quá trình xử lý sẽ phải cần nhiều hơn”, Holthaus viết.

Và ông đã đưa ra một dự báo giật mình: Nếu không có sự thay đổi đáng kể trong cách các giao dịch được xử lý, thì Bitcoin có thể tiêu thụ một lượng điện đủ để cung cấp cho cả nước Mỹ vào giữa năm 2019.

Sáu tháng sau, nhu cầu đó có thể bằng với mức tiêu thụ năng lượng của toàn thế giới.

Sự thật rằng hầu hết Bitcoin được ‘đào’ ở Trung Quốc cũng đang làm tăng thêm sự lo ngại về mặt môi trường.

Những vùng xa xôi của quốc gia này đã chứng minh sức hấp dẫn dành cho các trung tâm dữ liệu mà việc đào Bitcoin đòi hỏi vì “điện và đất ở đó rất rẻ”, các nhà nghiên cứu tại đại học Cambridge viết trong một nghiên cứu gần đây.

Phần lớn nguồn năng lượng ở các tỉnh của Trung Quốc là từ những nhà máy điện hoạt động bằng than đá kém hiệu quả được dựng lên nhằm đón đầu các dự án xây dựng lớn mà không bao giờ xảy ra, các nhà nghiên cứu cho biết.

Digiconomist cho biết những nhu cầu năng lượng của một trại ‘đào’ Bitcoin ở vùng Nội Mông mà họ từng tới thăm là tương đương với nguồn năng lượng để vận hàng một chiếc Boeing 747.

Về phần mình, những tổ chức đào Bitcoin lớn đã lên tiếng biện hộ cho những hoạt động của họ khi bảo các nhà nghiên cứu của đại học Cambridge rằng họ tin là tác động về mặt môi trường do họ gây ra là chẳng đáng gì so với việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ.

Họ cũng dẫn chứng thêm là nhiều nguồn năng lượng thân thiện với môi trường hơn cũng đang được sử dụng. Chẳng hạn, trại HydroMiner ở thủ đô Vienna của Áo, đang sử dụng thủy điện cho việc “đào” Bitcoin của mình.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại rất bi quan về tương lai, vì sàn giao dịch quyền chọn của Chicago và sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CME) sẽ cho phép nhà đầu tư bắt đầu giao dịch các hợp đồng Bitcoin tương lai ngay trong tháng này.

Điều đó có thể tạo ra nhiều sự quan tâm từ các quỹ đầu tư lớn và chuyên nghiệp, những người cho đến nay chỉ đứng “ngoài rìa” bữa đại tiệc Bitcoin. Nhiều nhu cầu hơn dành cho đồng tiền số này có thể sẽ đẩy việc sử dụng năng lượng thậm chí lên cao hơn.

“Các hợp đồng tương lai của CME có thể ‘bình thường hóa’ Bitcoin, điều mà sẽ là thảm họa cho môi trường”, John Quiggin, giáo sư kinh tế tại đại học Queensland, dự báo.

Ông tin rằng các nhà làm chính sách sẽ không thể làm ngơ trước hậu quả đó lâu hơn nữa.

“Cần phải làm một điều gì đó sớm”, ông nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại