Có một thực tế khá đáng buồn là hầu hết người Mỹ đang vật lộn để tiết kiệm khoảng 5% thu nhập mỗi tháng. Mặc dù việc bỏ ra một khoản tiền – dù nhỏ hay lớn – cũng là quyết định tài chính khôn ngoan. Tuy nhiên, nếu con số quá nhỏ, nó sẽ không thể giúp bạn đạt mục tiêu tài chính dài hạn, chẳng hạn như mua nhà hay nghỉ hưu sớm.
Vì vậy, bạn nên đặt ra mục tiêu cho mình là tiết kiệm từ 30-50% thu nhập mỗi tháng, thậm chí lớn hơn dù mức lương của bạn là 500$ hay 5.000$. Dưới đây là chia sẻ từ những người đã làm được điều đó.
Kaitlyn Tessmer, 25 tuổi, Chuyên gia marketing công nghệ tại San Jose, Calif.: Tận dụng những thứ miễn phí
Tôi tốt nghiệp đại học với 15.000 USD tiền nợ học phí vào năm 2013. Điều này thực sự là một mối lo ngại lớn khi tôi chỉ kiếm được 30.000 USD với công việc full-time đầu tiên. Tôi muốn nhanh chóng thoát khỏi nợ nần nên đã lập ra một kế hoạch ngân sách và dành tất cả số tiền mình có được để trả nợ.
Tất nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc tôi phải nói “không” khá thường xuyên với những giờ giải trí, những chuyến du lịch, thậm chí cả Internet và tivi ngay trong căn hộ của mình. Thay vào đó, tôi tập trung vào những thứ được cung cấp miễn phí như Wifi, DVD hay sách vở từ thư viện và thực phẩm tại nơi làm việc. Trong năm đầu tiên, tôi ăn sáng, trưa và tối tại chỗ làm nhờ bếp ăn công ty.
Tôi biết điều này nghe khá buồn tẻ, và cách tiết kiệm này cũng sẽ không thể kéo dài mãi. Nhưng nó đã giúp tôi thành công và hoàn toàn hết nợ nần chỉ trong vòng 1 năm. Thậm chí, ngay cả khi thu nhập của tôi đã tăng gấp đôi, tôi vẫn duy trì lối sống tiết kiệm. Đến nay, tôi đã có quỹ dự phòng trong khoảng 9 tháng, một tài khoản hưu trí đáng kể và bắt đầu tiền kiệm để mua một căn hộ.
Lợi ích lớn nhất từ việc tiết kiệm 50% thu nhập mỗi tháng là nó khiến đầu óc tôi thoải mái. Tháng trước, tôi đã bị sa thải nhưng tôi không hề cảm thấy lo lắng vì điều đó. Tôi biết rằng lối sống tiết kiệm và quỹ dự phòng sẽ giúp tôi sống tốt cho đến khi tìm được một công việc mới.
Lời khuyên dành cho bạn: Hãy học cách nói “không” với chính bản thân và những người khác. Lợi ích của việc nói “không” ngày hôm nay là bạn sẽ được nói “có” ở chặng đường dài tiếp theo.
Krystel Calubayan, 28 tuổi, Điều phối viên sự kiện tại Saint Paul, Minn: Tôi không hành hạ bản thân, nhưng tôi luôn kiểm soát mọi chi tiêu có đáng giá hay không.
Tôi bắt đầu tiết kiệm 50% trong tổng số thu nhập 70.000 USD mỗi năm khi tôi bắt đầu nhận ra con số nợ nần đang khiến tôi lâm vào cảnh mất tự do về tài chính. Tôi thực hiện công thức toán học để biết mình cần phải có bao nhiêu tiền mới trả hết số nợ 50.000 USD vốn vay sinh viên cho 4 năm học đại học trong khi vẫn phải tiết kiệm cho tương lai. Kết quả là tôi cần 40% thu nhập để trả nợ, 10% cho tiết kiệm và quỹ khẩn cấp.
Tôi đã mất vài tháng thử nghiệm và sửa chữa sai lầm từ kế hoạch ngân sách của mình, nhưng ngược lại tôi đã mở rộng được phạm vi ăn uống và giải trí theo một cách khác. Chẳng hạn tôi đi cùng với 4 người bạn cho một buổi dã ngoại, nơi mỗi người chỉ phải trả 3$ thay vì 10$ nếu đi một mình.
Trước đây tôi chưa từng đắn đo khi phải chi thêm 84$ để đăng ký nghe nhạc, giảm 50$ cho bữa tối hay những kỳ nghỉ hè đắt tiền. Nhưng hiện nay, khi mua bất cứ thứ gì tôi cũng luôn tự đặt câu hỏi: Liệu giá trị của món đồ đó có làm cho cuộc sống của tôi tốt hơn không? Nó thực sự xuất phát từ nhu cầu hay chỉ là mong muốn nhất thời của tôi?”
Lời khuyên dành cho bạn: Tiết kiệm 50% thu nhập mỗi tháng không phải là một tiêu chuẩn bắt buộc, vì vậy bạn không cần quá áp lực khi những người xung quanh bạn đang làm điều đó. Hãy tự đặt ra mục tiêu tiết kiệm phù hợp với khả năng của bạn.
Rich, 43 tuổi, Sĩ quan không quân Hoa Kỳ và Eileen Carey, 44 tuổi, Nội trợ hiện đang sống ở Hàn Quốc: Đừng chạy theo đám đông
Tôi tốt nghiệp đại học và lấy vợ với khoản nợ thẻ tín dụng 32.000 USD – một con số mà tôi thực sự không cần đến vì tôi được nhận học bổng toàn phần. Và tôi nghĩ chúng tôi sẽ nhanh chóng trả hết số nợ này sau khi tốt nghiệp.
Tại thời điểm đó, tôi kiếm được 30.000 USD từ 2 công việc dịch vụ khách hàng và Eileen kiếm được 50$ mỗi đêm tiền tip từ công việc phục vụ bàn của cô ấy. Chúng tôi quyết định sống tiết kiệm hết mức có thể và dành mọi đồng đô la kiếm được để trả nợ. Chúng tôi tập trung vào những thứ thực sự cần thiết và tránh những chi phí không cần thiết như truyền hình cáp, mua đồ nội thất mới hay đi ăn ngoài.
Đến nay, đã 16 năm kể từ khi vợ chồng tôi trả hết nợ nhưng chúng tôi vẫn không bao giờ ngừng tiết kiệm ít nhất 50% thu nhập mỗi tháng. Bởi vì thu nhập của cả gia đình tăng lên 100.000 USD mỗi năm, chúng tôi đã trả hết nợ mua căn nhà 280.000 USD trong vòng 6 năm và mua được một khu bất động sản để đầu tư ở Alabama – tạo ra một khoản lợi nhuận thụ động 3.000 USD mỗi tháng.
Bí mật thành công của chúng tôi đó là không theo đuổi hạnh phúc với một ngôi nhà lớn, chiếc xe sang hay đồ điện tử đắt tiền. Với chúng tôi, không gì mang lại hạnh phúc hơn là chứng kiến các con trưởng thành, cùng nhau ra bãi biển, và chạy bộ.
Lời khuyên dành cho bạn: Những thay đổi nhỏ có thể mang lại tác động lớn theo thời gian. Vì thế, hãy duy trì mức sống của gia đình bạn ở mức thấp nhất, sống gần nơi làm việc hoặc điểm giao thông công cộng và tập trung vào đầu tư. Khi đó, bạn sẽ thấy tiền làm việc cho mình một cách hiệu quả.