*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình đầu tiên giữa Trump và Clinton diễn ra từ 21h00-22h30 ngày 26/9 giờ bờ Đông nước Mỹ (8h-9h30 sáng 27/9 giờ Việt Nam).
Lester: Cựu Ngoại trưởng Clinton, bà kêu gọi tăng thuế với người giàu, còn ông Trump, ông kêu gọi cắt giảm thuế cho người giàu. Xin mời ông/bà bảo vệ quan điểm của mình trong 2 phút. Xin bắt đầu với ông Trump.
Trump: Điều đang xảy ra là các công ty đang rời khỏi Mỹ vì mức thuế quá cao, và bởi vì một số công ty có vốn bên ngoài nước Mỹ và thay vì mang số tiền đó trở lại đầu tư tại Mỹ, thì họ không thể đi đến thỏa thuận làm được điều đó, không thể mang tiền trở lại Mỹ bởi rào cản từ cái gọi là "sợi dây đỏ quan liêu" (bureaucratic red tape).
Quá tệ. Bởi chúng ta có một ông Tổng thống không thể thuyết phục Quốc hội thông qua được bất kì một cái gì cả, dù cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa đều chung quan điểm đây là việc phải làm. 2,5 nghìn tỉ USD đấy.
Tôi nghĩ rằng con số thực sự phải gấp đôi. Phải đến 5 nghìn tỉ USD đang trôi nổi ở nước ngoài không thể mang về nước Mỹ. Lester ạ, chỉ với một chút năng lực lãnh đạo thôi, số vốn này sẽ trở về Mỹ rất nhanh và có thể được đầu tư vào các thành phố, đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác và sẽ tốt biết bao. Nhưng chúng ta không có năng lực lãnh đạo. Và thực chất điều đó đúng với chính cựu Ngoại trưởng Clinton.
Lester: Thưa bà Clinton, bà có 2 phút để bảo vệ kế hoạch tăng thuế của mình.
Clinton: Tôi có linh cảm rằng hết buổi tranh luận này chắc tội lỗi gì cũng đổ lên đầu tôi mất.
Trump: Tại sao lại không nhỉ?
Clinton: Vâng, tại sao lại không nhỉ. Ông cứ tiếp tục tranh luận bằng cách phát ngôn bừa bãi thêm đi. Giờ, tôi xin được nói điều này.
Trump: Chẳng có gì bừa bãi về việc bà không để các công ty mang vốn trở về Mỹ cả.
Lester: Xin hãy để bà Clinton nói trong 2 phút của mình.
Clinton: Hãy bắt đầu tính giờ từ đây, Lester. Chúng tôi đã nhìn vào đề xuất thuế của ông Trump. Tôi không nhận thấy trong phần thuế dành cho các tập đoàn bất kì một đề xuất nào có thể mang vốn từ nước ngoài trở về Mỹ.
Trump: Vậy thì bà chưa hề đọc rồi.
Clinton: Tôi ủng hộ việc mang tiền trở lại Mỹ nếu điều đó có lợi cho chúng ta. Nhưng khi nhìn vào những gì ông đề xuất, thì có lẽ giờ chúng ta phải đề ra một khái niệm mới gọi là "lỗ hổng Trump" mất, bởi những gì ông đề xuất chỉ có lợi cho ông, và cho kiểu kinh doanh của ông.
Trump: Ai gọi nó với cái tên đấy vậy? Ai gọi nó với cái tên đấy vậy?
Lester: Xin lỗi, nhưng đây là 2 phút của cựu Ngoại trưởng Clinton.
Clinton: Một đề xuất thuế chỉ có lợi cho gia đình ông.
Trump: Gia đình tôi được lợi bao nhiêu? Bao nhiêu?
Clinton: "Xây từ nóc" (Trumped-up, trickled-down). Cách này không hiệu quả đâu. Chính nó đã đưa chúng ta vào mớ hỗn độn của năm 2008 và 2009. Cắt giảm thuế cho giới thượng lưu không bao giờ có tác dụng, và rất nhiều người trí thức và giàu có hiểu điều này. Và họ nói rằng chúng ta cần đóng góp thêm để tái thiết tầng lớp trung lưu. Tôi không nghĩ mô hình "xây từ nóc" có lợi cho nước Mỹ.
Tôi cho rằng xây dựng tầng lớp trung lưu, đầu tư vào tầng lớp trung lưu, miễn các khoản nợ cho sinh viên ra trường để nhiều người trẻ tuổi có cơ hội đi học đại học, đấy mới là những nước đi giúp kinh tế tăng trưởng.
Tăng trưởng đồng đều, rộng khắp mới là những gì nước Mỹ cần, chứ không phải lợi thế thêm cho những người vốn đã ở trên rồi.
Trump: Đúng là chính trị gia, chỉ nói chứ không làm, nghe thì rất hay nhưng chả có tác dụng gì, chẳng bao giờ thành hiện thực. Nước Mỹ đang phải chịu khổ vì những người như cựu Ngoại trưởng Clinton, với những quyết sách sai lầm và đánh giá sai lầm.
Giờ chúng ta đang trải qua một cuộc "hồi sinh" tồi tệ nhất của nền kinh tế kể từ cuộc Đại Suy thoái, và tin tôi đi, giờ chúng ta lại đang trong bong bóng đấy.
Điểm sáng duy nhất hiện nay là thị trường chứng khoán, nhưng nếu tăng lãi suất lên dù chỉ một chút, thì điểm sáng duy nhất này cũng tắt.
Chúng ta đang ở trong một quả bong bóng xấu xí, ục ịch, và chúng ta phải hết sức cẩn trọng. FED (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - PV) thì chỉ biết làm chính trị. Họ không làm tròn bổn phận của mình và chỉ phục vụ lợi ích của Obama. FED thậm chí còn "làm chính trị" giỏi hơn cả cựu Ngoại trưởng Clinton.
Lester: Thưa ông Trump, chúng ta đang nói đến những mức thuế mà người Mỹ phải gánh vác nhưng bản thân ông lại chưa công khai bản thuế thu nhập của mình. Các ứng viên Tổng thống thường công khai bản thuế để cử tri khi bỏ phiếu biết được Tổng thống tương lai của mình có nợ tiền không, có nợ thì nợ ai, và có mối liên hệ gì với các tập đoàn không. Ông có nghĩ rằng người Mỹ có quyền được biết điều đó không?
Trump: Tôi không ngại công khai. Tôi đang trong quá trình kiểm toán thường niên. Tôi sẽ công khai bản thuế ngay khi kiểm toán hoàn tất.
Nhưng các bạn sẽ biết nhiều hơn về Donald Trump bằng cách đến văn phòng tranh cử liên bang, nơi tôi đã nộp một bản thống kê tài chính dài 104 trang.
Bản thống kê này cho biết thu nhập của tôi, và tôi vừa xem hôm nay thôi, con số này là 694 triệu USD trong năm vừa qua.
694 triệu USD. Nếu 15-20 năm trước các bạn nói tôi có thu nhập như vậy trong năm 2015 thì tôi sẽ rất ngạc nhiên đấy. Nhưng đây chính là tư duy mà đất nước chúng ta đang cần.
Lester, chúng ta đang có thâm hụt thương mại với tất cả các nước, lên đến gần 800 tỉ USD mỗi năm. Anh có biết không? Ai là người thương thảo những hiệp định thương mại? Chúng ta chỉ có những gã chính trị gia không biết làm kinh tế thương thảo hiệp định thương mại.
Clinton: Sở thuế vụ Mỹ (IRS) nói rằng trong quá trình kiểm toán ông vẫn có thể công khai bản thuế thu nhập. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu quyền được biết của công chúng có...
(Xử lý ảnh: Mạnh Quân)
Trump: Tôi nói rồi, tôi sẽ công khai sau khi kiểm toán. Tôi đã trải qua công đoạn này trong gần 15 năm rồi. Tôi biết nhiều người giàu chẳng bao giờ bị kiểm toán. Nhưng tôi thì bị hàng năm. Tôi có quyền phàn nàn chứ.
Nhưng tôi không quan tâm. Cuộc sống là vậy. Tôi bị IRS kiểm toán. Những người khác thì không. Tôi xin nói điều này, đất nước này có một vấn đề cần được giải quyết. Tôi sẽ công khai bản thuế thu nhập, trái với lời khuyên từ luật sư của tôi, một khi bà Clinton công khai 33.000 e-mail mà bà đã xóa.
Ngay khi bà công khai chúng, tôi sẽ công khai bản thuế thu nhập.
Clinton: Tôi nghĩ đây lại là một chiêu trò câu kéo rồi đánh bài chuồn (bait-and-switch). Trong 40 năm, bất kì ai ra tranh cử cũng công khai bản thuế thu nhập. Ai cũng làm vậy. Chúng ta đều biết IRS đã nói rõ rằng họ không cấm đoán việc công khai khi đang bị kiểm toán. Vậy chúng ta phải tự hỏi, lý do làm sao mà ông Trump vẫn không chịu công khai?
Theo tôi có một vài lý do. Thứ nhất, có lẽ ông Trump không giàu có như ông vẫn nói. Thứ hai, có lẽ ông Trump không làm từ thiện nhiều như ông vẫn nói.
Thứ ba, chúng ta không biết tất cả đời sống kinh doanh của ông Trump, nhưng theo những gì đã được ghi nhận, thì ông Trump đang nợ Wall Street và các ngân hàng nước ngoài khoảng 650 triệu USD.
Hay có lẽ ông Trump không muốn người dân nước Mỹ, những người đang theo dõi trên truyền hình, biết được rằng ông ta không nộp một xu thuế liên bang nào. Bởi những năm mà ông công khai bản thuế thu nhập của mình cũng trùng với những năm ông phải nộp bản thuế thu nhập cho các cơ quan chức năng để được cấp giấy phép mở casino, và bản thuế những năm ấy cho thấy ông ta không hề nộp thuế liên bang.
Trump: Tức là tôi khôn.
Clinton: Ông ta chẳng nộp một xu thuế nào cả. Như vậy là không có xu nào phục vụ quân đội, phục vụ cựu chiến binh, phục vụ trường học hay y tế.
Và tôi cho rằng ông ta chẳng hào hứng gì với việc phần còn lại của đất nước nhận ra lý do thật sự đằng sau lý do ông ta cương quyết không công khai bản thuế, bởi những lý do đó rất quan trọng, và có lẽ phải tồi tệ lắm ông ta mới cố giấu như vậy.
Còn bản kê khai tài chính không nhắc đến mức thuế ông phải nộp. Nó không chứa đựng những chi tiết chỉ có trong bản thuế thu nhập và tôi cho rằng bản thuế thu nhập mới là văn bản người dân xứng đáng được biết. Và chẳng có lý do gì cho tôi thấy được rằng ông Trump sẽ công khai văn bản này bởi có gì đó ông ta đang che giấu.
Lester: Ông Trump cũng đề cập đến vấn đề email. Bà có muốn đáp trả không?
Clinton: Tôi muốn chứ. Tôi thừa nhận tôi đã phạm sai lầm khi sử dụng email riêng.
Trump: Cái đấy thì rõ rồi.
Clinton: Và nếu được làm lại, chắc chắn tôi sẽ làm khác đi. Nhưng tôi sẽ không biện minh gì cả. Đó là sai lầm của tôi, và tôi nhận trách nhiệm.
Lester: Ông Trump?
Trump: Việc đó nghiêm trọng hơn nhiều một sai lầm đơn thuần. Bà đã cố tình làm như vậy. Không phải sai lầm. Mà là cố ý.
Khi bà ép nhân viên của mình lạm dụng Luật sửa đổi thứ 5 của Hiến pháp (quyền được im lặng không làm chứng tự chống lại mình - PV) để không bị truy tố, ép người thiết lập hệ thống server riêng phải làm tương tự, tôi cho rằng điều đó thật đáng xấu hổ. Và tin tôi đi, nước Mỹ cũng thấy điều đó thật đáng xấu hổ.
Còn với bản thuế thu nhập của tôi, không có nhiều thông tin trong đó đâu. Thông tin có ở bản kê khai tài chính.
Bản kê khai đề cập đến con số 650 triệu USD, các bạn tôi nói rằng con số đó chẳng là bao so với những gì tôi sở hữu. Riêng các tòa nhà tôi đang sở hữu đã có giá trị 3,9 tỉ USD rồi, và con số 650 triệu USD kia thậm chí còn không nằm trong số đó.
Nói không phải muốn khoe khoang nhưng tôi nghĩ đã đến lúc đất nước này có một người lãnh đạo biết cách làm ra tiền. Khi chúng ta đang nợ 20 nghìn tỉ USD và đất nước đang trong một mớ bòng bong.
Nợ 20 nghìn tỉ USD đã đành nếu sân bay đường xá chúng ta đẹp, nhưng đằng này sân bay đường xá Mỹ nhìn như của một đất nước ở Thế giới Thứ ba vậy.
Đến Laguardia, Newark, LAX, rồi so với Qatar, Dubai, hay Trung Quốc, thì chúng ta chẳng khác gì một đất nước đang phát triển.
Chúng ta là một con nợ. Chúng ta cần cải tiến xây mới điện đường trường trạm nhưng làm gì có tiền, bởi tiền đã đổ phí vào những ý tưởng sai lầm của những người như bà Clinton.
Clinton: Hay phải chăng là bởi vì ông chưa nộp một xu thuế thu nhập liên bang nào trong nhiều năm? Và một điều quan trọng khác là...
Trump: Kể cả thế thì tiền thuế của tôi cũng bị lãng phí thôi, tin tôi đi.
Clinton: Và nếu lý do lớn nhất ông nghĩ mình có thể trở thành Tổng thống Mỹ là khả năng kinh doanh của mình, thì hãy cùng nói về khả năng ấy.
Ông biết đấy, người quản lý chiến dịch tranh cử của ông nói rằng ông xây dựng rất nhiều doanh nghiệp của mình bằng việc lợi dụng những thân phận thấp cổ bé họng. Và thật vậy, tôi đã gặp rất nhiều người bị ông và những doanh nghiệp của ông đè nén.
Những người rửa chén, kiến trúc sư, thợ sơn, nhân viên lắp kính, thợ vải như cha tôi khi xưa, những người mà ông ăn quịt không trả công khi họ đã làm xong phần việc của mình.
Hôm nay dự khán có một kiến trúc sư đã thiết kế khu nghỉ dưỡng tại một trong những sân golf ông đang sở hữu. Đó là một công trình tuyệt đẹp, và ngay lập tức được đi vào hoạt động. Và ông cương quyết không trả thù lao theo mức người kiến trúc sư này đã đề xuất trước đó.
Trump: Có lẽ vì anh ta chưa làm tốt công việc của mình, và tôi không hài lòng nên không trả đúng thù lao. Tôi nghĩ nước Mỹ cũng nên làm tương tự.
Clinton: Tôi phải nói rằng tôi thấy nhẹ nhõm vì người cha quá cố của mình chưa từng làm kinh doanh với ông. Ông làm việc cho ai cũng xác định rõ rằng đôi bên đều cần làm tròn bổn phận trách nhiệm của mình.
Còn với khả năng kinh doanh của mình, 6 công ty của ông đã phải tuyên bố phá sản. Có rất nhiều doanh nhân thành đạt chưa từng phải làm vậy với bất kì công ty nào họ sở hữu. Ông tự gọi mình là vua nợ. Ông nói về đòn bẩy thương lượng. Có lần thậm chí ông nói rằng ông sẽ tìm cách thương thuyết giảm nợ cho nước Mỹ.
Trump: Không phải vậy.
Clinton: Không phải kĩ năng kinh doanh nào cũng chuyển hóa được sang kĩ năng điều hành nhà nước. Nhưng thất bại trong kinh doanh thì rất tệ cho chính phủ. Ông hãy hiểu rõ điều đó.
Trump: Toàn câu chữ. Tôi đã xây dựng nên một tập đoàn tuyệt vời, sở hữu những tài sản tuyệt vời nhất trên thế giới, sở hữu bất động sản không chỉ ở nước Mỹ mà còn trên khắp thế giới.
Nếu bà muốn thay đổi luật kinh doanh, thì cứ việc, bà đã làm ở nhánh lập pháp trong thời gian dài mà. Nhưng tôi lợi dụng pháp luật bởi tôi làm kinh doanh.
Nghĩa vụ của tôi là phải làm gì có lợi nhất cho bản thân tôi, cho gia đình, cho nhân viên, cho các doanh nghiệp của tôi. Điều mà bà không hề nhắc đến là hàng chục nghìn nhân viên rất vui khi làm việc cho tôi. Họ rất quý tôi.
Khi nhìn vào ngân sách, ngân sách giờ rất tệ phần lớn bởi chúng ta có những người không biết phải làm gì và mua gì. Những gì tôi làm được với ngân sách đang rất tốt của Tập đoàn Trump tôi có thể làm tương tự cho đất nước chúng ta.
Lester: Xin được chuyển sang phần tiếp theo, đó là hướng đi của nước Mỹ.