*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Tình hình thế giới ngày 19/1 tiếp tục có nhiều diễn biến nóng hổi.
Công tố viên thành phố Nice của Pháp cho biết cảnh sát đã bắn chết 1 đối tượng là nam giới ở thành phố miền Nam này vào ngày 19/1, khi họ đang truy tìm thủ phạm gây ra vụ nổ súng khiến 1 người thiệt mạng trước đó.
Binh sĩ Pháp tuần tra tại hiện trường một vụ xả súng ở Saint Roch, khu vực lân cận thành phố Nice. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trước đó, tờ Nice Matin ngày 19/1 đưa tin có ít nhất 1 người thiệt mạng trong một vụ nổ súng xảy ra tại thành phố Nice và cảnh sát đang tìm kiếm một đối tượng là nam giới bị tình nghi là thủ phạm gây ra vụ việc. Cảnh sát thành phố Nice cũng đã xác nhận đang truy bắt đối tượng này.
Vụ nổ súng trên xảy ra trong bối cảnh các vấn đề tội phạm bạo lực, luật pháp và an ninh dự kiến sẽ là những nội dung chính mà cử tri Pháp quan tâm trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2022.
Ngày 19/1, tòa án Bỉ đã ra phán quyết phạt tù 15 năm đối với một công dân Việt Nam, sau khi cáo buộc đối tượng này là kẻ cầm đầu đường dây buôn người trong vụ 39 người Việt thiệt mạng trong xe tải từ Bỉ sang Anh cách đây 3 năm.
Theo hãng tin AFP, đối tượng Vo Van Hong, 45 tuổi, bị cáo buộc điều hành đường dây buôn người qua eo biển tại Bỉ có liên quan đến thảm kịch năm 2019.
Tòa án Bỉ đã mở phiên xét xử 23 nghi phạm liên quan đường dây buôn người đứng sau vụ việc vào ngày 15/12/2021. Phiên xét xử diễn ra tại thành phố Bruges, trong đó tập trung vào chi tiết chiếc xe tải đã rời Anderlecht, thuộc vùng ngoại ô phía Tây của thủ đô Brussels vào ngày 22/10/2019, để đến Anh. Đây được cho là nơi đường dây buôn người bố trí 2 ngôi nhà để phân nhóm những người di cư trước khi khởi hành.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần chính thức công nhận chính quyền Taliban. Đó là lời kêu gọi của quyền Thủ tướng Afghanistan Mullah Hasan Akhund đưa ra ngày 19/1 tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 9/2021.
Theo ông Hasan Akhund, chính quyền Taliban đã đáp ứng tất cả các điều kiện mà thế giới yêu cầu và giờ là thời điểm để chính quyền Taliban được công nhận.
Quyền Thủ tướng Afghanistan nhấn mạnh, chỉ khi nhận được sự công nhận quốc tế, chính quyền Afghanistan mới có đủ điều kiện để quản lý và phát triển đất nước tốt hơn. Ông cũng cho rằng, mọi sự trợ giúp quốc tế trong ngắn hạn không phải là một giải pháp, Afghanistan cần một giải pháp dài hơi cho khủng hoảng hiện nay.
Cho đến nay, các nước trên thế giới chưa công nhận chính quyền Taliban, điều hành Afghanistan từ tháng 8/2021 trong khi các quốc gia phương Tây và dẫn đầu là Mỹ đã đóng băng hàng tỷ USD tài sản nhà nước, đồng thời cắt đứt khoản hỗ trợ phát triển vốn là xương sống cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia Tây Nam Á này.
Ngày 19/1, giới chức Australia cho biết hơn 42.000 bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 cất giữ tại một kho vật tư ở thành phố Sydney đã bị đánh cắp.
Cảnh sát bang New South Wales cho biết kẻ trộm được xác định là nam giới. Đối tượng đã đột nhập vào kho vật tư ở ngoại ô Mascot chiều 18/1 và lấy đi các bộ xét nghiệm. Vụ việc đang được mở rộng điều tra.
Thủ hiến bang New South Wales Dominic Perrottet lên án vụ trộm trong bối cảnh các cơ sở y tế nước này đối mặt với tình trạng khan hiếm các bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Theo ông, đây là một hành động đáng xấu hổ và đối tượng cần phải bị nghiêm trị.
Cơ quan Giám sát tiêu dùng Australia đã nhận được báo cáo về việc một số nhà bán lẻ bán bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 với giá khoảng 22 USD/bộ.
Theo nguồn tin giấu tên, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc các lựa chọn mới, bao gồm cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine để đối phó với Nga.
Bên cạnh việc xem xét cách giúp quân đội và chính phủ Ukraine chống lại một cuộc tấn công, Mỹ đang đánh giá các phương án tăng cường khả năng cho lực lượng Ukraine nhằm đối phó với Nga. Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, những biện pháp này bao gồm khả năng cung cấp thêm cho quân đội Ukraine đạn, súng cối, tên lửa chống tăng Javelin và hệ thống tên lửa phòng không, có thể sẽ đến từ các đồng minh NATO.
Binh sĩ Ukraine cầm tên lửa chống hạm Javelin do Mỹ sản xuất tại lễ diễu binh mừng Ngày Quốc khánh tháng 8/2018. Ảnh: Reuters
"Chúng tôi đang xem xét một loạt các lựa chọn để giúp bảo vệ Ukraine. Các lựa chọn có thể bao gồm bán vũ khí phòng thủ bổ sung, khuyến nghị và giúp Ukraine có thể tiếp tục đối phó sự hiện diện quân sự lớn hơn và thông thường của Nga", một quan chức chính quyền cấp cao nói với CNN.
Hiện các nguồn tin cho biết không có thay đổi chính thức nào trong chỉ đạo từ Washington và đây là những cân nhắc ban đầu, chưa được chính thức trình lên Tổng thống Joe Biden.
Đại sứ quán Nga tại Mỹ mới đây kêu gọi Mỹ không có các hành động làm leo thang căng thẳng, đồng thời nhấn mạnh, việc từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ khẳng định cam kết của Washington đối với các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết tình hình.
Trên trang Facebook, Đại sứ quán Nga tại Mỹ cho rằng Washington nên từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine nếu nước này thực sự cam kết về "nỗ lực ngoại giao để giải quyết xung đột nội bộ Ukraine". Thay vào đó, Washington nên sử dụng ảnh hưởng của mình với chính quyền Ukraine để thuyết phục họ ngừng phá hoại các thỏa thuận Minsk.
Đại sứ quán Nga tại Mỹ. Nguồn: AP
Đại sứ quán Nga kêu gọi "chấm dứt sự cuồng loạn và không leo thang căng thẳng xung quanh Donbass, quan trọng nhất là không kích động những cái đầu nóng ở Kiev trước những hành động khiêu khích mới".
Tuyên bố nhấn mạnh rằng, Nga sẽ không tấn công bất kỳ ai. Đây là cách phía Nga phản ứng trước tuyên bố của Washington "về việc không có các bước giảm leo thang ở biên giới Nga-Ukraine" và nước này có thể xâm lược Ukraine bất cứ lúc nào, "kể cả từ lãnh thổ của Belarus".
Hình ảnh một tiểu hành tinh, một khối đá lớn. Ảnh: Independent.
Một tiểu hành tinh rộng 1km và to gấp đôi kích thước của tòa nhà Empire State 102 tầng ở New York (Mỹ) vừa bay sượt qua Trái Đất của chúng ta ở tốc độ siêu khủng.
Tiểu hành tinh này (còn gọi là tiểu du tinh) đã bay lướt qua Trái Đất vào khoảng 21h51 ngày 18/1/2022 giờ GMT (tức 4h51 sáng ngày 19/1/2022 giờ Hà Nội), theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Hành khách đi trong nội địa cũng bị kiểm tra thân nhiệt chặt chẽ, sau đó sẽ được yêu cầu sát khuẩn tay trước khi vào khu an ninh. Ảnh: Phạm Kiên/PV TTXVN tại Lào
Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, sau 4 ngày giảm xuống mức 3 con số, số ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua tại Lào đã trở lại mức 4 con số với 1.281 ca, tăng tới 548 ca so với ngày 18/1.
Đáng chú ý, tỉnh Xayabouly (Bắc Lào) đã trở thành địa bàn có nhiều ca mắc mới nhất với 606 ca, tiếp đó là thủ đô Viêng Chăn với 227 ca. Như vậy, tính tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 127.347 ca, với 507 ca tử vong.
Trong khi đó, để nhanh chóng thích nghi với cuộc sống “bình thường mới”, các cơ quan giáo dục của Lào cũng đang tích cực đánh giá, xem xét những trường học đủ tiêu chuẩn an toàn để mở lại việc học trực tiếp. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, để có thể có thể mở cửa trở lại, tất cả các trường học phải chứng minh có thể tuân thủ 70% trở lên trong số 10 biện pháp và 40 khuyến nghị do Bộ này đưa ra nhằm đảm bảo rằng các trường học sẽ an toàn cho cả học sinh và nhân viên trong bối cảnh dịch bệnh COVID tiếp tục bùng phát.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Sau khi phát hiện 11 con chuột hamster dương tính với COVID-19 tại một cửa hàng, chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) ước tính phải tiêu huỷ 2.000 con chuột hamster và động vật nhỏ.
Đài Truyền hình Hồng Kông (Trung Quốc) ngày 18/1 đưa tin, Chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông đã tổ chức một cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày hôm qua và thông báo rằng cửa hàng thú cưng Little Boss ở vịnh Causeway là một điểm làm bùng phát dịch bệnh.
Cửa hàng thú cưng Little Boss ở vịnh Causeway (Hồng Kông, Trung Quốc) - nơi phát hiện 11 con chuột hamster đã dương tính với COVID-19.
Theo chính quyền Hồng Kông, sau khi một nhân viên 23 tuổi của cửa hàng nhiễm COVID-19 vào ngày hôm trước, một người phụ nữ 67 tuổi từng mua chuột hamster tại cửa hàng cũng đã được xác định là nhiễm bệnh và chồng bà cũng đã dương tính với virus corona theo kết quả xét nghiệm ban đầu.
Sau đó, Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Bảo tồn Hồng Kông (AFCD) và Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hồng Kông đã đến cửa hàng thú cưng Little Boss và nhà kho tại Tai Po để thu thập các mẫu xét nghiệm từ môi trường và các loại động vật, bao gồm chuột hamster, mèo chinchilla, thỏ… và phát hiện 11 con chuột hamster đã dương tính với COVID-19.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Bùn đất có thể làm chậm trễ kế hoạch Nga tấn công Ukraina.
Theo chia sẻ của các quan chức cấp cao Mỹ, một yếu tố quan trọng có thể làm phức tạp các kế hoạch tấn công Ukraine của Nga và khiến trì hoãn các kế hoạch triển khai quân sự.
"Đồng minh bí mật" của Ukraine
Mùa đông lạnh giá tại Ukraina thường bắt đầu muộn nhất là vào tháng giêng hàng năm, nhưng năm nay, mặt đất vẫn chưa đóng băng ở nhiều nơi do thời tiết vẫn chưa quá lạnh. Mặt đất cứng sẽ cho phép binh lính cũng như các phương tiện và thiết bị quân sự hạng nặng hoạt động dễ dàng hơn.
Ngược lại, bùn đất có thể khiến các phương tiện có bánh nặng mất đi khả năng bám mặt đường, và ngay cả hoạt động của các phương tiện có bánh xích như xe tăng cũng có thể bị ảnh hưởng nếu vướng quá nhiều bùn đất.
Bùn đất có thể ảnh hưởng tới hoạt động của các các loại phương tiện chiến đấu trong đó có xe tăng.
Các quan chức Mỹ nói với tờ New York Times mặt đất lầy lội có thể khiến Nga buộc phải trì hoãn cuộc tấn công trên bộ sớm nhất cho đến tháng 2. Phía Mỹ cũng nói thêm rằng Moscow có thể sẽ cần phải hành động trước khi mùa xuân khiến băng tan vào tháng 3. Lúc này, quân đội Nga lại phải đối mặt với một tình huống khó khăn khác.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Chi phí rẻ và dịch vụ chăm sóc tận tình giúp Ấn Độ soán ngôi Thái Lan trở thành 'thiên đường' chuyển giới.
Thái Lan từng được xem là điểm đến số 1 của những người nước ngoài muốn chuyển giới, nhưng nay vị trí này đã bị Ấn Độ thay thế.
Trung tâm chuyển giới Olmec tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: RT)
Theo ông Charlie Stone, một nhà báo của hãng tin BBC, kể từ giữa thập niên 70, những người nước ngoài là nam giới đã đổ xô tới Thái Lan để rồi khi trở về nước họ mang phận nữ nhi. Philippines cũng là lựa chọn của nhiều người muốn thay đổi giới tính. Nói chung, Đông Nam Á lâu nay được tín nhiệm là điểm đến của người muốn chuyển giới. Nhưng nay, ngành công nghiệp phẫu thuật chuyển giới ghi nhận một cái tên mới nổi là Ấn Độ.
Bác sĩ Narendra Kaushik, người điều hành Trung tâm Olmec ở thủ đô Delhi của Ấn Độ chuyên tiếp nhận những bệnh nhân là người muốn chuyển giới, cho biết mỗi tháng cơ sở y tế đón hơn 70 bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân sẽ trải qua hàng loạt cuộc phẫu thuật khác nhau để biến thành hình hài như mong muốn.
Bệnh viện Olmec thực hiện khoảng 1.000 ca phẫu thuật mỗi năm và trong số này có tới 600 ca là thay đổi bộ phận sinh dục ngoài từ nam thành nữ và ngược lại.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ông Munda chống gậy đi lại sau 5 năm liệt giường. Ảnh: ANI
Một người đàn ông bị liệt và không nói được suốt 5 năm qua đã khiến các bác sĩ sửng sốt khi có thể đi lại và nói chuyện sau khi tiêm vaccine COVID-19.
Theo trang Oddity Central (Anh), ông Dularchand Munda - 55 tuổi sống tại làng Salgadih, Bokaro, bang Jharkhand của Ấn Độ - tuyên bố rằng tiêm vaccine COVID-19 là điều tuyệt với nhất mà ông đã từng làm. Sau vụ tai nạn ô tô thảm khốc vào năm 2017, ông Munda đã bị tổn thương cột sống nghiêm trọng, phải nằm liệt giường và không nói được. Gia đình ông đã tìm mọi cách điều trị cho Munda nhưng đều vô ích.
Nhưng hôm 4/1 vừa qua, chỉ vài giờ sau khi được tiêm một mũi vaccine COVID-19, ông đã bắt đầu lấy lại được cảm giác ở chân. Giờ đây, ông đã có thể nói chuyện và đứng lên, đi lại vài bước với sự hỗ trợ của một chiếc gậy.
"Thật vui vì tôi đã được tiêm vaccine. Tôi đã có thể nói chuyện và cử động ở chân kể từ khi tiêm vaccine vào ngày 4/1", ông Munda nói với hãng tin ANI.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo Thanh niên, Các cửa khẩu biên giới đất liền sang Trung Quốc đóng cửa, trái thanh long Bình Thuận bắt đầu tìm đến thị trường Ấn Độ nhiều hơn.
Ông Biện Tấn Tài, Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận , cho biết ngày 19.1 Bình Thuận sẽ tham dự Hội nghị xúc tiến xuất khẩu thanh long vào thị trường Ấn Độ (trực tuyến) do Đại sứ quán Việt Nam (VN) tại Ấn Độ và Bộ Công thương tổ chức.
Theo công văn của Đại sứ quán VN tại Ấn Độ , sản lượng thanh long VN chiếm tới 80% xuất đi Trung Quốc. Từ khi phía Trung Quốc tạm ngưng thông quan một số cửa khẩu biên giới đất liền khiến tình trạng dư thừa thanh long trong nước không tiêu thụ được.
Để giúp đỡ người nông dân và giải quyết tình trạng khó tiêu thụ thanh long, Đại sứ quán VN tại Ấn Độ phối hợp với các đơn vị của Bộ Công thương, các tỉnh Bình Thuận , Long An , Tiền Giang và các cơ quan xúc tiến thương mại tại Ấn Độ tổ chức.
Ấn Độ là thị trường rộng lớn đầy tiềm năng
Theo Đại sứ quán VN tại Ấn Độ, hiện nay nước này nhập khẩu 95% nhu cầu về thanh long, từ các nước như Thái Lan , Malaysia, Sri Lanka nhưng chủ yếu vẫn nhập từ VN (chiếm 80% sản lượng thanh long nhập khẩu).
Thanh long đóng gói xuất khẩu ở Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Ảnh: QUẾ HÀ
Cũng theo Đại sứ quán VN tại Ấn Độ, quốc gia này là thị trường rộng lớn, có nhu cầu rất cao về tiêu thụ trái cây và nhạy cảm với các biến động về giá cả. Vì vậy, việc giá thanh long của VN giảm sâu do phía Trung Quốc không thu mua có thể nghiên cứu đẩy mạnh việc xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ.
Tại hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ thanh long do Bộ NN-PTNT tổ chức vào ngày 6.1, Tham tán thương mại VN tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng khẳng định: "Ấn Độ là nước với 1,4 tỉ dân, là một thị trường đầy tiềm năng cho trái cây VN nói chung và trái thanh long nói riêng".
Theo Thanh niên, ngày 17.1, kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ CNBC đã chính thức phát sóng chương trình phỏng vấn Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu về du lịch Việt Nam .
Thông tin từ Tổng cục Du lịch cho hay, đây là chương trình nằm trong sê-ri đặc biệt về du lịch mang tên CMO NOW: The Road Ahead do hãng CNBC thực hiện, phỏng vấn các lãnh đạo cấp cao trong ngành du lịch trên thế giới về những giải pháp phục hồi du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Chương trình được phát sóng trên kênh truyền hình CNBC và các nền tảng số của hãng như YouTube, Facebook, LinkedIn, Twitter.
Trong 2 tập phim ngắn có tổng thời lượng 2 phút, Lãnh đạo Tổng cục Du lịch đã chia sẻ về những giải pháp phục hồi ngành du lịch của Việt Nam sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 , trong đó tập trung vào bảo đảm an toàn tại các điểm du lịch, tăng cường truyền thông, quảng bá, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số .
Phó tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết Việt Nam là đất nước giàu tiềm năng, có sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. "Live fully in Vietnam" (Sống trọn vẹn ở Việt Nam) là thông điệp mà Việt Nam muốn chuyển tải tới du khách ở khắp nơi trên thế giới, để mời gọi du khách đến với Việt Nam. Đồng thời, Phó tổng cục trưởng nhấn mạnh, du lịch Việt Nam cũng đang chú trọng tới dòng khách cao cấp và thương gia, tạo ra những sản phẩm đẳng cấp, mang lại trải nghiệm độc đáo cho khách tại những khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Đà Nẵng , Nha Trang…
Nhiều cặp đôi tại Ấn Độ đã phải hoãn đám cưới khi chính phủ áp dụng các biện pháp hạn chế, yêu cầu cắt giảm số lượng khách mời từ hơn 600 người xuống chỉ còn 20 người, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với làn sóng biến thể Omicron.
Đám cưới chỉ được mời 20 khách
Heena Vashisht, một cô gái 28 tuổi, rất hạnh phúc vì gia đình đã sắp xếp tổ chức đám cưới cho cô vào ngày 10/2 tới. Tuy nhiên, kế hoạch dành cho đám cưới của Vashisht đã bị ảnh hưởng do sự gia tăng số ca nhiễm Omicron tại Ấn Độ. Đám cưới vẫn có thể tổ chức ở New Delhi theo kế hoạch, nhưng phải cắt giảm số lượng khách mời từ 650 người xuống còn 20 người.
"Gia đình và họ hàng của tôi có 80 người. Làm sao tôi có thể giảm số lượng khách xuống còn 20 người? Hiện tại gia đình tôi đang rất căng thẳng, không biết phải làm thế nào", Vashisht nói.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Thông tin Nga rút bớt người khỏi đại sứ quán ở Ukraine xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng khu vực này gia tăng.
Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng bác bỏ thông tin do New York Times đăng tải trước đó về khả năng Moscow đang rút bớt người khỏi đại sứ quán ở Kiev, Sputnik đưa tin.
"Đại sứ quán Nga ở Kiev vẫn đang hoạt động bình thường", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói với báo giới ngày 18/1.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ukraine cũng tuyên bố: Kiev không hề có thông tin về kế hoạch sơ tán nhân viên đại sứ quán của phía Nga. Kiev không có ý định rút bớt các nhà ngoại giao khỏi Nga. Đại sứ quán Ukraine ở Moscow, cũng như các lãnh sự quán ở St.Petersburg, Rostov-on-Don, Yekaterinburg và Novosibirsk hiện vẫn làm việc bình thường.
Trước đó, NYT đã đăng tải thông tin cho rằng Nga đang tiến hành rút bớt người khỏi đại sứ quán ở Kiev và dẫn nguồn các quan chức Mỹ, Ukraine đồn đoán đây có thể "phần là tuyên truyền, phần là để chuẩn bị cho xung đột, hoặc là đòn nhử".
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo VnExpress, quốc hội Indonesia phê chuẩn luật dời thủ đô từ Jakarta đến thành phố mới có tên Nusantara, bước tiến lớn trong kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ.
"Thủ đô mới có chức năng trung tâm và là biểu tượng cho bản sắc quốc gia, cũng như đóng vai trò trung tâm kinh tế trọng điểm mới", Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia Suharso Monoarfa phát biểu trước quốc hội hôm nay, sau khi dự luật dời đô được phê chuẩn thành luật.
Các tòa nhà tại thủ đô Jakarta của Indonesia hồi tháng 8/2021. Ảnh: Reuters.
Luật mới này giúp cung cấp khuôn khổ pháp lý cho kế hoạch khổng lồ trị giá 32 tỷ USD đầy tham vọng của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, vạch ra cách thức tài trợ và quản lý quá trình phát triển thủ đô mới được xây dựng tại khu vực Kalimantan trên đảo Borneo.
Widodo chọn tên thủ đô mới là Nusantara, tiếng Java có nghĩa là quần đảo Indonesia, nhằm nhấn mạnh phương châm "đoàn kết trong sự đa dạng" của đất nước. "Nusantara là một khái niệm thống nhất, bao hàm tất cả sự đa dạng của chúng ta, bất kể chủng tộc, ngôn ngữ hay sắc tộc. Thủ đô mới của Indonesia, dưới cái tên này, sẽ thể hiện thực tế đó", Bộ trưởng Monoarfa giải thích.
Giai đoạn dời đô ban đầu dự kiến bắt đầu từ khoảng giữa năm 2022 và 2024, với một số dự án được tiến hành dưới hình thức hợp tác công - tư, Bộ Tài chính Indonesia cho hay.
Theo Dân trí, một nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc cho rằng, việc Đài Loan không còn bất cứ đồng minh ngoại giao nào sẽ chỉ là "vấn đề thời gian".
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Ảnh: Xinhua).
Trong Diễn đàn thường niên về tình hình vĩ mô do Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh tổ chức hôm 18/1, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành cho rằng, "sẽ chỉ là vấn đề thời gian" trước khi Đài Loan mất toàn bộ đồng minh ngoại giao.
Số lượng đồng minh còn hòn đảo đã tụt từ 22 xuống 14 kể từ khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn của đảng Dân Tiến lên nắm quyền từ tháng 5/2016. Gần đây nhất, Nicaragua vào tháng 12 năm ngoái đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan và chuyển sang công nhận chính sách "Một Trung Quốc".
"Sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi số lượng đồng minh ngoại giao của Đài Loan về 0", ông Lạc nói, nhấn mạnh động thái của Nicaragua đại diện cho "xu hướng chung" và "công lý quốc tế".
Căng thẳng xuyên eo biển Đài Loan leo thang trong những năm gần đây khi Trung Quốc gia tăng hoạt động điều phối khí tài quân sự hoạt động gần hòn đảo.
Theo Dân trí, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ cho dự án nhằm giúp khu vực tư nhân Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh, trong đó có kế hoạch giúp quảng bá các sản phẩm do Việt Nam sản xuất.
Quan chức 2 nước tham gia lễ khởi động dự án (Ảnh: USAID).
Ngày 18/1, USAID cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam (KH&ĐT) tổ chức lễ khởi động một dự án mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam. Dự án sẽ được triển khai trong 5 năm với ngân sách 36 triệu USD (khoảng 828 tỉ VNĐ).
Đây là dự án được công bố trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hồi tháng 8/2021. Dự án sẽ được triển khai phối hợp với Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT.
Doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng là những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, chiếm 40% GDP và 60% tổng số việc làm trong năm 2018. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này phải đối mặt với nhiều thách thức có thể làm cản trở khả năng tăng trưởng liên tục và bền vững, trong đó có các vấn đề như công nghệ mới, thiết lập mạng lưới, liên kết thị trường và thiếu tiếp cận với các cơ hội về đào tạo quản lý và nâng cao kỹ năng.
Dự án Tăng cường Năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân do USAID tài trợ sẽ góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế toàn diện và bao trùm thông qua cải tiến các phương thức kinh doanh, đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ, cải cách chính sách và tăng cường tiếp cận thị trường. Dự án sẽ thúc đẩy các giải pháp do địa phương dẫn dắt và làm chủ để tận dụng lợi thế sức mạnh của đội ngũ nhân tài Việt Nam, bao gồm việc quảng bá các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ do Việt Nam sản xuất (Made by Vietnam), cũng như các giải pháp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Trong thời gian thực hiện, dự án đặt mục tiêu hỗ trợ 5.000 doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng, trong đó có 240 doanh nghiệp tham gia thành công vào các thị trường trong nước, khu vực và quốc tế; 60 doanh nghiệp tiên phong sẽ thành công trong việc tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng và định vị các thương hiệu "Made by Vietnam" của các doanh nghiệp này trên thị trường khu vực và toàn cầu.
Đây được coi là những mục tiêu dài hạn, góp phần cải thiện năng suất lao động, trình độ sản xuất của các doanh nghiệp cũng như nâng cao tay nghề và đời sống của người dân Việt Nam, từng bước khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.