Căng thẳng Nga-phương Tây "nóng" trên mọi mặt trận

Thu Hoài |

Sau các cuộc đàm phán bế tắc ở Vienna (Áo) và Brussels (Bỉ), châu Âu đã trở thành điểm nóng về an ninh khi Nga và phương Tây không ngừng răn đe quân sự lẫn nhau. Trước nguy cơ một cuộc xung đột vũ trang tiềm tàng, các bên đều phát đi tín hiệu đã sẵn sàng cho mọi kịch bản.

Lực lượng Bảo vệ Biên giới Ukraine ở biên giới với Belarus tháng 11/2021. Ảnh: Reuters

Lực lượng Bảo vệ Biên giới Ukraine ở biên giới với Belarus tháng 11/2021. Ảnh: Reuters

Vài giờ sau khi Nga triển khai quân đội tới Belarus để chuẩn bị cho các cuộc tập trận chung dự kiến vào đầu tháng 2, Anh cũng bắt đầu cung cấp vũ khí cho Ukraine. Cả Nga và Anh đều khẳng định, mục đích là nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó của các đồng minh trước bất kỳ cuộc tấn công quân sự tiềm tàng này.

Những động thái này đã làm gia tăng hơn nữa bầu không khí căng thẳng bao trùm tại châu Âu. Dù vẫn để ngỏ các giải pháp ngoại giao, song giới chức Nga cũng cảnh báo về những giới hạn đỏ và ngầm cảnh báo, một khi phương Tây tiếp tục phớt lờ những lo ngại an ninh của Moscow, nước này có thể sẽ chuyển hướng sang các lợi ích an ninh mà hệ quả là cả Mỹ và châu Âu sẽ phải gánh chịu tổn thất lớn.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Chúng tôi vẫn đang chờ đợi phản hồi đối với các đề xuất. Nga có lý do để tin rằng Mỹ và các đồng minh hiểu được sự cần thiết phải có một phản ứng nhanh chóng, chính xác và có thể kiểm chứng bằng văn bản. Song chúng tôi sẽ không chờ đợi mãi mãi.”

Tân Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock vừa có chuyến thăm Ukraine và Nga trong ngày 17-18/1 nhằm hạ nhiệt căng thẳng, đồng thời đưa các cuộc đàm phán về vấn đề Ukraine trở lại định dạng Normandy, vốn bị đình trệ từ năm 2019. Đây lại là một chuyến thăm đầy khó khăn khi dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 đã khiến Đức bị mắc kẹt trong mối quan hệ giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, chính điểm này lại cũng khiến người đứng đầu ngành ngoại giao Đức trở thành nhà thương thuyết tốt nhất.

Phát biểu tại thủ đô Moscow, bà Annalena Baerbock một lần nữa khẳng định sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng sẽ không có bất kỳ sự leo thang nào hơn nữa.

“Nga sẽ phải trả giá đắt nếu có các hành động gây hấn hơn nữa. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại nghiêm túc với Nga, bởi ngoại giao là các duy nhất có thể để xoa dịu tình hình rất nguy hiểm hiện nay. Không quốc gia nào có quyền ra lệnh cho quốc gia khác phải đi theo hướng nào, có thể có quan hệ gì và có thể tham gia liên minh nào”, bà Annalena Baerbock nhấn mạnh.

Không chỉ Đức, Mỹ và NATO cũng đang tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 18/1 bắt đầu chuyến công du tới Ukraine và Đức, đồng thời lên kế hoạch một cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào tuần tới. Mục đích  là nhằm thống nhất cách tiếp cận trong việc giải quyết vấn đề an ninh của Ukraine, đồng thời thúc đẩy những nỗ lực chung khuyến khích các bên lựa chọn giải pháp ngoại giao, giảm leo thang căng thẳng.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã mời Nga và các nước thành viên NATO tham gia vòng đàm phán tiếp theo sau vòng đàm phán đầu tiên được tổ chức hồi tuần trước ở Brussels. Tuy nhiên, việc các bên liên tục đưa ra những lằn răn đỏ và những răn đe quân sự lẫn nhau khiến triển vọng đàm phán trở nên khó khăn hơn. Lập trường của Nga và phương Tây vẫn khác xa nhau bất chấp nhiều cuộc đàm phán đã diễn ra cả ở cấp độ song phương và đa phương./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại