*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Tình hình thế giới ngày 20/2 tiếp tục có nhiều diễn biến đáng chú ý.
Thủ tướng Úc Scott Morrison đã cáo buộc một tàu Hải quân Trung Quốc chĩa tia laser và một trong những máy bay giám sát của Úc ở ngoài khơi bờ biển phía Bắc và gọi đây là một hành động đe dọa.
Vụ việc xảy ra vào ngày 17/2, một máy bay tuần tra P-8A Poseidon của Úc phát hiện ra tia laser từ một tàu hải quân Trung Quốc đang tiến về phía đông qua Biển Arafura, Bộ Quốc phòng Australia cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày 19/2.
Ông Morrison đã bình luận về vụ việc trên vào hôm 20/2: "Tôi rất lo ngại về các hoạt động sử dụng tia laser. Tôi thấy hành động đó không khác gì một hành động đe dọa và vô cớ, không chính đáng. Úc sẽ không bao giờ chấp nhận những hành động đe dọa như vậy."
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Theo thông báo của Cung điện Buckingham, Nữ hoàng Anh Elizabeth II, 95 tuổi, chỉ có các "triệu chứng nhẹ giống như cảm lạnh" và dự kiến sẽ vẫn thực hiện các công việc nhẹ tại Windsor trong tuần tới.
Nữ hoàng sẽ tiếp tục theo dõi y tế và tuân thủ mọi hướng dẫn phù hợp.
Trước đó, ngày 10/2, Văn phòng Thái tử Anh thông báo Thái tử Charles mắc Covid-19 lần thứ hai và có gặp Nữ hoàng Elizabeth II 2 ngày trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính.
Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, phát biểu với báo giới, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia, Tiến sĩ Or Vadine cảnh báo rằng số ca lây nhiễm mới hàng ngày đang có chiều hướng tiến đến mức 4 con số nếu như người dân còn tỏ ra chủ quan với các biện pháp đề phòng y tế.
Bà Or Vadine cho biết số ca lây nhiễm mới tại Campuchia tiếp tục tăng và phần lớn đều là biến thể Omicron. Quan chức này nhấn mạnh rằng biến thể Omicron đã lan truyền rất nhanh chóng trong cộng đồng dân cư, đồng thời đề nghị người dân không được đánh giá thấp mức độ nguy hại của biến chủng này vì với tỷ lệ lây nhiễm cao hơn, số người nhập viện cũng tăng lên và khi có nhiều ca nhiễm thì tỷ lệ tử vong cũng tăng cao.
Ngày 20/2, Bộ Y tế Campuchia đã thông báo về 2 trường hợp tử vong do COVID-19, trong đó có 1 trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Cả hai ca này đều đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ.
Cùng ngày, Campuchia ghi nhận số ca lây nhiễm Omicron cao chưa từng thấy ở mức 736 ca, trong số này có 730 người do lây nhiễm cộng đồng và 6 trường hợp nhập cảnh. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia cho đến nay được ghi nhận là 126.489 ca, trong đó tổng số ca nhiễm biến thể Omicron là 6.036 người.
Hành trình vận tải hàng hóa hai chiều bằng đường sắt Trung Quốc-châu Âu đầu tiên nối từ thành phố cảng Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc với Mannheim của Đức đã bắt đầu đi vào hoạt động ngày 18/2.
Theo tập đoàn điều hành Shandong Hi-speed Group, chuyến tàu đầu tiên rời bến, khởi hành từ Thanh Đảo, chở nguyên liệu hóa chất thô, phụ tùng ô tô, nhu yếu phẩm hàng ngày và các hàng hóa khác trị giá khoảng 2,5 triệu USD, sẽ rời Trung Quốc đi qua cảng Alataw Pass ở Khu tự trị Tân Cương và đến đích ở Đức trong khoảng 19 ngày.
Cùng ngày, một đoàn tàu chở đầy vật liệu khác cũng rời Mannheim, dự kiến sẽ đến Trung Quốc qua Erenhot ở Khu tự trị Nội Mông và đến Thanh Đảo vào giữa tháng 3 tới.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc chiến có thể là cuộc xung đột lớn nhất và đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.
"Kế hoạch mà chúng ta thấy hiện nay là điều gì đó thực sự có thể dẫn đến cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ năm 1945 trên quy mô rộng lớn", Thủ tướng Johnson cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn trên BBC ngày 20/2.
Theo Thủ tướng Anh, các thông tin tình báo cho thấy Moscow đang lên kế hoạch tấn công Ukraine từ nhiều hướng "bao quanh Kiev".
"Tất cả dấu hiệu cho thấy kế hoạch đã bắt đầu ở một mức độ nào đó" và "mọi người cần hiểu cái giá khủng khiếp về nhân mạng" nếu chiến tranh xảy ra, Thủ tướng Anh nhận định.
Những bình luận của Thủ tướng Johnson cũng đồng quan điểm với những nhận định của Tổng thống Biden, người đánh giá hồi tháng trước rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine "là cuộc tấn công lớn nhất kể từ Thế chiến II".
Tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã miêu tả chi tiết kế hoạch Nga tấn công Ukraine trong khi Bộ Quốc phòng Anh công bố bản đồ các mũi tấn công của Nga có thể nhằm vào Ukraine.
Tổng thống Vladimir Putin sẽ điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron hôm nay để thảo luận về các giải pháp nhằm giải quyết căng thẳng hiện nay ở châu Âu.
Cuộc điện đàm diễn ra giữa bối cảnh căng thẳng leo thang ở miền đông Ukraine khi quân chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai liên tục cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk đã bắt đầu sơ tán công dân sang Nga ngày 18/2./.
Mới nhất là vào ngày 18-2, Liên minh châu Âu (EU) tố cáo nền kinh tế số hai thế giới hạn chế công ty thuộc liên minh này bảo vệ các bằng sáng chế tiêu chuẩn thiết yếu (SEP) của mình tại tòa án nước ngoài.
Theo EU, bị ảnh hưởng nhiều nhất là các công ty viễn thông, như Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan), vốn nắm giữ SEP của các công nghệ điện thoại di động quan trọng như 5G. Các nhà sản xuất cần có giấy phép sử dụng SEP để bảo đảm sản phẩm của mình đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế nhất định.
Hãng tin DPA (Đức) dẫn lời Ủy ban châu Âu (EC) cho biết từ tháng 8-2020, Trung Quốc ngăn cản các công ty EU "tự bảo vệ quyền lợi khi SEP của họ bị sử dụng bất hợp pháp hoặc sử dụng mà không trả phí thỏa đáng bởi các bên khác, đơn cử là các nhà sản xuất điện thoại di động Trung Quốc". EC không nêu đích danh các công ty Trung Quốc.
Nếu công ty "bị hại" kiện ra các tòa án bên ngoài Trung Quốc, những khoản phạt "khủng" sẽ giáng xuống, gây sức ép buộc họ hạ phí cấp phép sử dụng SEP xuống dưới mức thị trường. EC nêu ra một trường hợp trong đó khoản phạt theo ngày lên tới 130.000 euro/ngày (147.540 USD).
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Làn sóng biến thể Omicron đang có chiều hướng giảm bớt, nhưng điều này không diễn ra nhanh chóng vì sự hoành hành của dòng phụ BA.2 hay còn gọi là "Omicron tàng hình". Vì vậy, các nhà khoa học đang theo dõi sát dòng phụ có khả năng lây lan nhanh hơn dòng chính Omicron hay không.
Do Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy hình ảnh dưới kính hiển vi một tế bào (màu xanh) của bệnh nhân COVID-19 bị nhiễm biến thể B.1.1.7 của virus SARS-CoV-2 (màu vàng). Ảnh: AFP/TTXVN
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo số ca nhiễm biến thể Omicron có thể khiến người ta hiểu nhầm thực tế. Theo WHO, số ca giảm là do giảm xét nghiệm, và việc này vô hình trung lại gây nhiều khó khăn hơn trong việc truy vết dòng phụ BA.2 đang ngày một gia tăng trong cộng đồng. WHO cũng cảnh báo dòng phụ BA.2 có thể sẽ "ngày càng vượt trội".
WHO cũng thận trọng rằng không nên suy diễn nhiều về xu hướng giảm hiện nay. Bà Maria Van Kerkhove, người phụ trách kỹ thuật về COVID-19 của WHO, cho biết thay vì dựa vào số ca nhiễm, lo ngại lớn hơn là số ca tử vong do COVID-19 đang tăng liên tiếp 6 tuần gần đây. Tuy nhiên, dù BA.2 có thể làm kéo dài làn sóng Omicron nhưng các nhà khoa học cho biết hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy BA.2 gây bệnh nặng hơn BA.1.
Theo số liệu của WHO, hiện BA.2 chiếm khoảng 1/5 số ca mới nhiễm biến thể Omicron trên toàn thế giới. Đan Mạch là nước đầu tiên ghi nhận rằng BA.2 đã vượt qua BA.1. Hiện dòng phụ BA.2 đang trở thành biến thể chủ đạo ở một số nước châu Á, như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Philippines.
Các quan chức Ukraine đã gặp phải một vụ tấn công đạn cối trong chuyến thăm tiền tuyến ở miền Đông Ukraine. Theo AP, các quan chức này đã phải chạy tới một hầm trú ẩn.
CNN cho biết không có ai bị thương trong vụ việc trên. Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Denys Monastyrskiy đã phải tìm nơi trú ẩn khi một số quả đạn cối rơi xuống gần đó. Không lâu sau vụ nã pháo, quan chức Ukraine này đã có một cuộc trả lời phỏng vấn trước truyền thông quốc tế ở Novoluhanske.
Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Denys Monastyrskiy (trái) thăm các binh lính ở tiền tuyền tại Novoluhanske, Ukraine ngày 19/2. Ảnh: CNN
Hàng chục quả đạn phối rơi xuống cách địa điểm của đoàn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine chỉ vài trăm mét. Chia sẻ với CNN sau khi rời khu vực trên, ông Monastyrskiy nói: "Chúng tôi đã trao đổi với các binh lính Ukraine ở đây. Họ vô cùng dũng cảm và sẵn sàng cho mọi tình huống".
Bộ trưởng Nội vụ Ukraine cũng cho biết đây là lần đầu tiên ông ở dưới làn đạn như vậy. Ông chia sẻ với báo giới rằng, xe của ông đã phải dừng lại mỗi lần có tiếng pháo và mọi người phải nằm rạp xuống đất.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 19/2 cho rằng không nên giả định hoặc phỏng đoán các quyết định của Nga về Ukraine, sau khi Mỹ đưa ra cảnh báo rằng Nga "sắp tấn công Ukraine".
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tại cuộc họp báo ở Berlin, Đức, ngày 20/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu bên lề Hội nghị an ninh Munich tại Đức, Ngoại trưởng Baerbock nhấn mạnh: "Chúng ta không thể biết liệu một cuộc tấn công đã được quyết định hay chưa. Tôi khẩn cấp kêu gọi tất cả cần quan sát các diễn biến thật trên thực địa", đồng thời cảnh báo nguy cơ của "những thông tin sai sự thật có chủ đích".
Đáp lại một câu hỏi về việc liệu Đức có cùng quan điểm với đánh giá của Tổng thống Mỹ Joe Biden về khả năng Nga tấn công Ukraine, Ngoại trưởng Baerbock cho biết: "Trong tình huống khủng hoảng, điều không phù hợp nhất là phỏng đoán và giả định".
Bên lề Hội nghị an ninh hàng năm đang diễn ra tại thành phố Munich, Đức, ngày 19/2, Ngoại trưởng các nước G7 đã họp khẩn về tình hình Ukraine và kêu gọi Nga giảm leo thang căng thẳng.
Sau cuộc họp, Ngoại trưởng các nước G7 và Đại diện Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung, trong đó đề cập một số nội dung chính sau:
Bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Nga tăng cường quân đội xung quanh Ukraine, ở bán đảo Crimea và ở Belarus, cho rằng đó là một thách thức đối với an ninh toàn cầu và trật tự quốc tế. Ngoại trưởng G7 và Đại diện EU kêu gọi Nga lựa chọn con đường ngoại giao, giảm leo thang căng thẳng, rút các lực lượng quân sự khỏi khu vực gần biên giới Ukraine và tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế, bao gồm giảm thiểu rủi ro và minh bạch hóa các hoạt động quân sự. Ngoại trưởng G7 và Đại diện EU ghi nhận thông báo mới nhất rằng Nga sẵn sàng can dự về mặt ngoại giao, đồng thời nhấn mạnh cam kết của mình đối với Nga trong việc theo đuổi đối thoại về các vấn đề cùng quan tâm.
Một binh lính Nga tuần tra khu vực gần biên giứi với Nga ở Chernikiv, Ukraine ngày 16/2/2022. Ảnh: Reuters
Về vấn đề Ukraine, Ngoại trưởng G7 và Đại diện EU tái khẳng định tình đoàn kết với người dân nước này, ủng hộ những nỗ lực của Ukraine nhằm tăng cường dân chủ và thể chế, khuyến khích những tiến bộ hơn nữa trong cải cách. Tuyên bố đồng thời nhắc lại cam kết của G7 và EU đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong các đường biên giới và lãnh hải được quốc tế công nhận.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo Ukraine có thể từ bỏ cam kết đã thực hiện hàng thập kỷ qua về việc trở thành quốc gia phi hạt nhân, đồng thời đảo ngược quyết định từ bỏ vũ khí nguyên tử sau khi Liên Xô sụp đổ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) ở Đức, ngày 19/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đài RT, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 19/2, ông Zelensky chỉ ra rằng vào năm 1994, Ukraine đã tham gia Bản ghi nhớ Budapest và từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy đảm bảo an ninh. Ông Zelensky nói rằng động thái này có thể bị đảo ngược nếu bị đe dọa.
Ông Zelensky nói: "Ngày nay chúng tôi không có vũ khí và an ninh. Chúng tôi đã mất một phần lãnh thổ, phần lãnh thổ lớn hơn về diện tích so với Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ. Và, quan trọng nhất, chúng tôi đã mất hàng triệu công dân".
Ông cũng nói rằng Ukraine đã 3 lần tìm cách tham vấn với các quốc gia bảo lãnh của Bản ghi nhớ Budapest để nỗ lực rà soát các điều khoản nhưng không thành công. Ông nói; "Hôm nay, Ukraine sẽ làm điều đó lần thứ tư", và nhấn mạnh rằng ông đã ra lệnh cho Bộ trưởng Ngoại giao Dmitry Kuleba yêu cầu tham vấn nhưng đó sẽ là nỗ lực cuối cùng từ phía Ukraine.
Ông Zelensky nói: "Nếu cuộc tham vấn không diễn ra hoặc không có quyết định cụ thể liên quan đến đảm bảo an ninh cho chúng tôi, Ukraine sẽ có mọi quyền để tin rằng Biên bản ghi nhớ Budapest không có tác dụng và nghi ngờ tất cả các quyết định trong gói đó năm 1994".
Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh rằng "chỉ trích tập thể" của các đồng minh phương Tây cho đến nay vẫn chưa biến thành "các hành động tập thể".
Trong những tuần gần đây, Australia đã chuyển giao 3,6 triệu liều vaccine Pfizer phòng COVID-19 cho Việt Nam thông qua một thỏa thuận mua sắm với UNICEF và hợp tác với Bộ Y tế Việt Nam.
Sáng nay (19/2), 2,2 triệu liều vaccine cuối cùng trong cam kết chia sẻ 7,8 triệu liều vaccine với Việt Nam của Chính phủ Australia đã tới sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM.
Ngoài số vaccine Pfizer được mua thông qua UNICEF, trước đó, Australia đã chia sẻ 4,2 triệu liều vaccine AstraZeneca từ nguồn cung riêng của Australia kể từ tháng 8/2020.
Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam Rana Flowers chia sẻ Việt Nam đã chứng tỏ năng lực trong việc tiêm vaccine an toàn và đảm bảo sử dụng vaccine hiệu quả. Những liều vaccine do Chính phủ Australia hỗ trơ sẽ giúp Việt Nam trong nỗ lực tiêm vaccine cho tất cả người dân, dần dần mở rộng cho trẻ em và bảo đảm triển khai liều nhắc lại.
Giữa bối cảnh căng thẳng leo thang ở miền đông Ukraine, NATO đã điều các nhân viên đang làm nhiệm vụ tại Kiev tới một thành phố cách thủ đô của Ukraine 500 km về phía Tây cũng như tới thủ đô của Bỉ.
Phát biểu khi xuất hiện trên một chương trình truyền hình của Ukraine ngày 19/2, người phát ngôn Trung tâm Tài liệu và Thông tin của NATO tại Ukraine Oksana Musyienko đã tiết lộ các giải pháp mà tổ chức này sẽ thực hiện để bảo vệ các nhân viên của mình.
Ảnh minh họa: Reuters
"Sự an toàn của các nhân viên của chúng tôi là ưu tiên hàng đầu. Đó là lý do tại sao chúng tôi sơ tán tới Lviv và Brussels", người phát ngôn này cho hay.
Lviv là một thành phố lớn ở phía Tây Ukraine, gần biên giới với Ba Lan. Theo bà Musyienko: "NATO và các nước đồng minh đang giám sát và đánh giá tình hình rất chặt chẽ, cũng như tiếp tục để thực hiện các biện pháp cần thiết".
Ngày 19/2, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi các nước phương Tây tôn trọng những quan ngại của Nga đối với Ukraine, đồng thời đặt câu hỏi liệu việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng về phía Đông có đảm bảo hòa bình hay không.
Phát biểu tham dự Hội nghị An ninh Munich bằng hình thức trực tuyến, Bộ trưởng Vương Nghị nói: "Ukraine nên là cây cầu nối Đông và Tây, chứ không phải là tiền tuyến. Tất cả các bên đều có quyền bày tỏ quan ngại của mình, trong khi những quan ngại chính đáng của Nga cũng cần được tôn trọng và lưu ý."
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) hôm 19/2, Tổng thư ký NATO – ông Jens Stoltenberg đã cáo buộc Nga và Trung Quốc đang "tìm cách viết lại các quy tắc quốc tế".
Theo đó, ông Stoltenberg cho rằng, trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Bắc Kinh đã tỏ ra thái độ ủng hộ Moskva bất chấp các luật lệ quốc tế hiện hành.
"Lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta chứng kiến Bắc Kinh đồng lòng tham gia cùng Moskva để yêu cầu NATO ngừng kết nạp thành viên mới", ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Ông Stoltenberg khẳng định rằng cam kết bảo vệ lẫn nhau của các nước thành viên NATO là "không gì lay chuyển được"; "nếu Nga cố tìm cách kìm hãm ảnh hưởng của NATO ngoài biên giới nước này, họ sẽ thấy NATO xuất hiện thêm".
Cũng tại Hội nghị Munich, Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen, cáo buộc Trung Quốc và Nga liên minh với nhau để "áp đặt luật của kẻ mạnh" khi xử lý các vấn đề quốc tế.
Theo bà Leyen, Nga và Trung Quốc "thích hù dọa thay vì tôn trọng quyền tự quyết của nước khác, thích cưỡng ép thay vì hợp tác".
Ngoại trưởng Anh Liz Truss hôm 19/2 cảnh báo rằng , "tình huống xấu nhất giữa Ukraine và Nga có thể xảy ra sớm nhất là vào tuần tới".
Ngoại trưởng Anh Liz Truss đưa ra lời cảnh báo tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức. Bà nói rằng, bài phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại hội nghị là "cực kỳ nghiêm túc".
"Đây là một trong những thời khắc nguy hiểm nhất đối với an ninh châu Âu mà chúng tôi đã trải qua kể từ đầu thế kỷ 20. Và chúng ta cần thể hiện sự thống nhất chưa từng có", Ngoại trưởng Anh nói.
"Tôi nghĩ chúng ta cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, và tình huống xấu nhất có thể xảy ra sớm nhất là vào tuần tới", bà Truss nói.
Ngoại trưởng Truss nhấn mạnh, Vương quốc Anh kiên quyết áp đặt những lệnh trừng phạt nặng nề đối với Nga nếu nước này tấn công Ukraine. "Chúng tôi sẽ ngăn chặn việc các nhà tài phiệt có thể chuyển tiền của họ ra quốc tế. Chúng tôi sẽ ngăn họ đi du lịch và chúng tôi sẽ gây khó khăn hơn cho các công ty Nga trong việc khai thác thị trường vốn của chúng tôi. Và chúng tôi cũng sẽ gây khó khăn hơn cho Nga trong việc tiếp cận thị trường nợ công", bà nói.
Thống đốc vùng Rostov của Nga, ông Vasily Golubev hôm nay (19/2) cho biết, khu vực này đã ban bố tình trạng khẩn cấp do có một số lượng lớn người tị nạn từ Donbass, miền Đông Ukraine tràn vào.
Phát biểu trong cuộc họp với quyền Bộ trưởng Tình trạng khẩn cấp Nga Alexander Chupriyan, Thống đốc vùng Rostov, ông Vasily Golubev nói: "Do số lượng người sơ tán đến đây ngày một đông hơn, nên chúng tôi cho rằng việc áp dụng tình trạng khẩn cấp từ lúc 10h ngày 19/2 là điều phù hợp".
Cùng ngày, trong thông báo trên Telegram, Chủ tịch Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin cho biết, Nga sẵn sàng bảo vệ các công dân nước này tại Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine nếu tính mạng của họ gặp nguy hiểm.
"Nga không muốn chiến tranh. Tổng thống Putin đã nhiều lần khẳng định điều này, cả trước kia và bây giờ. Nhưng nếu nguy hiểm xảy ra đối với cuộc sống của người Nga và người dân sống ở Donetsk, Lugansk, đất nước chúng tôi sẽ bảo vệ họ".
Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng ngày 18/2 thông báo sơ tán người dân tại các khu vực này sang Nga khi nhận thấy tình hình ở Donbass diễn biến theo chiều hướng xấu hơn.
Thống đốc vùng Rostov, Vasily Golubev đã yêu cầu sự giúp đỡ của chính quyền liên bang sau khi tiếp nhận một số lượng lớn người sơ tán./.
Lãnh đạo "Cộng hoà Nhân dân Donetsk" tự xưng, ông Denis Pushilin ngày 19/2 ban hành sắc lệnh tổng động viên do lo ngại chiến tranh bùng phát.
“Tôi kêu gọi đồng bào của tôi, những người đang trong lực lượng dự bị, hãy đến các văn phòng nghĩa vụ quân sự. Hôm nay tôi đã ký một sắc lệnh tổng động viên”, Denis Pushilin, thủ lĩnh phe ly khai ở Donetsk cho biết.
Một lãnh đạo phe ly khai khác, Leonid Pasechnik, đã ký sắc lệnh tương tự đối với "Cộng hoà Nhân dân Luhansk" tự xưng ngay sau đó.
Ngày 18/2, Donetsk và Luhansk (hai khu vực do lực lượng chủ trương ly khai khỏi Ukraine kiểm soát) đã tuyên bố sơ tán dân thường sang Nga do lo ngại nguy cơ bị quân đội Ukraine tấn công. Phần lớn trong số vài triệu dân thường ở Donetsk và Luhansk là người nói tiếng Nga. Nhiều người thậm chí còn được Nga cấp quyền công dân.
Người dân Donetsk đi sơ tán tối 18/2. Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters |
Mặc dù trên thế giới việc tiêm trộn vaccine Covid-19 đã trở nên khá phổ biến, song đến nay Trung Quốc mới chính thức thực hiện việc tiêm các loại vaccine khác nhau cho mũi tăng cường.
Trong thông báo mới nhất, ông Ngô Lương Hữu, Cục phó Cục Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, biến thể Omicron hiện đã trở thành dòng virus chính ở nước này. Với đặc điểm khả năng lây truyền mạnh, tốc độ lây lan nhanh, chủng virus này đã khiến nguy cơ bùng phát dịch cục bộ tại đây gia tăng đáng kể.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 19/2 tổ chức họp báo giới thiệu việc tiêm vaccine Covid-19 ở nước này. (Ảnh: china.com.cn)
Trước thực trạng trên, Trung Quốc đã phê duyệt tiêm trộn các dòng vaccine khác với 3 loại vaccine bất hoạt của Sinopharm và Sinovac đang sử dụng chính hiện nay tại các khu vực trọng điểm.
"Sau khi thực hiện chiến lược tiêm chủng tăng cường hỗn hợp, các đối tượng mục tiêu đã hoàn thành quy trình tiêm chủng 3 loại vaccine bất hoạt trên có thể lựa chọn vaccine protein tái tổ hợp của Anhui Zhifei Longcom hoặc vaccine vector adenovirus của CanSino để tiêm tăng cường", ông Ngô Lương Hữu cho biết.