Biển Đông tại ASEAN: Nóng trong, nguội ngoài

Vân Anh |

Hội nghị cấp cao ASEAN ngày 7.9 tại Vientiane (Lào) tránh đề cập trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông, trong bối cảnh ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ. Tuy nhiên, căng thẳng vẫn âm ỉ bên trong quan hệ giữa hai bên.

Tăng cường đối thoại hợp tác

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 29, các nhà lãnh đạo ASEAN tập trung trao đổi về các thách thức khu vực và quốc tế, trong đó có các hoạt động khủng bố, cực đoan, tội phạm mạng, vấn đề biến đổi khí hậu và bệnh dịch, nhất là dịch bệnh Zika, tình hình Biển Đông và bán đảo Triều Tiên.

Trước những khó khăn chung của kinh tế toàn cầu và khu vực, các nhà lãnh đạo ASEAN đề xuất cần có thêm các biện pháp cụ thể để nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp ASEAN, thuận lợi hóa hơn nữa các hoạt động thương mại, đầu tư, phát triển thị trường lao động, du lịch, qua đó phục vụ tốt hơn nữa lợi ích của người dân, doanh nghiệp trong Cộng đồng ASEAN.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 19 và cũng là Hội nghị kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại, các nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng quan hệ ASEAN-Trung Quốc trong 25 năm qua đã có nhiều bước tiến quan trọng, mang lại lợi ích cho cả hai bên và khu vực.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 346,4 tỷ USD và là nhà đầu tư lớn thứ 4 vào ASEAN với mức đầu tư đạt 8,2 tỷ USD trong năm 2015.

Hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại 1.000 tỷ USD và đầu tư 150 tỷ USD vào năm 2020; phát huy các cơ chế hợp tác hiện có giữa ASEAN và Trung Quốc.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, mong muốn tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với ASEAN. Các nước ASEAN cũng khẳng định coi trọng quan hệ với Trung Quốc với vai trò là một trong những đối tác quan trọng nhất của ASEAN.

Vấn đề Biển Đông được đề cập nhẹ nhàng, các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông vì đây là vấn đề quan hệ mật thiết với hòa bình và ổn định của cả khu vực và thế giới cũng như quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc và các đối tác; khẳng định lại các nguyên tắc chung như kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Hai bên khẳng định sự cần thiết của việc tăng cường đối thoại và hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, thực hiện hiệu quả DOC và sớm ký kết COC vì lợi ích chung. Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung Cấp cao kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN-Trung Quốc; Tuyên bố chung về áp dụng Bộ Quy tắc Ứng xử để tránh va chạm bất ngờ trên biển ở Biển Đông; Tài liệu hướng dẫn vận hành đường dây nóng giữa Quan chức Cao cấp của các Bộ Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc về ứng phó với các sự cố khẩn cấp trên biển; và Tuyên bố chung về hợp tác năng lực sản xuất.

Âm ỉ căng thẳng

Bên lề các hội nghị diễn ra trong ngày 7.9 có những diễn tiến đáng chú ý được báo chí đăng tải. Phát biểu tại hội nghị ASEAN-Trung Quốc, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói rằng, ngay cả khi quan hiện ASEAN-Trung Quốc phát triển mạnh nhất, thì những vấn đề như tranh chấp Biển Đông vẫn xuất hiện hết lần này đến lần khác.

Trong một động thái khá bất ngờ, chỉ vài giờ trước cuộc họp ASEAN-Trung Quốc diễn ra, Bộ Quốc phòng Philippines đã công bố những hình ảnh cho thấy tàu Trung Quốc xung quanh bãi cạn Scarborough.

10 bức ảnh và bản đồ đã được gửi qua email đến các phóng viên, trong đó rất nhiều người đang có mặt ở Lào để đưa tin.

Không có lời giải thích về thời điểm công bố những hình ảnh này, nhưng chúng được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Manila bày tỏ lo ngại sâu sắc về số lượng ngày càng tăng của các tàu Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp, và yêu cầu một lời giải thích của đại sứ Trung Quốc.

Đáp lời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh được Reuters dẫn lời nói rằng, "tình hình xung quanh Scarborough không có gì thay đổi, và Trung Quốc không có hành động mới nào".

"Trong bối cảnh này, một số người đang thổi phồng bằng cách truyền bá những thông tin như vậy. Tôi cho rằng mọi người nên cảnh giác với ý đồ này" - bà Hoa phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ.

Trong khi đó, phát biểu bên lề hội nghị ASEAN tại Lào, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân bày tỏ tin tưởng có thể làm việc với Philippines để quay lại "mối quan hệ lành mạnh".

Tuy nhiên, ông Lưu cũng né tránh không trả lời câu hỏi về những bức ảnh của Bộ Quốc phòng Philippines.

Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Mỹ (CSIS) được Reuters trích dẫn hôm 7.9 cho thấy, phần lớn những vụ đụng độ ở Biển Đông đều do tàu hải cảnh Trung Quốc.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia của CSIS nhận định, những hành động ngày càng quyết liệt của tàu Trung Quốc ở Biển Đông đang dẫn đến nguy cơ gây mất ổn định khu vực.

Nghiên cứu của CSIS liệt kê chi tiết về 45 cuộc đụng độ và căng thẳng trên Biển Đông kể từ năm 2010, trong đó lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã tham gia vào 30 trường hợp.

"Bằng chứng này đã làm sáng tỏ một kiểu hành vi của Trung Quốc đi ngược lại với việc thực thi pháp luật thông thường" - Reuters dẫn lời bà Glaser cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại