Theo Diplomat, phán quyết về tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc sẽ được Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra vào tháng 5 hoặc tháng 6 này.
Có thể nói, rất nhiều nước đang “nín thở” chờ phán quyết, đặc biệt là các nước có liên quan tới tranh chấp nói chung trên Biển Đông, và những nước đang "quan tâm" tới Đông Nam Á như Nhật Bản và Mỹ.
Mặc dù Trung Quốc không cử đại diện tới phiên tòa, đồng thời tuyên bố không công nhận kết quả, nhưng phán quyết của PCA vẫn sẽ đem lại những ảnh hưởng tích cực nếu cái gọi là "đường 9 đoạn" của Trung Quốc chính thức bị tuyên bố là bất hợp pháp.
Đây sẽ là cơ sở để cộng đồng quốc tế gây sức ép và ngăn cản dã tâm của Bắc Kinh.
Vụ kiện này được đánh giá là một dấu mốc quan trọng thể hiện luật pháp quốc tế như một thứ vũ khí trong địa chính trị và cũng là kết quả cho những nỗ lực của Tổng thống Benigno Aquino III.
Dưới thời ông Aquino III, thế đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông đã trở thành một mối quan tâm đáng chú ý. Tuy nhiên, vấn đề này lại không đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 9/5 như nhiều nhà phân tích nhận định.
Và có lẽ nó cũng sẽ không làm thay đổi chính sách đối ngoại với Trung Quốc của Manila trong tương lai gần.
Philippines sẽ làm gì sau phán quyết của PCA?
Trong số 4 ứng viên dẫn đầu: Mar Roxas, Grace Poe, Rodrigo Duterte và Jejomar Binay, không ai có chiến lược rõ ràng để đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông. Thậm chí không ai đề cập tới việc họ sẽ làm gì sau khi tòa án quốc tế ra phán quyết.
Mar Roxas, người được ông Aquino cất nhắc, chắc chắn sẽ tiếp tục theo đuổi hướng đi cứng rắn với vấn đề Biển Đông như Tổng thống đương nhiệm. Có nghĩa là Philippines sẽ tăng cường quan hệ quân sự với không chỉ Mỹ, Nhật mà cả các quốc gia khác trong khu vực.
Thượng nghị sĩ Poe, vốn là người mới trên chính trường, không tỏ rõ bà sẽ làm thế nào để vừa duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc, vừa bảo vệ lập trường của Philippines trên biển Đông.
Binay, Phó Tổng thống đương nhiệm đã cam kết sẽ ưu tiên thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong khi xem nhẹ vấn đề tranh chấp biển đảo.
Duterte, thị trưởng thành phố Davao, cũng muốn Philippines tiến gần tới Trung Quốc, bằng cách chia sẻ tài nguyên biển.
Nếu ông Duterte đắc cử theo đúng phong độ trong khảo sát gần đây thì có thể nhiệm kỳ tới sẽ đánh dấu sự trở lại của các chính sách mà người tiền nhiệm ông Aquino, Gloria Arroyo đã theo đuổi. Và “thời đại hoàng kim” trong quan hệ song phương giữa Manila và Bắc Kinh sẽ được khôi phục.
“Cuộc chơi” trên Biển Đông trở nên khó đoán định ngay cả khi các ứng viên hàng đầu của Philippines lộ diện. Liệu Tổng thống kế nhiệm của Philippines có tiếp tục đường lối cứng rắn của ông Aquino. Hay “thời của Bắc Kinh” lại sắp đến nếu nhà lãnh đạo mới chủ trương “thân” Trung Quốc hơn?
“30 USD/phiếu”
Trên thực tế, dù ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới thì chính sách Biển Đông của họ cũng không phải nhân tố quyết định.
Trung Quốc không phải là yếu tố có tầm ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật của người dân Philippines đến mức họ phải cân nhắc khi lựa chọn lãnh đạo.
Tư tưởng bài Hoa của người Philippines không thực sự cao. Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2015, 54% người dân Philippines có quan điểm tích cực đối với Trung Quốc.
Chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia chưa bao giờ là tiêu chí “kiếm điểm” trong các cuộc bầu cử tại Philippines, nơi chính trị bị tầng lớp tinh hoa và những gia tộc quyền thế chi phối.
Hầu hết các chính trị gia Philippines đều xuất thân từ các gia đình tinh hoa và cuộc bầu cử Tổng thống thực chất chỉ là cuộc cạnh tranh về tầm ảnh hưởng chính trị giữa các gia tộc giàu có nhất.
Theo báo cáo của Trung tâm Báo chí Điều tra Philippines, các ứng viên Tổng thống và phó Tổng thống trong cuộc bầu cử 2016 đã chi 96 triệu USD để vận động bầu cử, tính đến cuối tháng 3.
Tiền không chỉ được dùng để chi cho các hoạt động bầu cử mà còn để mua các phiếu bầu. Một phiếu có “giá” khoảng 1.500 PHP (30 USD), theo số liệu của PCIJ. Vì thế, ai chịu chi nhất thì có khả năng thắng cao nhất, dù chính sách của họ là gì.
Và tranh chấp lãnh hải không phải là một nhân tố thay đổi cuộc chơi.