Biển Đông: Ngoại trưởng Nhật Bản thăm Đông Nam Á, TQ lo sợ gì?

Hải Võ |

Kết thúc chuyến thăm Trung Quốc sau 4 năm hôm 30/4, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã bắt đầu hành trình công du các nước Đông Nam Á, gồm Thái Lan, Myanmar, Lào và Việt Nam.

Bắc Kinh lo bị Ngoại trưởng Nhật "phá thành quả"

Trong nghị trình tại Đông Nam Á, ông Kishida nhiều lần đề cập đến vấn đề biển Đông, trong khi truyền thông Nhật Bản gọi đây là hành trình ngoại giao nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 4/5 tuyên bố chỉ trích Nhật Bản "là nước đứng ngoài cuộc ở biển Đông nhưng cố chấp muốn gia tăng sự hiện diện", "không thể có kết quả tốt".

Ông Hồng nói: "Chúng tôi khuyên phía Nhật Bản không nên tiếp tục hành động như vậy."

Truyền thông Trung Quốc tỏ thái độ giận dữ trước động thái của Ngoại trưởng Nhật, cho rằng ông Kishida đã "trở mặt" với Bắc Kinh khi trước đó khẳng định "đạt bước tiến đầu tiên mở ra thời đại mới trong quan hệ Trung-Nhật".

Tiếp xúc với người đồng cấp Myanmar Aung San Suu Kyi hôm 3/5, Ngoại trưởng Kishida đánh giá tình hình biển Đông là "vấn đề cấp bách" và bày tỏ quan tâm sâu sắc.

Trước đó, trong chuyến công du Thái Lan, ông Fumio Kishida nhấn mạnh giải quyết tranh chấp biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh quân sự hóa biển Đông.

Ngày 4/5, Ngoại trưởng Lào Saleumxay Kommasith cũng nhất trí với ông Kishida rằng cần giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Trên thực tế, điều khiến Chính phủ Trung Quốc tức giận không chỉ là ý định kiềm chế Bắc Kinh của Nhật, mà bởi Ngoại trưởng Kishida dường như đang làm lung lay nỗ lực của nước này ở Đông Nam Á.

Chính sách "hợp tung" của Trung Quốc

Tác giả nổi tiếng Trung Quốc Điền Nhất Phong đánh giá trong bài viết hôm 3/5 của mình, Trung Quốc đang có sự chuyển đổi chiến lược trong chính sách về vấn đề biển Đông.

Theo đó, Bắc Kinh đang đi theo chiến lược cổ đại mang tên "hợp tung", tức cố gắng tập hợp sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực vào một "liên minh" để chống lại đối thủ mạnh trên biển Đông là Mỹ.


Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) tiếp Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida ngày 30/4 tại Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) tiếp Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida ngày 30/4 tại Bắc Kinh.

Hàng loạt bài báo và tuyên bố "được nhiều nước ủng hộ" thời gian qua là bằng chứng rõ nhất về sự chuyển dịch chiến lược này.

Trước khi Ngoại trưởng Fumio Kishida công du Đông Nam Á, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã có chuyến thăm tương tự tới một số nước để vận động hành lang nhằm giành tiếng nói ủng hộ về vấn đề biển Đông.

Ngay sau đó, Bắc Kinh đã "tung hô" rằng có tất cả 12 nước, bao gồm "nhiều quốc gia Đông Nam Á", ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề trên.

Để thực hiện hướng đi mới, ông Điền chỉ ra các bước Bắc Kinh đang thực hiện như sau:

- Tìm cách nhấn mạnh vấn đề an ninh biển Đông "phải do Trung Quốc và ASEAN xử lý" nhằm phản đối sự tham gia của "các quốc gia ngoài khu vực", cụ thể là Mỹ cùng hai đồng minh Nhật Bản, Australia.

- Thông qua biện pháp ngoại giao để có được tiếng nói ủng hộ của càng nhiều nước càng tốt, điển hình là việc Bắc Kinh thành công trong việc thỏa thuận với Moscow, để Ngoại trưởng Nga lên tiếng "phản đối quốc tế hóa tranh chấp biển Đông".

- Cố gắng lôi kéo các nước ASEAN không có tranh chấp trên biển với Trung Quốc nhằm đạt được "sự thông cảm" hoặc "không phản đối lập trường của Bắc Kinh" từ các nước này, tạo ấn tượng với quốc tế về xu thế ủng hộ dành cho Trung Quốc.

Trong bối cảnh Tòa trọng tài thường trực (PCA) The Hague sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện biển Đông mà Philippines là nguyên đơn chống lại Trung Quốc, Bắc Kinh đang nhận ra đây là chính sách khả thi nhằm duy trì hiện trạng bành trướng của nước này ở biển Đông.


Ngoại trưởng Nhật gặp người đồng cấp Myanmar Aung San Suu Kyi tại thủ đô Naypyitaw hôm 3/5. (Ảnh: AP)

Ngoại trưởng Nhật gặp người đồng cấp Myanmar Aung San Suu Kyi tại thủ đô Naypyitaw hôm 3/5. (Ảnh: AP)

Từ lôi kéo sang đối đầu, Trung Quốc tự đưa mình vào thế khó

Theo chuyên gia Điền Nhất Phong, việc quân đội Mỹ công khai đẩy mạnh sự hiện diện trở lại trên biển Đông thông qua các căn cứ quân sự của Philippines đã nâng cuộc đối đầu giữa Trung Quốc với Mỹ cùng Nhật, Australia lên một cấp độ mới.

Ông Điền cho hay, trước khi Mỹ thể hiện vai trò chủ động trong vấn đề biển Đông, Trung Quốc từng có ý định thực hiện chính sách "liên hoành", một đối trọng của "hợp tung".

Theo chính sách này, Chủ tịch Trung Quốc đã kêu gọi xây dựng "quan hệ nước lớn kiểu mới" với Washington, mà một phần trong đó, là vấn đề biển Đông được giải quyết "tay đôi" thông qua sự thỏa thuận của Mỹ-Trung, bất chấp ý kiến từ các quốc gia khác.

Tuy nhiên, chính sách ngoại giao cứng rắn cùng tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông khiến hai nước không thể tìm được lợi ích chiến lược chung, dẫn đến kế hoạch thất bại.

Trên thực tế, các nhà quan sát Trung Quốc tin rằng việc lôi kéo Mỹ là bất khả thi bởi Washington không có ý định chia sẻ vị thế lãnh đạo ở Tây Thái Bình Dương với Bắc Kinh.

Theo Điền Nhất Phong, Trung Quốc không có cách nào khác ngoài tìm cách làm hòa dịu quan hệ với các nước láng giềng, đặc biệt và Việt Nam và Philippines, đồng thời thúc đẩy quan hệ với ASEAN.

Chính vì vậy, Trung Quốc mới hết sức quan tâm đến kết quả chuyến công du 4 nước ASEAN của Ngoại trưởng Nhật Bản và nỗ lực tìm giải pháp giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực gần như chắc chắn sẽ xảy ra đến từ phán quyết của PCA.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại