Bi kịch của những cặp đôi chồng gay vợ les nhắm mắt kết hôn để làm vừa lòng cha mẹ

Thu Trang |

Không dám công khai sống thật với giới tính của mình, nhiều người đã tự dấn thân vào những cuộc hôn nhân "hai bên cùng có lợi" để rồi nhận ra sớm muộn gì nó cũng trở thành bi kịch.

Áp lực kết hôn đối với phụ nữ Trung Quốc cực kỳ lớn. Vậy trong hoàn cảnh đó bạn sẽ làm gì nếu là một người đồng tính nữ?

Ou Xiaobai, 32 tuổi, là một người thuộc giới tính thứ 3 đang sống cùng bạn gái ở Bắc Kinh. Tất nhiên, cô cũng không thể thoát khỏi áp lực của cả gia đình và xã hội về việc kết hôn.

Chính vì vậy, để làm vừa lòng cha mẹ đồng thời cũng là để bảo vệ mối quan hệ của mình và bạn gái, cô đã quyết định dấn thân vào một cuộc hôn nhân "hai bên cùng có lợi" với một người đồng tính nam vào năm 2012.

Quyết định kết hôn chỉ để vui lòng cha mẹ

Thực ra, nếu là khoảng chục năm trước khi việc quan hệ đồng tính chưa được nhiều người biết đến thì Ou và bạn gái sẽ bớt bị nghi ngờ hơn. Nhưng giờ đây chuyện đó quá phổ biến khiến cho các bậc phụ huynh rất lo lắng.

Họ liên tục hỏi con gái xem cô có đang hẹn hò chàng trai nào không. Hết lần này tới lần khác, Ou vẫn chối đây đẩy nhưng sự việc trở nên tồi tệ hơn sau khi cha cô qua đời.

Mẹ cô vì cô đơn và lo lắng cho con gái một thân một mình ở thủ đô đã từ Đại Liên lên chăm con mỗi năm vài tháng mà không hề hay biết về mối quan hệ đồng tính của con mình.

Nhận thấy nếu cứ như thế này kiểu gì cũng có ngày bại lộ và đằng nào cũng không tránh được chuyện kết hôn, Ou đã tới cầu cứu những người bạn của mình và đó chính là lần đầu tiên cô biết tới những cuộc hôn nhân "hai bên cùng có lợi".

Ou gặp "chồng" qua một người bạn. Đó là một người đàn ông tốt nhưng cũng giống như Ou, anh ta cũng đang sống cùng bạn tình của mình nhưng không muốn để lộ cho ai biết. Trong hôn lễ, bạn gái Ou vừa là phù dâu vừa là người lo váy cưới và trang điểm cho cô.

Bi kịch của những cặp đôi chồng gay vợ les nhắm mắt kết hôn để làm vừa lòng cha mẹ - Ảnh 1.

Bạn gái Ou rất vui và hoàn toàn ủng hộ quyết định của cô. Bạn trai của chồng cô cũng vậy. Mặc dù đến bên nhau do "hoàn cảnh xô đẩy" nhưng cả bốn người họ có quan hệ rất tốt khi cùng nhau lên kế hoạch chi tiết cho đám cưới.

Ou chia sẻ sau khi nhìn mẹ và người thân vui vẻ, hạnh phúc tại tiệc cưới, cô cảm thấy mình đã quyết định đúng.

"Chỉ bằng cách đó, chúng tôi mới có thể khiến tất cả đều vui vẻ. Gia đình tôi thì mãn nguyện vì từ nay đã có người chăm sóc cho đứa con gái duy nhất khi họ mất đi còn chồng tôi thì không còn phải chịu sự khích bác từ bạn bè, đồng nghiệp nữa", Ou cho biết.

Thế nhưng, "vải thưa" liệu có che được "mắt thánh"?

Hồi mới cưới, vợ chồng Ou thường phải dắt nhau về thăm nhà mỗi dịp lễ truyền thống như Tết. Ou cũng thường phải theo chồng tham gia vào các cuộc hội họp ở công ty anh.

Tuy nhiên, những năm gần đây, khi gia đình và bạn bè đã tin cả hai người là một cặp vợ chồng lâu dài rồi thì họ chẳng cần phải "diễn" cảnh hạnh phúc nữa.

Ou sống cùng bạn gái còn chồng cô sống cùng bạn trai. Bốn người thỉnh thoảng lại rủ nhau đi ăn tối vì giờ đây họ đã trở thành những người bạn tốt.

Tuy nhiên, Ou cũng hiểu rằng đối với nhiều người, những cuộc hôn nhân với chồng gay vợ les như thế này có thể là khởi đầu của một cơn ác mộng.

Mọi chuyện sẽ trở nên cực kỳ phức tạp nếu người thân sống trong cùng thành phố bởi chỉ một cuộc vướng thăm bất ngờ thôi thì sự thật về cuộc hôn nhân sẽ bị phơi bày.

Bên cạnh đó, câu hỏi "khi nào thì có con" cũng khiến các "cặp đôi hoàn cảnh" này đau đầu nhức óc. Nếu chọn cách thụ tinh nhân tạo để làm vừa lòng cha mẹ đôi bên thì chẳng phải là cả hai sẽ phải sống chung để nuôi con hay sao? Nếu vậy thì có khác gì bi kịch.

Bi kịch của những cuộc hôn nhân chồng gay vợ les - Ảnh 2.

Nỗ lực để sống với giới tính thật

Gạt chuyện đó sang một bên, hiện tại cả bốn người họ đang phải tập trung tìm "chồng" cho bạn gái của Ou.

Mặc dù bố mẹ bạn gái Ou đã biết giới tính thực của con gái từ hồi học cấp 3 nhưng cặp đôi này hoàn toàn hiểu được nỗi sợ hãi của các bậc phụ huynh khi một ngày nào đó bí mật này bị phanh phui trước toàn bộ gia đình, đặc biệt là bà nội của bạn gái Ou.

"Dù biết sớm muộn gì thì cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra thôi nhưng tôi tin xã hội Trung Quốc sẽ mở lòng hơn đối với cộng đồng LGBT và mẹ tôi cũng sẽ dễ dàng chấp nhận xu hướng tình dục thật sự của tôi hơn.

Tôi thực sự muốn gia đình chấp nhận con người thật của tôi", Ou chia sẻ.

Sau khi kết hôn, nhiều người biết giới tính thực của Ou đã tìm tới cô để xin lời khuyên. Hóa ra có rất nhiều người đang cần sự giúp đỡ khi phải cố gắng giấu giếm con người thật của mình.

Không chỉ có 70 triệu người đồng tính nam mà hàng triệu người đồng tính nữ ở Trung Quốc buộc phải mạo hiểm kết hôn với nhau.

Đó chính là lý do Ou và những người bạn thành lập một dịch vụ có tên gọi iHomo trên mạng xã hội. Trong khoảng hơn 1 năm, họ đã tổ chức được hơn 80 sự kiện, tác hợp cho 100 đám cưới "đôi bên cùng có lợi". Thừa thắng xông lên, họ còn đang chuẩn bị tung ra ứng dụng iHomo.

Ou và những người bạn của cô đang cố gắng để xã hội hiểu họ hơn nhưng đứng lên đấu tranh kiểu đao to bua lớn có lẽ không phải là chiến lược tốt nhất.

Họ buộc phải dựng lên những cuộc hôn nhân "hai bên cùng có lợi" như một cách thực dụng nhất để "dĩ hòa vi quý", vừa chiều lòng cha mẹ mà lại vừa được sống đúng với con người mình.

"Chúng tôi biết việc này rất khó nhưng chúng tôi vẫn sẽ đấu tranh vì những gì mình tin tưởng", Ou cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại