Bị Hoà Phát tấn công thẳng vào thị trường tôn mạ, nhưng Hoa Sen chẳng lo đối phó mà còn bỏ đi xây cao ốc

Sau lời chỉ đường dẫn lối của "một cao nhân", ông Lê Phước Vũ quyết định nhảy vào lĩnh vực bất động sản bằng một dự án cao ốc chọc trời 49 tầng.

Cơ duyên này đến với ông Vũ sau khi Tập đoàn Hoa Sen được Chủ tịch UBND Tỉnh Bình Định giao khu đất vàng để thực hiện dự án. Ông còn cho biết, sau đó một số tỉnh thành khác cũng giao dự án dù ông không hề xin xỏ ai.

Theo thông tin công bố từ Hoa Sen, dự án Hoa Sen Tower được xây dựng trên khu đất 6.900m2 tại trung tâm thành phố Quy Nhơn là dự án có quy mô lớn nhất tỉnh Bình Định. Dự án có 2 khu phức hợp gồm 2 toà tháp cao 27 tầng và 49 tầng, là tổ hợp khách sạn, căn hộ cao cấp và trung tâm thương mại, đường hầm dưới đường An Dương Vương nối công trình với công viên biển và không gian ngầm dưới công viên cho các hạng mục vui chơi giải trí. Ông Vũ cho biết, đây là lời chào của Hoa Sen với giới bất động sản.

Hoa Sen chuyển hướng sang bất động sản trong bối cảnh doanh nghiệp này vẫn đang dẫn đầu thị trường tôn mạ trong nước với hơn 45% thị phần. Tuy nhiên, gần đây, Hòa Phát - doanh nghiệp số một ngành thép xây dựng tại Việt Nam cũng vừa nhảy vào thị trường tôn mạ của Hoa Sen với lời thách thức sẽ sớm giành lấy vị trí số 1.

"Trong ngành thép xây dựng, khi Hòa Phát bắt đầu tham gia thị trường thì đã có rất nhiều công ty thép xây dựng lớn hơn, "khủng" hơn Hòa Phát rất nhiều. Nhưng hiện nay chúng tôi đã vươn lên vị thế số 1 trên thị trường.

Chúng tôi quan niệm bất cứ sản phẩm nào cũng có cạnh tranh, đó là việc hết sức bình thường. Trong ngành hàng tôn mạ, không chỉ có Hoa Sen mà còn có hàng chục công ty khác. Hòa Phát xác định cạnh tranh sòng phẳng với các đơn vị khác", ông Nguyễn Mạnh Tuấn, phó chủ tịch Hòa Phát từng tuyên bố khi khởi công nhà máy tôn mạ công suất 400.000 tấn/năm hồi tháng 5 vừa qua.

Mặc dù vậy, có vẻ như Hoa Sen đang bỏ ngoài tai mối đe dọa đến từ Hòa Phát và tập trung vào lĩnh vực mới là bất động sản.

Rất thận trọng và đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam rất phức tạp, nhưng ông Vũ vẫn quyết định bước chân vào lĩnh vực này, bởi ông cho rằng chuỗi giá trị sản xuất của công ty hiện gồm tôn thép, xi măng, ống nhựa và sắp tới là nội thất cho phép ông chuyển hướng đầu tư vào ngành bất động sản.

Tuy nhiên, nếu nói về lợi thế khi làm bất động sản, một doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng như Hoà Phát khi xây dựng các công trình chắc chắn ít nhiều sẽ có lợi thế về mặt giá thành vật liệu xây dựng hơn so với các doanh nghiệp khác.

Thế nhưng, thực tế cho thấy Hòa Phát đầu tư vào bất động sản rất dè chừng. Lĩnh vực này trong cơ cấu doanh thu của Hoà Phát chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp, chỉ khoảng 3%.

Báo cáo tài chính của Tập đoàn này cho thấy, doanh thu từ kinh doanh bất động sản hiện chỉ nhỉnh hơn chút ít so với làm nông nghiệp, thấp hơn nhiều nếu so với doanh thu từ thép hay năng lượng và nội thất.

Rõ ràng, thị trường bất động sản với quá nhiều ông lớn như Vingroup, Sungroup, FLC, Tân Hoàng Minh,... không còn là mảnh đất nhiều tiềm năng phát triển cho doanh nghiệp khác chen chân vào, kể cả với một DN lớn như Hòa Phát.

Quay lại với Hoa Sen, hướng đi của Tập đoàn này sẽ là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Trước đó, Hoa Sen đã khởi công xây dựng một khách sạn lớn 4 sao tại thành phố Yên Bái với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Hoa Sen sẽ đầu tư các dự án khác như Khu du lịch tâm linh, sinh thái đầm Vân Hội (Yên Bái), khu du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh suối nước nóng Hội Vân (Bình Định).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại