Bắc Kinh đã phản ứng một cách đầy tức giận trước quyết định mới nhất của phía Washington. "Mỹ đã vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế và những quy tắc cơ bản về quan hệ quốc tế khi bán vũ khí cho Đài Loan", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang cho hay.
"Để bảo vệ lợi ích quốc gia, Trung Quốc sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt lên những tập đoàn, công ty có liên quan đến hoạt động bán vũ khí kể trên."
Trước đó, hồi giữa tuần trước, quân đội Trung Quốc đã bày tỏ sự không bằng lòng với việc Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng: "Đài Loan là 1 phần lãnh thổ không thể xâm phạm của Trung Quốc. Việc Trung Quốc giữ vững lập trường chống lại thương vụ buôn bán vũ khí Mỹ cho Đài Loan là kiên định và rõ ràng."
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh: " Là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, tình hình Đài Loan có liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc cũng như tình cảm của toàn dân và không cho phép bên ngoài can thiệp vào."
Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, quân đội nước này có ý chí vững vàng, sự tự tin tuyệt đối và đầy đủ năng lực để chặn đứng mọi hình thức can thiệp từ bên ngoài cũng như những động thái đòi quyền độc lập cho Đài Loan của những kẻ theo chủ nghĩa ly khai. Trung Quốc sẽ thực hiện những biện pháp cần thiết để đảm bảo chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố.
Loạt phát biểu đầy cứng rắn trên được đưa ra sau khi Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ hôm qua (8/7) thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ký thông qua yêu cầu của Đài Loan về việc mua hơn 100 xe tăng M1A2T cùng những thiết bị có liên quan. Hợp đồng này có giá trị lên tới hơn 2 tỉ USD. Mỹ cũng đồng ý bán cho VLT Đài Loan 250 tên lửa phòng không Stinger có trị giá khoảng 224 triệu USD.
Vấn đề Đài Loan luôn là một trong những vấn đề nhạy cảm hàng đầu trong quan hệ giữa hai cường quốc Mỹ-Trung.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ của họ. Mặc dù Washington công nhận điều này nhưng vẫn duy trì một mối quan hệ gắn bó, thân thiết với Đài Loan.
Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan đã bị chia cắt năm 1949, sau một cuộc nội chiến, và kể từ đó đến nay Bắc Kinh luôn khẳng định mục tiêu kiên quyết thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc. Bắc Kinh công khai ý định sẵn sàng dùng vũ lực đối với VLT Đài Loan nếu khu vực này tìm cách đòi độc lập với Trung Quốc. Vì thế, Đài Loan vẫn luôn canh cánh cái gọi là "mối đe dọa từ Trung Quốc" đối với hòn đảo này.
Kể từ khi bà Tsai Ing-wen lên cầm quyền, tình hình Eo biển Đài Loan bắt đầu leo thang căng thẳng do Nhà lãnh đạo mới của Đài Loan áp dụng lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
Bà Tsai công khai thực hiện nhiều bước đi nhằm đối phó với Trung Quốc như tăng chi tiêu quân sự, tăng cường mua sắm vũ khí và mở rộng hợp tác với các nước lớn, đặc biệt là đồng minh Mỹ. Bắc Kinh đương nhiên không thể chấp nhận một Đài Loan ngày càng thách thức khi hòn đảo này luôn luôn được Trung Quốc coi là một vùng lãnh thổ của họ.
Tình hình càng nghiêm trọng khi Mỹ cũng tăng cường giúp đỡ cho Đài Loan, đặc biệt trong vấn đề vũ khí, quân sự. Quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều lần lên xuống thất thường và bị gián đoạn bởi việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan.
Mỗi lần Mỹ cung cấp vũ khí cho Vùng lãnh thổ Đài Loan thì nước này đều vấp phải những phản ứng hết sức mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. Năm 2010, Trung Quốc từng tạm ngưng các quan hệ quân sự với Mỹ và đe dọa dùng đòn trừng phạt kinh tế để đáp trả việc Quốc hội Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí trị giá 6,4 tỉ USD cho Vùng lãnh thổ Đài Loan.