Câu chuyện bắt đầu vào đêm tháng 7 năm 2016...
Vào đêm ngày 25/7/2016, một kỹ thuật viên công nghệ thông tin tại Canada, anh Notanee Bourassa đi dạo cùng hai cô con gái nhỏ với mục đích cho chúng thấy vẻ đẹp của bầu trời đêm và cực quang.
Anh thường chụp ảnh ánh sáng cực quang, tuy nhiên đây là lần đầu tiên anh đi cùng bọn trẻ.
Khi một dải sáng màu hồng tím xuất hiện và bắt đầu phát sáng, Bourassa ngay lập tức ghi lại cho đến khi nó biến mất 20 phút sau đó. Với kinh nghiệm 30 năm, anh biết rằng đây không phải cực quang thông thường, nó là một thứ gì khác.
Từ năm 2015 đến 2016, những nhà khoa học nghiệp dư như Bourassa đã chia sẻ hơn 30 báo cáo về những lần chạm trán ánh sáng kỳ lạ khi họ tham gia dự án theo dõi cực quang Aurorasaurus. Dự án này được NASA và Hội khoa học quốc gia tài trợ.
Lãnh đạo nhóm nghiên cứu, Liz MacDonald thuộc NASA cùng đồng nghiệp quyết tâm đi tìm lời giải cho hiện tượng bí ẩn này. Họ đặt tên vui cho hiện tượng mới này là Steve.
Dải sáng màu hồng tím (Ảnh: NASA)
Dĩ nhiên, không chỉ Bourassa chụp được ảnh về hiện tượng này. Máy ảnh chuyên chụp ảnh bầu trời của Đại học Calgary và Đại học California cũng có những tấm ảnh tương tự. Từ ngoài không gian, vệ tinh Swarm của ESA cũng tình cờ đi ngang khu vực và chụp được.
Lần đầu tiên các nhà khoa học có được hình ảnh về hiện tượng Steve này từ mặt đất và không gian. Theo MacDonald, hiện tượng này không phải là một cực quang bình thường. Nó tương ứng với một sự kiện diễn ra ngoài không gian. Chúng ta cần thêm nhiều dữ liệu để có thể hiểu về hành vi của nó cũng như tác động lên thời tiết không gian.
Cho dù là gì đi chăng nữa, hiện tượng Steve hay cực quang đều được tạo ra theo cùng một cách: Các hạt tích điện từ Mặt trời tương tác với từ trường của Trái đất.
Sự khác biệt của Steve là nó diễn ra dọc theo đường sức từ của Trái đất và ở vĩ độ thấp. Điều này có nghĩa là các hạt tích điện tạo ra Steve kết nối với đường sức từ gần xích đạo hơn, do vậy Steve có thể được nhìn thấy ở nam Canada.
Kèm ánh sáng xanh (Ảnh: NASA)
Có lẽ điều ngạc nhiên nhất là nó xuất hiện trong ảnh vệ tinh. Dữ liệu cho thấy Steve tạo thành từ một dòng hạt nóng tốc độ cao gọi là cực quang trượt ion hay SAID. Các nhà khoa học nghiên cứu SAID đã lâu nhưng không biết nó có thể tạo ra cực quang.
Sự ghi nhận Steve là một điều quan trọng vì nó xảy ra tại vùng hạ cực quang, vĩ độ thấp hơn bình thường và không được tập trung nghiên cứu. Hiện giờ các nhà nghiên cứu biết được rằng có sự góp mặt của các quá trình hóa học chưa rõ xảy ra trong vùng này khiến nó phát sáng.
Ngoài ra, Steve xuất hiện cùng lúc với cực quang do vậy nó dẫn đến khả năng có điều gì đó diễn ra gần Trái đất khiến cực quang và Steve cùng xảy ra.
Và cuối cùng, chụp ảnh Steve là câu chuyện của kiên nhẫn và xác suất. Vì các vệ tinh có chu kỳ bay ngắn nên không dễ dàng đồng thời chụp ảnh Steve từ không gian và từ mặt đất.
Hiện nay các nhà khoa học vẫn giữ tên gọi cũ nhưng là STEVE, viết tắt của Phát xạ nhiệt mạnh vận tốc tăng cường.
Nguồn: Sciencedaily