1,5 vạn "quân Thổ" ép lực lượng Tướng Haftar "vỡ trận" ở tây Libya
Ngày 18/5/2020, sau 48 giờ giao tranh dữ dội, lực lượng Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) với hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy lui lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) và kiểm soát căn cứ không quân chiến lược al-Watiya ở miền tây Libya vào ngày 18/5/2020.
Bên cạnh việc để mất căn cứ chiến lược, bàn đạp để tiến vào cửa ngõ thủ đô Tripoli từ hướng tây nam, thiệt hại của LNA bao gồm một máy bay không người lái (UAV) Wing Loong II đã bị bắn rơi và một hệ thống pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 do Nga sản xuất đã bị bắt sống.
Việc để mất al-Watiya trong cuộc phản công của GNA ở miền tây Libya là một đòn giáng mạnh vào kế hoạch kiểm soát thủ đô Tripoli của tư lệnh LNA, Tướng Khalifar Haftar.
Bên cạnh hỏa lực của Thổ Nhĩ Kỳ, nhân tố được cho là quyết định khiến chiến dịch phản công tại al-Watiya thành công là sự tham gia tích cực của lính đánh thuê Syria.
Theo hãng thông tấn Anadolu, chiến dịch phản công vào căn cứ al-Watiya huy động tới 5 cánh quân bao gồm một số lượng lớn dân quân Libya trung thành với GNA và lính đánh thuê Syria.
Theo tổ chức SOHR có trụ sở tại Anh, vào đầu tháng 5/2020 có khoảng 8.950 tay súng người Syria đang tham chiến tại miền tây Libya và con số này đã gia tăng đáng kể sau các hoạt động không vận của Ankara những ngày gần đây.
Đó là chưa kể tới từ 5.000 đến 6.000 tay súng dân quân trung thành với GNA tại các "thành bang" Misrata và Tripoli.
Có thể ước tính ở thời điểm hiện tại, tổng số "quân Thổ" ở miền tây Libya là khoảng 1,5 vạn tay súng. Ở bên kia chiến tuyến, mặc dù có ưu thế về hỏa lực và khả năng cơ động, LNA chỉ có thể duy trì quân số khoảng 7.000 tay súng.
Với chênh lệch về quân số nói trên, việc lực lượng này bị "tràn ngập" tại al-Watiya khiến các tay súng LNA hoảng loạn tháo chạy, bỏ lại trang bị quân sự hiện đại là điều khá dễ hiểu. Có lẽ giải pháp duy nhất lúc này của Tướng Haftar là "câu giờ" chờ viện binh.
Sáng 20/5, hãng tin Sputnik dẫn tuyên bố của LNA cho biết họ sẽ đơn phương rút quân khỏi một "vành đai" rộng từ 2 đến 3 km so với chiến tuyến hiện tại ở Tripoli và bày tỏ hy vọng rằng đối phương GNA cũng sẽ tiến hành hoạt động tương tự.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 chiến lợi phẩm tại al-Watiya được lực lượng GNA kéo quanh thủ đô Tripoli.
"Nỗ lực" của UAE và Sudan
Ngày 30/4/2020, tờ al-Jazeera dẫn nguồn tin địa phương cho biết một số quan chức UAE đã đến Khartoum, thủ đô Sudan để vận động sự hỗ trợ của chính phủ nước này cho lực lượng LNA và tuyển mộ các tay súng Sudan tham chiến ở Libya.
Phái đoàn do Cố vấn An ninh Quốc gia UAE Tahnoun bin Zayed dẫn đầu, đã thảo luận với các quan chức Sudan về cách thức hỗ trợ Tướng Haftar trong bối cảnh LNA đang phải đối mặt với "tình thế nguy hiểm" ở miền tây Libya.
Trong 5 năm từ sau khi Nội chiến Sudan lần 2 kết thúc (từ 2005 tới năm 2010), hàng chục nghìn tay súng ở các phe tham chiến bao gồm 16.000 trẻ vị thành niên đã được giải ngũ. Đây có thể là một nguồn nhân lực khổng lồ có thể giúp đảo ngược tình thế ở Libya.
Vào cuối năm 2019, Sudan đã tỏ rõ lập trường ủng hộ lực lượng LNA. Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, khoảng 1.000 đến 2.000 tay súng thuộc Lực lượng dân quân hỗ trợ - phản ứng nhanh Sudan (RSF) đang hoạt động tại Libya.
Không khó để dự đoán việc Khartoum sẽ quyết định can thiệp sâu hơn bằng cách tung thêm lực lượng RSF vào cuộc chiến ở Libya - nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang trong khủng hoảng và rất cần nguồn tài chính do UAE cung cấp.
Quân đội Sudan triển khai tại khu vực "tam giác biên giới" giữa nước này với Ai Cập và Libya tháng 11/2019.
Cuộc can thiệp quân sự của Ai Cập?
Ngay từ khi LNA tiến hành chiến dịch quân sự nhằm kiểm soát thủ đô Tripoli vào năm 2019, Ai Cập đã tuyên bố rằng họ "ủng hộ nỗ lực chống khủng bố và các nhóm dân quân cực đoan nhằm hướng tới một Libya an ninh và ổn định".
Kể từ đó tới nay, máy bay vận tải quân sự C-130 của Không quân Ai Cập đã liên tục tiến hành các chuyến bay "con thoi" giữa các căn cứ quân sự Ai Cập và các sân bay quân sự do LNA kiểm soát ở Libya.
Xe bán tải gắn pháo phòng không, xe bọc thép, xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) T-55 dư thừa trong trang bị của Quân đội Ai Cập đã trở thành "nguồn cung" chính nhằm thay thế cho những thiệt hại của lực lượng LNA tại chiến trường miền tây Libya.
Trong một bài viết vào tháng 2/2020, tạp chí Jane's dẫn nguồn tin địa phương cho biết các UAV Wing Loong II của Ai Cập đã được triển khai tại các căn cứ ở khu vực biên giới Ai Cập - Libya.
Cuộc xung đột tại Libya đang kéo các nước Bắc Phi và Trung Đông vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm liên khu vực?
Những chiếc Wing Loong II và CH4 tham chiến và bị bắn rơi tại miền tây Libya cho thấy rằng các lực lượng vũ trang của Ai Cập và UAE đang trực tiếp can thiệp vào cuộc xung đột ở quốc gia Bắc Phi này ở một cường độ tương đương với "đối thủ" Thổ Nhĩ Kỳ.
Gần đây, Cairo cũng đã liên tục đưa ra cảnh báo về "giới hạn đỏ" của họ đối với Ankara liên quan tới vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến sự Libya bằng ít nhất là 3 cuộc tập trận bao gồm:
Cuộc tập trận phòng không - không quân với Nga có tên "Mũi tên Hữu nghị-2019" tháng 11/2019, Cuộc tập trận phối hợp quân binh chủng Qadir 2020 tháng 1/2020 và gần đây nhất là cuộc tập trận hải quân - không quân chung giữa Ai Cập - Pháp tháng 2/2020.
Tuy nhiên, việc Ai Cập ồ ạt đưa quân vào Libya chỉ có thể kích hoạt khi Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) chính thức tham chiến.
Chính vì vậy, câu hỏi rằng nếu những tay súng Syria vẫn tiếp tục đẩy LNA khỏi miền tây nước này, Ai Cập sẽ tiến hành hỗ trợ đồng minh ra sao?
Ai Cập đã từng tiến hành các cuộc không kích nhóm khủng bố IS và nhóm vũ trang Majlis al-Shura ở Libya vào năm 2015 và 2017, điều này khiến cuộc tập kích đường không nhằm đẩy lui lính đánh thuê Syria trở thành một "giải pháp khả thi" trong bối cảnh hiện tại.
Xe tăng T-55 được cho là mới nhận từ Ai Cập thuộc Lữ đoàn 206 LNA chuẩn bị xung trận tại Tripoli, tháng 12/2019.
Kết luận
Trong bài viết được tờ Time đăng tải ngày 12/2/2020, tác giả Federich Wehrey nhận định:
"Cuộc chiến đang tiếp diễn ở Tripoli đang diễn ra một cách "kỳ lạ", có vẻ là một hình thái xung đột "hậu hiện đại" khi những chiếc UAV bay lượn trên bầu trời và có rất ít các tay súng trên chiến tuyến.
Tuy vậy, bằng cuộc phản công vẫn đang tiếp diễn ở miền tây Libya với công thức "hỏa lực Thổ và lính đánh thuê Syria", Ankara đã thay đổi bản chất của cuộc chiến.
Thay vì các cuộc giao tranh tầm xa với rất ít thương vong giữa những tay súng Libya, giờ đây chiến trường Tripoli đã trở nên đẫm máu hơn, tương tự như những gì đã diễn ra vào đầu năm 2020 tại tây bắc Syria.
Nhưng nỗ lực "thay màu da xác chết" của Thổ Nhĩ Kỳ khó có khả năng đẩy các đối thủ của họ sụp đổ hoàn toàn ở Libya. Các thế lực "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" như UAE, Sudan và Ai Cập có thừa năng lực để giúp đỡ lực lượng LNA giáng những đòn hủy diệt nhằm vào đối phương.
Nếu những "cái đầu nóng" vẫn quyết tâm "một mất một còn" ở Libya, cuộc xung đột này sẽ ngày một trầm trọng và trở thành một cuộc chiến tranh mang tầm khu vực, "đấu trường" nhằm thiết lập một trật tự chính trị - quân sự - kinh tế mới ở Trung Đông và Bắc Phi.
Máy bay không người lái Thổ Nhĩ Kỳ phá hủy một mục tiêu được cho là tổ hợp Pantsir-S1 tại Tarhuna, Libya.