Bhutan - Thiên đường bị mắc kẹt giữa hai ông lớn Trung-Ấn

Hải Ngọc |

Nằm kẹp giữa 2 "ông lớn" Trung Quốc và Ấn Độ, Bhutan lo lắng cao độ khi binh lính 2 nước láng giềng bỗng kình nhau ở gần biên giới mình

Với phong cảnh núi non hùng vĩ và những tu viện tuyệt đẹp trên đỉnh đồi, Bhutan là giấc mơ của kẻ lữ hành. Đất nước này được gọi tên là "Shangri-La cuối cùng" - chỉ về một nơi xinh đẹp, thần bí với mọi thứ đều hoàn hảo.

Thủ đô Thimphu của Bhutan là chốn dừng chân trong lành cho những ai đã quá chán ngán cảnh giao thông và ô nhiễm ở các siêu đô thị. Đàn ông, phụ nữ, trẻ em đi bộ thư thả trong những bộ trang phục truyền thống. Bhutan có lẽ là đất nước duy nhất trên thế giới không có đèn giao thông, thay vào đó chỉ có cảnh sát đứng ra hiệu bằng tay.

Nhưng ẩn dưới bề mặt thanh bình đó, đất nước đẹp như tranh này phải trải nghiệm cảm giác căng thẳng ngấm ngầm kể từ năm ngoái. Nằm kẹp giữa 2 "ông lớn" châu Á - Trung Quốc ở phía Bắc và Ấn Độ ở phía Nam, quốc gia với vỏn vẹn 800.000 dân trên núi Himalaya lo lắng cao độ khi binh lính 2 nước láng giềng bỗng kình nhau ở gần biên giới nước mình.

Căng thẳng nổ ra ở một cao nguyên chiến lược mang tên Doklam, nằm tại ngã ba biên giới giữa Ấn Độ, Bhutan và Trung Quốc. Khu vực núi non hẻo lánh của Doklam là đối tượng tranh chấp của Bhutan và Trung Quốc, còn Ấn Độ ủng hộ Bhutan. Vào tháng 6-2017, khi Trung Quốc bắt đầu mở rộng một con đường ở Doklam, binh lính Ấn Độ phát hiện và ngăn chặn.

Delhi lo ngại nếu có xung đột trong tương lai, quân đội Trung Quốc có thể dùng con đường đó để chiếm hành lang Siliguri - khu vực có biệt danh "Cổ gà" nối giữa phần nội địa Ấn Độ với các bang Đông Bắc của nước này.

Trong lúc nỗi lo lắng của Ấn Độ bị một số chuyên gia cho là cường điệu hóa thì nhiều người Bhutan lại không hề hay biết về mức độ quan trọng của Doklam. "Doklam chỉ trở thành chủ đề tranh cãi và thảo luận sau vụ dàn quân căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ" - bà Namgay Zam, một nhà báo ở Thimphu, cho biết.

Sau 73 ngày giằng co, cuối cùng giới lãnh đạo Ấn Độ và Trung Quốc cũng dàn xếp được với nhau. Phía Ấn Độ rút quân. Chính phủ Bhutan chỉ ra thông cáo hoan nghênh nhưng từ chối thảo luận công khai về căng thẳng Doklam. Nhiều người dân Bhutan xem đây là hồi chuông cảnh báo. Trên mạng xã hội xôn xao bàn tán xem có phải đã đến lúc Bhutan giải quyết tranh chấp biên giới với Trung Quốc và theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập. Thậm chí có người đặt câu hỏi về việc Bhutan nên bước ra khỏi cái bóng của Ấn Độ.

Bhutan ngả về Ấn Độ từ những năm 1950 và nhận được nhiều hỗ trợ về kinh tế, quân sự, kỹ thuật... Bhutan là nước được Ấn Độ viện trợ nước ngoài nhiều nhất. Delhi đã trao cho láng giềng gần 800 triệu USD để thực hiện kế hoạch kinh tế 5 năm gần đây nhất. Hiện tại, hàng trăm binh lính Ấn Độ đóng quân bên trong Bhutan và huấn luyện binh sĩ nước này. Tổng hành dinh của quân đội Ấn Độ tại Bhutan nằm ở thị trấn Haa, chỉ cách Doklam chừng 20 km.

Dù nhiều người dân Bhutan cảm kích sự giúp đỡ kéo dài hàng thập kỷ của Ấn Độ nhưng nhiều người khác, đặc biệt là giới trẻ, muốn đất nước đi con đường riêng. Chính sách đối ngoại của Bhutan lưu tâm đến các lo ngại an ninh của Ấn Độ bởi giữa 2 nước đã ký một hiệp ước đặc biệt vào năm 1949.

Tới năm 2007, hiệp ước này được ký lại song trao cho Bhutan nhiều tự do hơn trong chính sách đối ngoại và mua sắm quân sự. Nhà phân tích chính trị Gopilal Acharya cho rằng Ấn Độ không nên nghĩ về Bhutan như một "chư hầu" và hãy để người dân Bhutan tự quyết định tương lai chính trị.

Bhutan và Trung Quốc có nhiều tranh chấp lãnh thổ ở phía Bắc và phía Tây. Suy nghĩ cần nhanh chóng dàn xếp với Trung Quốc đang lớn dần ở Bhutan. Theo nhà bình luận Karma Tenzin, nếu không tăng tốc về mặt ngoại giao, căng thẳng Doklam có thể tái diễn và đất nước thanh bình Bhutan không chịu được cảnh bị 2 siêu cường chĩa mũi dùi ngay cửa nhà.

Cho tới nay, Ấn Độ không cản được Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở các nước Nam Á khác như Nepal, Sri Lanka, Maldives và Bangladesh. Bhutan là quốc gia duy nhất trong khu vực không có quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh. Trong lúc tăng cường đối trọng với Trung Quốc cả về quân sự và kinh tế, Ấn Độ có nguy cơ đánh mất đồng minh nếu chính sách đối ngoại của họ không dựa trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau.

Nhiều người Bhutan đang cảm thấy Ấn Độ muốn lợi dụng nguồn tài nguyên của họ. Thái độ "anh cả" của Delhi cũng khiến nhiều người kêu gọi giao thương với Trung Quốc nhiều hơn. Họ cũng muốn giống như Nepal - chơi lá bài Trung Quốc trong quan hệ với Ấn Độ.

Bhutan có thể là quốc gia tí hon nằm chót vót trên Himalaya nhưng họ vẫn nắm trong tay một quân cờ chiến lược. Họ không muốn bị cuốn vào vòng xoáy đối đầu giữa Ấn Độ - Trung Quốc và càng không muốn nhìn thấy quân đội 2 nước này bài binh bố trận gần biên giới nước mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại