Kết quả cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi ở Séc là cú đòn nặng thứ 3 liên tiếp giáng xuống Liên minh châu Âu (EU) sau hai cuộc bầu cử quốc hội ở Đức và Áo trước đó không lâu.
Lại một lần nữa EU phải chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của phe cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa.
Ở Hà Lan, Pháp và Đức, phe cánh này năm nay chưa đến mức có thể tham gia nhiếp chính, nhưng ở Áo và Séc thì họ đang đóng vai trò "lập vua".
Ở tất cả các nước thành viên này của EU, phe cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa đều trỗi dậy mạnh mẽ tới mức vai trò và ảnh hưởng trên chính trường và trong xã hội không thể bỏ qua được nữa.
Ở Hà Lan và Đức, phe cánh của thủ tướng Mark Rutte và Angela Merkel tiếp tục cầm quyền nhưng đã bị mất phiếu bầu nghiêm trọng và sa sút uy tín trong cử tri.
Ở Pháp, hai đảng phái chính trị lớn xưa nay thay nhau cầm quyền bị thất thế hoàn toàn và chỉ nhờ cậy vào phong trào chính trị mới của tân tổng thống Emmanuel Macron mới có thể ngăn chặn được đảng Mặt trận quốc gia của bà Marine Le Pen chiếm lĩnh quyền lực nhà nước tối cao.
Ở Áo, Đảng Nhân dân Áo của Bộ trưởng ngoại giao Sebastian Kurz muốn cầm quyền thì phải liên minh với Đảng Tự do Áo, ấy là còn chưa kể đến việc ông Kurz đã phải tiến hành vận động tranh cử bằng chính những quan điểm chính sách truyền thống đặc thù của Đảng Tự do Áo – đó là không thân thiện với EU, không đồng tình với cách EU giải quyết vấn đề tỵ nạn, không đồng ý tiếp nhận người tỵ nạn, cũng đóng cửa biên giới.....
Còn ở Séc, tỷ phú Andrej Babis thắng cử vang dội với phong trào ANO trong khi tất cả các đảng phái chính trị lớn định hình lâu nay đều đã thảm bại.
Ở Đức, Áo và Séc, các đảng cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa đều đã trở thành đảng phái chính trị lớn thứ 3.
Những cử tri ủng hộ đảng cực hữu dân túy AFD trong cuộc bầu cử quốc hội Đức 2017. Ảnh: AP
Ông Kurz ở Áo, ông Babis ở Séc cũng là đối thủ chính trị chứ không phải là đối tác của bà Merkel và ông Macron trong EU nói chung và trong vấn đề người tỵ nạn nói riêng.
Séc là thành viên của nhóm Visegrad bao gồm Hungari, Ba Lan, Séc và Slovakia, một dạng tập hợp lực lượng của các thành viên Đông Âu trong EU.
Áo xưa nay đóng vai trò cầu nối giữa nhóm này và EU. Thủ tướng Hungari Viktor Orban và thủ lĩnh đảng Luật pháp và công lý cầm quyền ở Ba Lan Jaroslaw Kaczynski đã dẫn dắt hai thành viên EU này càng ngày càng cách xa EU, xa lạ và bất hòa với EU, độc lập hơn chứ không sẵn sàng chịu nghe và chấp nhận chỉ đạo và chỉ bảo của EU mà họ coi là áp đặt.
Giờ có thêm Séc và thậm chí cả Áo thì sự bất đồng quan điểm thêm sâu sắc, sự phân hóa thêm rõ ràng trong nội bộ EU. Năm 2017 sắp qua đi này thật là năm chẳng tốt đẹp gì đối với EU khi không chỉ không giải quyết được vấn đề gì mà phải trực diện thêm khó khăn mới, khi vai trò và uy tín tiếp tục suy giảm.
Vì sao lại như vậy ?
Nguyên do trước hết là ở chỗ châu lục này bị tác động và không thể không chuyển đổi về mọi phương diện bởi thời cuộc chung của thế giới - mà thực chất là sự giằng co giữa toàn cầu hóa và co cụm cục bộ, là xung đột giữa Phương Tây và Đạo Hồi, là chiến tranh và nội chiến ở nhiều nơi với những mức độ quyết liệt khác nhau, là sự tái bùng phát của mối quan hệ giữa liên minh chung và nhà nước quốc gia riêng rẽ.
EU đã chậm nhìn ra thời cuộc ấy có thể làm EU và các nước thành viên chuyển biến như thế nào về chính trị và xã hội nên đã quá say sưa với việc thúc đẩy hợp tác, liên kết và nhất thể hóa châu lục mà sao nhãng quan tâm xử lý ngay từ đầu và tận gốc rễ chủ nghĩa cực đoan, dân túy và dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi.
Vì không phòng bệnh nên giờ và cả trong tương lai nữa EU phải trả giá đắt cho việc chữa bệnh.
Một nguyên nhân khác là sự "xơ cứng" trong nhận thức dẫn đến sự ngạo mạn chính trị trong hành động của EU và của các đảng lớn thay nhau cầm quyền lâu nay ở các nước thành viên. Nó làm cho EU trở nên ngày càng xa lạ đối với dân chúng trong EU chứ không làm tăng sự gắn bó của dân chúng với EU và làm cho dân chúng ở các nước thành viên mất lòng tin vào các đảng lớn.
Họ không thể không cảm nhận thấy EU và các đảng này cai trị họ chứ không phục vụ họ, lợi dụng họ chứ không vì họ. Vì thế, nhiều quyết sách của EU và của các đảng phái chính trị lớn kia thiên về lý trí chính trị mà bất chấp tình cảm và tâm lý của dân chúng, rất cao thượng về chính trị nhưng lại khiến dân chúng lo ngại về lợi ích bị tổn hại và ảnh hưởng.
Mọi dấu hiệu đến thời điểm hiện tại đều cho thấy EU chưa có được đối sách đối phó hữu hiệu với sự trỗi dậy, thậm chí cả thắng thế, của lực lượng cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa cũng như để khắc phục bất đồng quan điểm và phân rẽ nội bộ.
Liên minh này hiện không thiếu ý tưởng lớn cho tương lai nhưng lại rất thiếu ý tưởng giải pháp cho những vấn đề cụ thể đang đặt ra.