Bến cảng 2 năm tuổi xuất hàng nghìn xe điện VinFast đi 5 châu có gì đặc biệt?

Kỳ Lân |

MPC Port mới đón tàu đầu tiên cập cảng vào giữa năm 2020. Cảng đang trong tầm ngắm thâu tóm của cổ đông lớn Vinafreight (Transimex) nhằm tận dụng cơ hội khi các cảng phía trong thành phố Hải Phòng bị di dời.

Ngày 16/4/2023, tàu Silver Queen chở 1.879 xe VinFast VF 8 thứ hai xuất khẩu ra thế giới đã chính thức rời bến cảng MPC Port (Hải Phòng) để tới Bắc Mỹ. Dự kiến, sau hơn 20 ngày di chuyển, tàu sẽ cập cảng Benicia (California, Mỹ) để bàn giao 1.098 xe cho thị trường Mỹ và sẽ tiếp tục vận chuyển 781 xe còn lại tới Canada.

Cảng MPC Port hay còn gọi là cảng Mipec, thuộc sự quản lý của CTCP Cảng Mipec (thành lập năm 2015). Cảng nằm tại vị trí hạ lưu sông Cấm, bán đảo Đình Vũ, thuận tiện kết nối các tuyến giao thông đường bộ, đường biển. Cảng có thể tiếp nhận được tàu container và hàng bách hóa có trọng tải lên tới 40.000 DWT giảm tải.

Cảng Mipec có diện tích 24 ha, cầu cảng 2 bến, tổng cộng 300 m2 cầu cảng và có bãi container lớn. Mipec đón chuyến tàu đầu tiên vào tháng 6/2020.

Bến cảng 2 năm tuổi xuất hàng nghìn xe điện VinFast đi 5 châu có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Vị trí cảng MPC Port (Ảnh: Google Maps)

Cảng Mipec từng được Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC) đầu tư cuối năm 2017, mua 25% cổ phần từ CTCP Giao nhận Vận tải Ngoại thương Việt Nam (VNT Logistics). Năm 2021, SIC thông báo thoái vốn thành công tại cảng Mipec thu về cả gốc và lãi 281,5 tỷ đồng, lợi nhuận từ bán vốn 60 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2022, dựa trên thông tin tổng hợp từ các báo cáo tài chính, thông tin sở hữu cảng Mipec như sau:

CTCP Vinafreight đầu tư vào cảng Mipec hơn 200 tỷ đồng, sở hữu 21,06% cổ phần (BCTC Vinafreight).

VNT Logistics đầu tư giá gốc vào cảng Mipec gần 278 tỷ đồng, sở hữu 26,33% cổ phần (BCTC VNT Logistics).

Thực tế, Vinafreight và VNT Logistics có mối liên hệ mật thiết. Vinafreight sở hữu 24,78% cổ phần VNT Logistics. Mặt khác, cổ đông nắm 19,73% cổ phần VNT Logistics là CTCP Transimex là công ty mẹ nắm 57% của Vinafreight.

Báo cáo tài chính hợp nhất 2022 của Transimex ghi nhận việc sở hữu 38,83% cổ phần cảng Mipec.

Trong khi một cổ đông khác của cảng Mipec là CTCP Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải (Maserco) sở hữu 1,75%.

Năm 2022, đại hội cổ đông thường niên của Vinafreight đã thông qua kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu tại cảng Mipec lên 51% thông qua chào mua công khai.

Ông Nguyễn Bích Lân, chủ tịch HĐQT Vinafreight thời điểm đó nói rằng, do thành phố Hải Phòng có kế hoạch di dời một số cảng phía trong, với lợi thế nằm ngay cửa biển, cảng Mipec có thể đón nhận khách hàng từ cảng khác bị di dời. Công ty nhận thấy tiềm năng trong trung và dài hạn, cùng với các đối tác có sẵn, tỷ lệ sở hữu 51% sẽ đảm bảo quyền kiểm soát và khai thác cảng được đồng bộ.

“Công ty mới hoạt động, vốn đầu tư đã hơn 2.000 tỷ đồng. Việc đầu tư vào công ty cảng Mipec rất tiềm năng nhưng cần thời gian để phát triển”, ông Lê Duy Hiệp, thành viên HĐQT Vinafreight đồng thời là tổng giám đốc Transimex trả lời thắc mắc cổ đông về lý do đầu tư.

Bến cảng 2 năm tuổi xuất hàng nghìn xe điện VinFast đi 5 châu có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Xe điện VinFast đậu tại bãi container MPC Port

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại