Nga không can thiệp vào chuyện nội bộ của Belarus, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với đài RIA Novosti, khi ông này được đề nghị bình luận về lời đe dọa trừng phạt mới nhất của Mỹ.
Cụ thể, hãng thông tấn Reuters hôm 1/9 dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết Washington rất có thể sẽ ban hành các biện pháp "trừng phạt thích đáng" nếu Nga có hành động "can thiệp công khai" vào tình hình tại Belarus.
Bên cạnh đó, theo quan chức giấu tên nói trên, chính quyền Washington cũng đang cân nhắc khả năng trừng phạt 7 quan chức Belarus có liên quan đến việc "làm sai lệch" kết quả bầu cử tổng thống ngày 9/8. Trước đó, Mỹ đã thông báo danh sách 7 quan chức mà nước này đang cân nhắc trừng phạt cho Liên minh Châu Âu (EU).
Phản ứng trước lời đe dọa trừng phạt của phía Mỹ, Thứ trưởng Ryabkov khẳng định Nga tôn trọng quyền lợi của người dân Belarus, tôn trọng quyền quyết định và khả năng tự giải quyết những vấn đề của riêng họ.
"Nga không can thiệp vào công việc của Belarus, nhưng góp phần giải quyết vấn đề", ông Ryabkov nói. "Mỹ đừng nên đe dọa người khác, mà thay vào đó hãy cho Belarus một cơ hội để họ tự mình giải quyết vấn đề theo cách thích hợp".
Đây cũng là quan điểm được Ngoại trưởng Sergey Lavrov chia sẻ với các sinh viên của trường Đại học MGIMO của Nga hôm 1/9 vừa qua. Ông Lavrov nhấn mạnh: "Nga muốn người dân Belarus có cơ hội tự giải quyết vấn đề của họ mà không cần bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài".
Vị Ngoại trưởng Nga nói thêm: "Có những vấn đề cần được thảo luận, nhưng chúng tôi cho rằng việc phương Tây cố gắng lập tức đóng vai trò thẩm phán - thông qua các bản án và thực hiện chúng bằng những đòn trừng phạt và lời đe dọa khác - là điều không thể chấp nhận được trong thế giới hiện đại".
Theo ông Lavrov, Moskva đã ghi nhận việc phương Tây có các hành động tiếp cận để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại ở Belarus, tuy nhiên Nga tin rằng vấn đề của nước láng giềng không cần đến bất cứ "phương pháp hòa giải xâm phạm nào".
Cuối tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố thông tin thành lập lực lượng cảnh sát dự bị theo lời đề nghị của người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko và theo khuôn khổ Nhà nước Liên minh và Hiệp ước an ninh tập thể, đồng thời cho biết Nga sẵn sàng trợ giúp nước láng giềng trong trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga vẫn khẳng định rằng hiện tại Belarus chưa cần đến sự giúp đỡ của Nga và thậm chí "tình hình đang dần ổn định trở lại". Ông Putin cũng đã nêu điều kiện để Belarus nhận được sự giúp đỡ này, đó là trong trường hợp "các lực lượng cực đoan, dưới vỏ bọc của các khẩu hiệu chính trị, vượt qua ranh giới để cướp, đốt xe hơi, nhà cửa, ngân hàng và cố gắng chiếm các tòa nhà hành chính".
Ảnh: AP
Biểu tình, hỗn loạn hậu bầu cử ở Belarus
Các cuộc biểu tình quy mô lớn tại Belarus bắt đầu nổ ra từ ngày 9/8, sau khi Tổng thống Alexander Lukashenko giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử với 80,1% số phiếu bầu.
Phe đối lập tuyên bố không công nhận kết quả này, và tin rằng người chiến thắng không phải ông Lukashenko mà là bà Svetlana Tikhanovskaya, một cựu giáo viên từng là bà mẹ nội trợ trước khi quyết định tham gia tranh cử tổng thống.
Ban đầu, lực lượng cảnh sát Belarus đã dùng các biện pháp như xịt hơi cay, vòi rồng, lựu đạn gây choáng và đạn cao su để trấn áp đám đông biểu tình, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Sau đó, cơ quan bảo vệ pháp luật của nước này đã phải ra quyết định chấm dứt việc giải tán đám đông biểu tình bằng vũ lực.
Theo dữ liệu của chính phủ Belarus, trong những ngày đầu của làn sóng biểu tình phản đối kết quả bầu cử, đã có hơn 6.700 người bị bắt giữ, hàng trăm người - trong đó có hơn 100 sĩ quan cảnh sát và lực lượng thi hành công vụ - bị thương.
Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: