Belarus đã qua mặt Nga như thế nào để xuất khẩu vũ khí sang Mỹ?

Đức Trí |

Belarus bất chấp những phản ứng từ Nga để “đi đêm” với Mỹ trong lĩnh vực vũ khí, cụ thể là đạn dược, nhằm khôi phục lại ngành công nghiệp quốc phòng của mình.

Theo báo cáo của hãng Sina (Trung Quốc), Trong quý đầu tiên của năm 2020, Belarus đã bán cho Mỹ hàng tấn đạn dược với tổng trị giá 1,41 triệu euro.

Vấn đề này đã được Cục kiểm soát xuất khẩu của Bộ Ngoại giao Romania xác nhận. Cơ quan này cho biết, lô hàng hóa quân sự này của Belarus đã đi qua Ukraine và Romania để đến Bulgaria và cuối cùng là thông qua đảo Síp vận chuyển đến Mỹ.

Đây là tín hiệu đáng quan ngại đối với Nga, Belarus chưa từng cung cấp vũ khí nào cho Mỹ trước đây thông qua nước thứ 3. Năm 2018, các quan chức Romania đã ghi nhận kỷ lục 116 triệu euro trong các thương vụ chuyển giao vũ khí từ Belarus tới Bulgaria.

Điều này cho thấy Romania là kênh quan trọng nhất để Belarus bán vũ khí từ Đông Âu cho Saudi Arabia và Mỹ, ngoài ra Syria và Yemen cũng nhận vũ khí từ Belarus. Tuy nhiên, Cơ quan đăng ký vũ khí truyền thống của Liên hợp quốc không có bất kỳ thông tin nào về việc xuất khẩu vũ khí và đạn dược từ Belarus sang Mỹ.

Năm 2015, Bulgaria nhận được 240 hệ thống tên lửa chống tăng 9P135 từ Belarus, thật trùng hợp là cùng năm đó, Mỹ và Saudi Arabia đã mua một số lượng tên lửa chống tăng tương tự từ các công ty của Bulgaria. Để tránh sự phản đối của Nga, Belarus đã chọn Bulgaria làm nước trung gian bán tên lửa chống tăng của Nga cho Mỹ.

Ba năm sau, Belarus chuyển giao 200 tên lửa chống tăng 9P151 và 30 tên lửa chống tăng 9P135 cho UAE. Cũng trong năm đó, Bulgaria đã chuyển giao 29 tên lửa chống tăng 9P135 cho Mỹ, trong đó có 8 tên lửa chống tăng 9P151. Không có bất kỳ thông tin nào trong hệ thống đăng ký của Liên hợp quốc về việc UAE mua vũ khí.

Theo đánh giá của các chuyên gia Nga, mặc dù Bulgaria tuyên bố trong báo cáo xuất khẩu năm 2018 rằng, nước này sẽ phát triển vũ khí và bệ phóng cỡ nòng không vượt quá 12,7 mm, tuy nhiên Bulgaria vẫn xuất khẩu gần 2,78 triệu euro các sản phẩm tên lửa.

Điều này cho thấy, nhiều khả năng, những tên lửa này được sản xuất tại Belarus và sau đó bán lại qua Bulgaria.

Belarus đã qua mặt Nga như thế nào để xuất khẩu vũ khí sang Mỹ? - Ảnh 2.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Belarus và Ngoại trưởng Mỹ hồi tháng 2/2020. Nguồn: Sina.

Được biết, lãnh đạo Belarus vốn đã mong muốn vực dậy ngành công nghiệp quốc phòng vốn đã kiệt sức do phụ thuộc vào liên bang Xô Viết, chưa có khả năng và cơ hội phục hồi từ sau Chiến tranh lạnh.

Các quan chức hàng đầu Belarus đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Belarus phải tránh xa một bi kịch mang tên Ukraine - quốc gia bỏ bê đối với các vấn đề quốc phòng nhiều năm khiến lực lượng quân đội chính phủ đã trở nên yếu ớt.

Tổng thống Belarus yêu cầu phải xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng mạnh để “tối tân hóa” cho lực lượng vũ trang quốc gia, đồng thời xuất khẩu vũ khí sang thị trường khác. Tuy nhiên, trước mắt Belarus phải làm “ngược lại”, nghĩa là tăng cường xuất khẩu vũ khí trước, chỉ để lại phần nhỏ cho quân đội quốc gia.

Vì Belarus không phải là thị trường độc quyền của bất kỳ một quốc gia nào và nước này đã cố gắng định vị mình là “ở giữa” Nga và phương Tây nên Minsk đồng thời có thể hợp tác với Moscow lẫn chính quyền Kiev, thậm chí là Mỹ và các nước phương Tây.

Chính vì định hướng này, Belarus sẽ xuất khẩu vũ khí sang bất kỳ quốc gia nào có nhu cầu, việc xuất khẩu vũ khí sang Mỹ cũng là điều không ngoại lệ.

Về phía Mỹ, Washington cũng có nhu cầu nhập khẩu vũ khí từ các nước Liên Xô cũ, Bộ Tư lệnh đặc trách Hợp đồng Quốc phòng Mỹ hồi tháng 6/2020 đã công khai trên trang web của chính phủ, yêu cầu các nhà thầu cung cấp thông tin về khả năng sản xuất và cung cấp vũ khí, đạn dược thương mại từ những nguồn không nằm trong khối NATO.

Theo thông báo, quân đội Mỹ đang tìm mua đạn dược đặc biệt dành cho các loại súng trường tấn công, súng lục, súng bắn tỉa và súng máy do Nga sản xuất.

Cụ thể, quân đội Mỹ đang tìm cách mua các loại đạn cỡ nòng nhỏ cho súng ngắn Makarov và Tokarev, súng trường tấn công AK-47, súng máy PKM và YaKB / DshKM và súng bắn tỉa SVD Dragunov.

Nhu cầu của Mỹ đã được Belarus đáp ứng, bất chấp sự phản đối của Nga. Đây cũng không phải lần đầu Belarus “qua mặt” Nga để xuất khẩu vũ khí, vào những năm 1990, Belarus đã làm những điều tương tự khi vận chuyển tên lửa phòng không S-300 đến các căn cứ của Mỹ mà không có sự đồng ý của Nga.

Không chỉ vậy, Belarus còn cung cấp vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến ở miền đông nước này, chủ yếu nhằm vào Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại