Thư ký Hội đồng An ninh Belarus Alexander Volfovich. Ảnh: Newsweek
Hãng tin BelTA dẫn lời ông Alexander Volfovich hôm 3/11 cho biết, Belarus lo ngại về việc Ba Lan đang “quân sự hóa”, đồng thời cho rằng Warsaw “có ý định khiêu khích” Belarus.
Nga được cho là đã sử dụng Belarus là nơi tập kết để đưa tên lửa và quân đội vào Ukraine, nhưng Minsk không tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.
Tháng 10/2022, căng thẳng leo thang khi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói sẽ tiến hành các cuộc triển khai chung với các lực lượng Nga. Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine sau đó lên tiếng cảnh báo Belarus không nên tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, Kiev sẽ có biện pháp đáp trả nếu kịch bản trên xảy ra.
Ông Volfovich cho biết, Belarus lo ngại về các mối đe dọa đối với an ninh của đất nước.
“Là một tiền đồn về an ninh tập thể trong khu vực Đông Âu, Belarus đã phải đối mặt với mọi thách thức và đe dọa an ninh. Trước hết, chúng tôi lo ngại về sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ của các nước láng giềng và những luận điệu quân sự từ các quốc gia láng giềng”, ông Volfovich nói.
Thư ký Hội đồng An ninh Belarus cảnh báo Ba Lan, thành viên NATO, rằng nếu nước này tiến hành “hành động khiêu khích”, sẽ có nguy cơ nổ ra cuộc chiến không chỉ ảnh hưởng đến lãnh thổ của Belarus mà còn đến toàn bộ Đông Âu.
“Việc Ba Lan quân sự hóa và ý định khiêu khích của nước này là mối quan ngại chính. Ba Lan đã lựa chọn quân sự hóa, gia tăng lực lượng vũ trang, khí tài. Mục tiêu của những hành động này là để khiêu khích và chống lại nước ở gần Ba Lan nhất, đó là Belarus”, ông Volfovich nói.
“Các quan chức Ba Lan phải hiểu rằng nếu họ gây hấn, cuộc chiến sẽ ảnh hưởng không chỉ đến lãnh thổ của Belarus mà là toàn bộ Đông Âu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến người dân Ba Lan và các quốc gia khác”, quan chức Belarus nói thêm.
Chính phủ Ba Lan đã mở rộng chi tiêu quân sự kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Ông Volfovich cho rằng các vấn đề tồn tại trong quan hệ giữa Belarus và các nước láng giềng NATO cần được giải quyết thông qua đàm phán “một cách hòa bình, văn minh và dân chủ”.
“Chúng ta nên gặp nhau tại bàn đàm phán, thảo luận các vấn đề và tìm ra điểm chung. Tuy nhiên, đây là điều mà lãnh đạo của các nước láng giềng không muốn làm”, ông Volfovich nói./.