Bé gái bắt cướp, Mỹ Đình chặn cả... CĐV lẫn Indonesia

Quốc Bảo |

Để phá tan ý đồ tới Mỹ Đình "cướp" vé vào chung kết AFF Cup của người Indonesia, thầy trò HLV Hữu Thắng cần phải cứng cỏi như cô bé Catherine trong vụ cướp ngân hàng vào năm 1936.

1. Vào một ngày cũng cận lễ Giáng sinh cách đây tròn 8 thập kỷ, một tên cướp cầm theo khẩu súng đã nạp đạn bước vào một ngân hàng thuộc chuỗi Cullman’s State National Bank, Mỹ. Lúc đó là giờ ăn trưa, ngân hàng chỉ có một cô bé vị thành niên, con gái của viên quản lý, coi giữ.

Một tên cướp có vũ khí và một bé gái tay không đối diện nhau. Nếu phải ra tỷ lệ như cách các nhà cái vẫn làm trong môn bóng đá, cơ hội ngăn chặn thành công một vụ cướp tiền dành cho bé gái có lẽ không lớn hơn khả năng Leicester giành chức vô địch Premier League.

"Đưa tiền đây cho tao", tên cướp gằn giọng. "Không, tôi không giúp ông", Catherine Clark Voss đáp. "Nếu muốn tiền, ông tự đi mà lấy".

Bé gái bắt cướp, Mỹ Đình chặn cả... CĐV lẫn Indonesia - Ảnh 1.

Tên cướp có vũ khí chẳng làm cô bé Catherine Clark Voss run sợ. (Ảnh minh họa)

Thoáng bất ngờ trước thái độ can đảm của Catherine, tên cướp thận trọng tiến đến sau quầy và lục được trong ngăn kéo 1.200 đô la. Khi tên cướp có ý định cướp thêm tiền, Catherine bèn lao vào chống cự. Khẩu súng văng xuống đất, nhưng tên cướp đã nhanh chóng nhặt lên và nhằm thẳng vào Catherine.

Hắn siết cò. Viên đạn xuyên qua vai cô bé. Catherine ngã xuống, ngất xỉu trong giây lát. Tỉnh dậy, không màng cơn đau, Catherine hét to và người qua đường nghe thấy giọng cô. Tên cướp bỏ chạy, nhưng bị tóm chỉ cách đó 3 dãy nhà.

Trên đây không phải bộ phim sặc mùi hư cấu của Hollywood, mà là câu chuyện có thật giống như Leicester đã đăng quang tại Premier League mùa trước.

2. So với một ngân hàng tại Mỹ vào đầu thế kỷ 20, sân Mỹ Đình có kích thước lớn hơn rất nhiều lần. Nhưng cho dù có sức chứa lên đến 4 vạn chỗ ngồi, Mỹ Đình vào những dịp hệ trọng lại trở thành nơi mà một tấm vé thậm chí còn khó kiếm hơn so với cả việc cướp tiền trong nhà băng thuở trước.

Bất kể có "vũ trang tận răng" bằng chăn, chiếu, áo mưa hay khẩu trang, kính mát rồi xếp hàng thâu đêm suốt sáng trong bộ dạng kiên nhẫn của đám cao bồi miền Viễn Tây, đa số các CĐV cũng đành bó tay trong cơn khát vé.

Dân Hải Phòng vốn khét tiếng "máu me" với trái bóng tròn, nghe đồn là hội CĐV bóng đá của thành phố cảng chỉ được cấp 6 vé cho trận Việt Nam gặp Indonesia vào ngày 6/12.

Bé gái bắt cướp, Mỹ Đình chặn cả... CĐV lẫn Indonesia - Ảnh 2.

Những người có trọng trách phân phát vé hẳn sẽ nói, thôi thì của ít lòng nhiều, yêu đội tuyển thì có rất nhiều cách để thể hiện chứ đâu nhất thiết phải vào sân. Có bản lĩnh, xin mời ra chợ đen mà mua, giá chỉ vài triệu đồng một cặp chứ mấy. Nhịn ăn sáng khoảng đôi ba tháng là đủ tiền liền.

Hoặc hãy lắng nghe "lời khuyên" chí tình của một vị cựu Chủ tịch VFF: "Xem bóng đá có nhất thiết phải đông thế không".

Nhưng ngược lại với tình trạng khét lẹt ở các quầy vé, Mỹ Đình - dù liên tục được báo chí hun đúc bằng những mỹ từ như chảo lửa hay thánh địa - lại thường xuyên trở thành ngân hàng điểm cho đối phương ở những cuộc đối đầu sống còn, đặc biệt là các trận lượt về trong giai đoạn knock-out của AFF Cup (3 hòa, 2 thua, 0 thắng).

3. Chứng kiến Việt Nam thua tan tác Malaysia 2-4 tại Mỹ Đình sau khi đã hạ đối phương 2-1 ở trận bán kết lượt đi năm 2014, nhiều người đã ứa nước mắt không chỉ vì... tiếc tiền mua vé. Giá như các cầu thủ của chúng ta có được một nửa sợi dây thần kinh của cô bé Catherine dạo nào, niềm vui của hàng triệu người đã không bị tước đoạt một cách tàn bạo như thế.

Bé gái bắt cướp, Mỹ Đình chặn cả... CĐV lẫn Indonesia - Ảnh 3.

Đây không phải là lúc để nỗi buồn lấn át.

Tất nhiên Việt Nam không phải đội bóng duy nhất trên thế giới không giỏi trong việc lội ngược dòng. Ngay đến đội tuyển được ngợi ca là cỗ xe tăng, tinh thần thép như Đức còn lắm phen gục ngã chỉ sau một phát đạn.

Vấn đề là Việt Nam không chỉ thiếu giải pháp mỗi khi cần phải ghi bàn để xoay chuyển tình thế, mà đội bóng của chúng ta còn tỏ ra yếu đuối về mặt tinh thần trong thời khắc nước sôi lửa bỏng.

Trận bán kết lượt đi AFF Cup 2007, Thanh Bình đá hỏng phạt đền khi đội khách Thái Lan đang dẫn 1 bàn và cuối cùng Việt Nam chịu thua 0-2.

Ngoài những cơ hội ngàn vàng bị bỏ lỡ, tâm lý không tốt của Việt Nam còn lộ rõ qua những màn bỏ bóng đá người thô thiển vào quãng thời gian trọng tài chuẩn bị thổi hết giờ. Bán kết lượt về AFF Cup 2010, Thành Lương lĩnh thẻ đỏ trong trận đấu Việt Nam bị Malaysia cầm hòa 0-0 tại Mỹ Đình và thua chung cuộc 0-2.

Bé gái bắt cướp, Mỹ Đình chặn cả... CĐV lẫn Indonesia - Ảnh 4.

Sự quật cường đã làm nên chiến tích vĩ đại ở AFF Cup 2008, ngay trên Mỹ Đình.

Thôi, chuyện cũ không nên nhắc lại nhiều. Người xưa có một triết lý rất hay: "Tôi hôm nay không phải là tôi của hôm qua". Thời gian trôi, Thành Lương đã trở nên chín chắn hơn hẳn. Tại AFF Cup 2016, ngôi sao gốc Hà Tây và các đồng đội đã phần nào chứng tỏ bản lĩnh đàn ông khi vượt qua Cambodia trong thế 10 chống 11 suốt gần hết thời gian.

Trước trận đấu "khó khăn" kể trên, đội bóng dưới quyền HLV Hữu Thắng đã rất tỉnh táo, lạnh lùng để ghi những bàn thắng bằng vàng ròng đều ở phút 80 vào lưới Myanmar và Malaysia. Nếu đội tuyển Việt Nam không có được tâm lý vững vàng ở vòng bảng, các quầy vé giờ này hẳn đang sầu thảm còn hơn một nhà băng vừa bị bọn cướp tấn công.

Chỉ mong, nếu các CĐV thấy khó một trong nỗ lực kiếm vé vào sân, thì Indonesia sẽ thấy khó mười trong ý đồ rời Mỹ Đình cùng tấm vé dự trận chung kết AFF Cup 2016.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại